Băn khoăn của MobiFone trước giờ G

Trước thời điểm cổ phần hóa theo kế hoạch, MobiFone đang băn khoăn với câu hỏi, có nên tìm đối tác chiến lược trước khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hay không.

Hiện MobiFone vẫn loay hoay với phương án có nên tìm đối tác chiến lược trước khi IPO hay không. Hiện MobiFone vẫn loay hoay với phương án có nên tìm đối tác chiến lược trước khi IPO hay không.

Giờ G đang đến gần

Theo Thông báo số 223 ngày 10/4/2015 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp, MobiFone và một số doanh nghiệp khác phải tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp trong quý II/2015, công bố giá trị doanh nghiệp trong quý III/2015 và tiến hành cổ phần hóa trong quý IV/2015.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ phải được thực hiện minh bạch, đúng quy định của pháp luật, không làm bằng mọi giá. Bởi MobiFone đang là thương hiệu tốt, là một trong những mạng di động có thị phần lớn, tỷ suất lợi nhuận tốt và quản trị doanh nghiệp tiên tiến.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Nghị quyết số 59/BCSĐ về việc cổ phần hóa MobiFone. Theo đó, việc cổ phần hóa MobiFone không chạy theo thời gian mà cần đạt hiệu quả, nhằm thúc đẩy MobiFone phát triển, đem lại lợi ích cao nhất cho nước nhà.

Trước đó, đầu năm 2015, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, theo lộ trình dự kiến, khoảng tháng 6/2016, MobiFone phải hoàn thành cổ phần hóa.

Hiện MobiFone đã có báo cáo sơ bộ các phương án cổ phần hóa lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ đang yêu cầu MobiFone phân tích rõ các phương án đề xuất để chọn phương án tối ưu, sau đó Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, MobiFone đã tiến hành tái cơ cấu thành công, vượt kế hoạch và được Chính phủ xếp hạng lên thành tổng công ty đặc biệt. MobiFone đã chủ động thực hiện đúng thời hạn và quy định các nhiệm vụ về cổ phần hóa mà Bộ Thông tin và Truyền thông giao.

Theo ông Hải, MobiFone đang cùng với Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn cổ phần hóa theo kế hoạch. Trong năm 2015, sẽ hoàn thành việc tư vấn định giá và sau đó tìm đối tác chiến lược.

Lợi cả đôi đường

Các phương án cổ phần hóa MobiFone vẫn trong vòng bảo mật. Song hiện MobiFone vẫn loay hoay với phương án có nên tìm đối tác chiến lược trước khi IPO hay không.

Theo các chuyên gia kinh tế, MobiFone nên chọn đối tác chiến lược trước vì điều đó làm tăng giá trị doanh nghiệp. Đặc biệt, MobiFone cần tìm các nhà đầu tưchiến lược có năng lực công nghệ tốt, đủ sức gây áp lực cạnh tranh với Viettel và Vinaphone… Đây là “lợi ích kép” nếu MobiFone tìm được đối tác mạnh.

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (cũ) nhận xét, MobiFone nên chọn các đối tác chiến lược lớn. Họ sẽ mang kinh nghiệm quản trị, chiến lược phát triển, công nghệ mới vào để làm nhà mạng này phát triển tốt hơn.

Lần đầu tiên một doanh nghiệp viễn thông nhà nước có ngành nghề kinh doanh có điều kiện như MobiFone tiến hành cổ phần hóa nên chưa có tiền lệ để tham khảo xem có nên chọn đối tác chiến lược trước cổ phần hóa hay không. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông nhà nước trên thế giới, như Telstra (một trong 3 tập đoàn viễn thông lớn nhất tại Australia), Axiata (Malaysia) cũng là những kinh nghiệm quý giá cho MobiFone.

Đại diện Tập đoàn Telstra, ông Simon Brookes khuyên rằng, những công ty muốn IPO như MobiFone cần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sáng suốt và có tiềm lực về kinh tế, quản lý. Điều này làm tăng giá trị của IPO và giá trị doanh nghiệp cổ phần, tạo ra tăng trưởng trong tương lai.

Còn ông Scott W.Minehane, chuyên gia đến từ Tập đoàn Axiata chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nên tìm nhà đầu tư chiến lược trước khi tiến hành cổ phần hóa. Bởi việc có nhà đầu tư chiến lược giúp các doanh nghiệp có được các tham chiếu về giá cổ phiếu khi cổ phần hóa. Nhà đầu tư chiến lược là ai rất quan trọng, vì tên tuổi nhà đầu tư chiến lược quyết định mức giá tham chiếu của cổ phiếu.

Nói cách khác, nếu MobiFone có nhà đầu tư chiến lược “sáng sủa”, thì MobiFone sẽ “có giá” hơn. Hơn nữa, mục tiêu của Việt Nam khi tiến hành cổ phần hóa MobiFone là phát triển thị trường vững chắc và tăng hiệu quả cạnh tranh, chứ không chỉ là bán cổ phần để thu tiền.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục