Bán hàng trên mạng xã hội thế nào cho đúng luật?

0:00 / 0:00
0:00
Bán hàng trên mạng xã hội có được coi như sàn thương mại điện tử hay không đang là câu hỏi khó cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
VCCI vừa công bố Báo cáo Nghiên cứu Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam VCCI vừa công bố Báo cáo Nghiên cứu Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam

Lúng túng phân vai

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra tại Báo cáo Nghiên cứu Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố có thể sẽ là đầu bài cho nhiều nghiên cứu của các cơ quan quản lý nhà nước và giới nghiên cứu.

“Phát hiện lớn nhất của chúng tôi là các biện pháp quản lý đang có xu hướng áp dụng chung với các hình thức thương mại điện tử khác nhau, mà chưa tính đến những khác biệt cơ bản giữa chúng”, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế (VCCI), đại diện Nhóm nghiên cứu cho biết.

Hiện tại, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đang chịu sự điều chỉnh của hai nghị định, tương ứng là Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Tuy nhiên, theo Điều 6 Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử thì mạng xã hội được coi là sàn thương mại điện tử khi cho người dùng mở gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; cho người dùng lập website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc có chuyên mục mua bán trên đó, cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa, dịch vụ.

“Chúng tôi nói chuyện với các doanh nghiệp, hỏi họ xem là quy định đó có phù hợp không? Họ nói là thực tế không giống như mô tả trong văn bản, vì nhiều mạng xã hội cho phép người dùng tự đăng tải, không thể kiểm soát được thông tin về thương mại…”, ông Đức chia sẻ thông tin.

Vấn đề là khi mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động trên được coi như là sàn gia dịch thương mại điện tử và phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng.

Trong trường hợp này, theo Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tik Tok Việt Nam cho biết, họ sẽ phải nhận thêm quá nhiều trách nhiệm, từ đó tự cho mình thêm nhiều quyền hạn.

“Chúng tôi không muốn hạn chế quyền của người dùng mạng xã hội, nhưng vì bị buộc trách nhiệm, phải thu thập thông tin, cả số chứng minh thư, căn cước công dân… nên tốt nhất là không cho tham gia nếu thấy rủi ro, như là cách chúng tôi tự bảo vệ mình. Vì khi chúng tôi thu thập thông tin cá nhân, chúng tôi phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ, dù điều này không đảm bảo được chất lượng hàng hóa người dùng cung cấp có đúng hay không, họ có lừa đảo hay không”, ông Thanh trao đổi với phóng viên baodautu.vn.

Trong khi đó, ông Đức cho biết, pháp luật chưa có quy định về người nối tiếng bán hàng, hoặc quảng bá, giới thiệu, đánh giá hàng hóa theo hợp đồng, trong khi thực tế, đây là hoạt động khá phổ biến. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới yêu cầu trường hợp này phải nói rõ là post này được tài trợ.

“Tuy pháp luật về quảng cáo của Việt Nam đã có quy định về việc này, nhưng mới áp dụng với các nền tảng truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử trang thông tin điện tử, chưa bao quát đến mạng xã hội. Chúng tôi cho rằng, nên áp dụng tương tự quy định này trên nền tảng mạng xã hội”, ông Đức đề xuất.

Lo ngại kìm hãm

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc VCCorp. cho biết, sắp tới sẽ ra mắt mạng xã hội có chức năng thanh toán, giao hàng.

“Xu hướng phát triển mạng xã hội là tất yếu và cần điều chỉnh cơ chế chính sách để phát triển minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được để bảo vệ người tiêu dùng, tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, về chất lượng hàng hóa, thu thuế… nhưng không kìm hãm xu thế này”, ông Tuấn lưu ý.

Kinh nghiệm của các nước Liên minh châu Âu (EU) mà Nhóm nghiên cứu tìm hiểu, thì việc quản lý sẽ tập trung nghĩa vụ vào người đăng tải thông tin, dựa trên cơ sở pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và quảng cáo. Theo đó, EU không đưa ra nghĩa vụ với các nền tảng mạng xã hội.

VCCI cũng cho rằng, với các thông tin thương mại đăng tải trên các mạng xã hội thông thường, không có chức năng hỗ trợ thương mại điện tử, đặt hàng trực tuyến thì nên được quản lý theo các quy định về cung cấp thông tin trên mạng (Nghị định 72/2013/NĐ-CP).

Đối với các thông tin thương mại đăng tải trên các mạng xã hội có chức năng hỗ trợ thương thương mại, như Marketplace ủa Facebook, Shop của Zalo… mà không có chức năng đặt hàng trực tuyến, việc quản lý nền ở mức độ thấp về xác thực người dùng, nghĩa là chỉ yêu cầu về tên, tuổi, số điện thoại.

“Vệc quản lý như sàn giao dịch thương mại điện tử khi mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến, dù chưa có, những có thể sẽ xuất hiện”, ông Đức nói.

Để làm được việc này, các nghị định trên cần làm rõ bộ lọc, các trường thông tin, từ khóa… để doanh nghiệp thực hiện kiểm soát, phân loại nội dung. Đây cũn là cơ sở để các doanh nghiệp có thể phối hợp với cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, giám sát nội dung trên mạng xã hội phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với các hoạt động thương mại điện tử.

“Theo tôi được biết, dự thảo Nghị định sửa Nghị định 52//2013/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiều bộ lọc cần thiết. Nghị định 72 cũng nên có phần này, để đảm bảo rõ ràng trong thực thi”, ông Đức đề xuất thêm.

Tuy nhiên, ông Vũ Tú Thành, chuyên gia Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean cho rằng, mọi cơ chế quản lý cần phải được tính toán theo nguyên tắc không tạo thêm chi phí, gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp.

Quan điểm của ông Thành cho rằng, muốn mạng xã hội bước sang làm sàn, để thúc đẩy bán hàng, thương mại điện tử, thì chi phí rẻ hơn, gánh nặng ít hơn. Cho dù cơ quan quản lý nhà nước muốn đưa ra các quy định để kiểm soát những mặt trái của hoạt động này, như lừa đảo, hàng nhái... nhưng nếu tăng trách nhiệm cho sàn mới xuất hiện, thì mới là cách chữa ngọn chứ không chữa gốc, nghĩa là túm người có tóc, là các nền tảng, chủ yếu nền tảng lớn.

"Gốc ở đây là quan hệ hợp đồng, là hệ thống pháp luật về hợp đồng, nên việc chỉnh sửa Nghị định 72 hay 52 không giải quyết được hết. Chúng tôi kỳ vọng có cách tiếp cận rõ ràng, tổng thể hơn về thương mại điện tử", ông Thành đề xuất.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tính cộng dồn đến hết năm 2019, cả nước có 29.370 website bán hàng và 999 sàn giao dịch thương mại điện tử.

Các loại hàng hóa và dịch vụ được giới thiệu và cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử rất đa dạng, từ các mặt hàng thông thường như sách báo, văn phòng phẩm, thời trang, phụ kiện đến các mặt hàng được kiểm soát về chất lượng như ô tô, xe máy, thuốc, thực phẩm chức năng... Tuy nhiên, giá trị hàng hóa, dịch vụ được trao đổi trên các nền tảng thương mại điện tử khá nhỏ khi khoảng 70,4% hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 1 triệu đồng.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 của Googl và Temasek, Việt Nam sẽ trở thành nước có quy mô thương mại điện tử thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia, với quy mô thị trường dự kiến đạt 23 tỷ USD vào năm 2025.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục