Băn khoăn để đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 20/10, Quốc hội đã nghe bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bà Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Quốc hội. Bà Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Quốc hội.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, do còn ý kiến khác nhau về việc đơn vị công lập sự nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án vào dự thảo luật.

Phương án 1: Quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế.

Phương án 2: Không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến và quyết định.

Thảo luận về vấn đề trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chọn phương án 2 với lý do, nếu để đơn vị sự nghiệp công lập tham gia thì sẽ phát sinh ngân sách, nhân lực nhà nước.

“Nhiều doanh nghiệp đang làm tốt việc này, nên nhà nước không nên ôm đồ hoặc thực hiện theo mô hình của tỉnh Đồng Tháp”, ông Hòa phát biểu.

Trong khi đó, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) lại lựa chọn phương án 1 vì cho rằng: “Sẽ tạo điều kiện cho người lao động mở rộng thông tin”.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đồng tình với phương án trên. Theo ông Sơn, Trung tâm dịch vụ việc làm là nơi tạo nguồn lao động ở các địa phương.

Còn đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh phúc) cho rằng: “Nếu doanh nghiệp phải ký quỹ thì cơ quan công lập có phải ký quỹ không, từ nguồn nào của nhà nước, có làm tăng bộ máy không. Trung tâm dịch vụ việc làm đang thực hiện 7 nhiệm vụ theo Luật Việc làm, nếu thêm 1 nhiệm vụ này có đảm đương được không vì còn phải chuẩn bị nguồn, lập hồ sơ, quản lý con người… Ngoài ra, có tạo cơ chế xin cho không, đối tượng lao động nào được miễn phí…”. Do đó, bà Nguyệt đề nghị lựa chọn phương án 2.

Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ, dự thảo luật quy định “có 3 đơn vị phụ thuộc” thực hiện hoạt động này. Một số ý kiến cho rằng, quy định trên là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu để quá nhiều chi nhánh của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ này trong khi năng lực quản trị còn hạn chế thì không tranh khỏi tình trạng khó kiểm soát, tiêu cực, lừa đảo như xảy ra thời gian qua.

Nghị trường cũng “nóng” với các ý kiến về việc cấp giấy phép hoạt động với doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 5 tỷ đồng, thu phí dịch vụ, hoạt động của quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước…

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục