Băn khoăn lãi suất vừa giảm đã tăng!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Từ sau dịch Covid-19, chu kỳ biến động lãi suất đang rút ngắn lại, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng nhanh.
Lãi suất cần tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp Lãi suất cần tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp

Tăng lãi vay, doanh nghiệp sẽ... “nhanh chết”

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Trương Công Quyết, Giám đốc Công ty Cung ứng lao động ở Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới khó khăn nên nhu cầu ở Mỹ, châu Âu… giảm mạnh, dẫn đến nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An… không có đơn hàng. Theo đó, giảm lao động và không hiếm doanh nghiệp giảm tới 80% nhân công để tiết giảm chi phí, “cầm cự” đi qua giai đoạn này.

“Doanh nghiệp của tôi cũng phải giảm tới 70% nhân viên trong năm qua, nghĩa là cắt giảm 2/3 nhân sự và chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt”, giám đốc trẻ này nói, đồng thời cho biết, tình hình bắt đầu khả quan hơn từ đầu năm 2024, nhất là sau Tết Nguyên đán, khi các doanh nghiệp bắt đầu tăng cường tuyển dụng lao động. Có những doanh nghiệp tăng trưởng lao động 100% so với năm 2023 khi đơn hàng bắt đầu đặt nhiều, tập trung tại các lĩnh vực dệt may, giày da… và đặc biệt, lĩnh vực điện tử tăng mạnh. Có những công ty cung ứng lao động được Samsung hay một số doanh nghiệp Trung Quốc lên đơn hàng yêu cầu cung cấp lượng nhân sự lớn lên tới vài nghìn nhân viên giai đoạn đầu năm và thêm vài trăm lao động trong giai đoạn cuối năm.

“Nhìn chung, nhu cầu lao động tăng trưởng nhanh trong 4 tháng đầu năm, trước khi chậm lại trong tháng 5 và 6. Doanh nghiệp của tôi cho thuê và giới thiệu lao động cho khoảng 40 khách hàng đã tăng trưởng 100% so với cuối năm 2023 và triển vọng đến cuối năm 2024 sẽ tăng thêm khoảng 50% so với thời điểm hiện tại”, anh Quyết nói.

Tuy nhiên, theo giám đốc trẻ này, không phải mọi lĩnh vực đều tăng trưởng. “Một doanh nghiệp gỗ của vợ là người Việt Nam và chồng là người Đài Loan (Trung Quốc) đã hoạt động tại Đồng Nai gần 15 năm nay, nhưng 2 năm qua không có đơn hàng. Nhà máy đang tạm dừng hoạt động và gia đình này đã cố gắng cầm cự, nhưng dự tính hết tháng 6 này không có đơn hàng sẽ chính thức đóng cửa nhà máy và gia đình sẽ quay về Đài Loan”, anh Quyết cho hay.

Trước diễn biến các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động trở lại, anh Quyết cho rằng, lãi suất huy động vay đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ tăng tương ứng và ảnh hưởng đến hoạt động chung của doanh nghiệp hiện nay. Các ngân hàng tăng lãi suất cho vay sẽ “giúp” doanh nghiệp… “nhanh chết” hơn, bởi phần lớn doanh nghiệp vừa trải qua “cơn bạo bệnh”, hiện cố gắng với lãi suất cho vay đang tốt để “gồng lỗ” sau hơn 2 năm “chết lâm sàng”.

“Công ty tôi cũng vay vốn ngân hàng tại Sinhan Bank với lãi suất chưa đến 6%/năm và hết tháng 6 này sẽ đáo hạn khoản vay, song cũng chưa nhận được thông báo tăng lãi suất cho vay. Thậm chí, Vietcombank đang mời vay hạn mức 6 tháng và 12 tháng với lãi suất 6%/năm”, anh Quyết cho hay.

Cũng theo giám đốc trẻ này, việc tăng lãi suất phụ thuộc vào chính sách của từng ngân hàng và chính năng lực của khách hàng, thế nhưng bên cạnh những doanh nghiệp đang hồi phục tốt, cũng có những doanh nghiệp chưa thể phục hồi do lĩnh vực kinh doanh chưa khởi sắc.

“Ngay tại Đồng Nai, vẫn có doanh nghiệp đang đóng cửa. Có doanh nghiệp trước đây có 2.000-3.000 công nhân thì hiện đã phá sản, lãnh đạo công ty thậm chí còn đang phải bỏ trốn vì nợ tiền quá nhiều. Do vậy, lãi suất cho vay cần ổn định ở mức thấp như hiện tại để ‘kích’ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, anh Quyết nhấn mạnh.

Còn ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc một công ty sản xuất bao bì tại Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp ông vẫn đang túc tắc có việc làm, tạo công việc cho công nhân và trả nợ ngân hàng. Hiện vẫn chưa thấy ngân hàng thông báo tăng lãi suất cho vay, nhưng nếu tăng thì sẽ cân đối lại việc sản xuất, kinh doanh của công ty.

Lãi vay sẽ còn duy trì ở mặt bằng hiện tại

Các ngân hàng tăng lãi suất cho vay sẽ “giúp” doanh nghiệp… “nhanh chết” hơn, bởi phần lớn doanh nghiệp vừa trải qua “cơn bạo bệnh”, hiện cố gắng với lãi suất cho vay đang tốt để “gồng lỗ” sau hơn 2 năm “chết lâm sàng”.

Diễn biến trên thị trường trong tháng 5/2024 cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục xu hướng tăng nhẹ tại một số ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối vẫn giữ nguyên lãi suất niêm yết. Cụ thể, các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ tiên phong cho việc tăng lãi suất huy động, tiếp theo là đến các ngân hàng thương mại lớn.

Tính đến ngày 21/5/2024, trong số các ngân hàng được Công ty Chứng khoán MB (MBS) theo dõi, lãi suất huy động 12 tháng trung bình của các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ tăng 0,3% so với tháng trước đó, trong khi các ngân hàng thương mại lớn tăng 0,1%. Các ngân hàng thương mại nhà nước hiện chưa tăng lãi suất huy động, nhưng được dự báo cũng không nằm ngoài xu hướng này. Mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 6,2%/năm ở kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, nhìn chung, các yếu tố tạo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất tiếp tục chiếm ưu thế trong tháng 5 vừa qua bởi các nguyên nhân: Thứ nhất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dịch chuyển theo hướng thận trọng hơn khi sức ép tỷ giá có xu hướng gia tăng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước hút ròng thanh khoản qua kênh thị trường mở (OMO) và bán ngoại tệ can thiệp, đồng thời điều chỉnh tăng lãi suất trúng thầu OMO và tín phiếu thêm 25-50 điểm lên mức 4,5%/năm và 4,25%/năm tương ứng.

“Theo đó, thanh khoản VND chịu áp lực và mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng bình quân trong tháng 5 ghi nhận xu hướng tăng khoảng 30-40 điểm so với tháng trước đó. Diễn biến căng thẳng kéo dài của lãi suất VND liên ngân hàng đã và đang truyền dẫn tạo áp lực lên chi phí vốn hay mặt bằng lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Thứ hai, tương quan giữa huy động vốn - cho vay tiếp tục có xu hướng thu hẹp khi tăng trưởng huy động vốn kém tích cực hơn so với tăng trưởng cho vay. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 20/5/2024, tín dụng đã tăng trưởng 2,54% so với cuối năm 2023, trong khi huy động vốn vẫn tăng trưởng âm.

Cũng theo vị lãnh đạo BIDV, bước sang tháng 6/2024, mặt bằng lãi suất huy động vốn VND dự kiến tiếp tục tăng nhẹ khoảng 0,1-0,3%/năm tại nhiều ngân hàng, khi các yếu tố tác động nhìn chung vẫn theo hướng tạo áp lực tăng đối với lãi suất là chủ đạo.

Cụ thể, về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến tiếp tục điều tiết theo hướng thận trọng để hỗ trợ ổn định tỷ giá, thông qua các công cụ trên thị trường mở như tín phiếu hay bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết. Theo đó, mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng dự kiến tiếp tục neo ở mức cao trong thời gian dài hơn, qua đó gia tăng áp lực lên chi phí huy động của nhiều ngân hàng.

Vị lãnh đạo BIDV nhận định: “Dự kiến cân đối huy động vốn - cho vay có xu hướng đi ngang. Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn được kỳ vọng có thể cùng được đẩy mạnh hơn trong tháng này”.

Ông Lê Minh Anh - chuyên viên phân tích của MBS nhận định, cầu tín dụng sẽ lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc trong những tháng cuối năm. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) tăng lên 50,3 điểm, đầu tư công và tư nhân tăng 5%.

“Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 70-100 điểm cơ bản, quay về mức 5,3%-5,6%/năm trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn”, chuyên viên phân tích của MBS nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục