Bán doanh nghiệp hay cố giữ sản nghiệp?

Xu hướng cạnh tranh gay gắt, cộng với làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) nở rộ khiến các chủ doanh nghiệp đối mặt với bài toán phát triển khó khăn, sao cho vừa mang lại lợi nhuận cho cổ đông, vừa giữ được sản nghiệp mà mình tâm huyết gây dựng.
Theo các chuyên gia, có không ít thương hiệu lớn của Việt Nam đã bị bán cho nước ngoài Theo các chuyên gia, có không ít thương hiệu lớn của Việt Nam đã bị bán cho nước ngoài

“Lại thêm một thương hiệu Việt bị rơi vào tay nước ngoài” là cụm từ được nhắc đến nhiều khi thông tin Công ty cổ phần Kinh Đô bán 80% mảng kinh doanh bánh kẹo của mình cho Tập đoàn Mondelçz International với giá 370 triệu USD được công bố. Đây không phải lần hiếm hoi cụm từ này được thốt ra. Thực tế đã có không ít thương hiệu lớn của Việt Nam đã bị bán cho nước ngoài.

Trở lại trường hợp của Kinh Đô, mục đích thương vụ này là bên bán có được khoản tiền lớn để tiến sâu hơn vào thị trường dầu ăn, mỳ gói và cà phê. Song đây là lối rẽ mà giới đầu tư cho rằng, nếu những người sáng lập Kinh Đô gom tiền để đánh sang lĩnh vực khác, thì chỉ có 2 con đường: thắng hoặc chết!

Chương trình CEO – Chìa khóa thành công tuần trước đã đề cập đến một DN trong lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng nhanh đang được đối tác từ Hàn Quốc muốn mua lại toàn bộ với giá 130 tỷ đồng. Nhưng CEO muốn giữ và tìm giải pháp cạnh tranh mới, còn các cổ đông thì lại muốn bán, để đầu tư dự án mới. 

Sau khi Chương trình phát sóng, nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt.

Bạn Vương Tú Ngọc, đã nhắc lại thương vụ của Kem đánh răng Dạ Lan, Bia Huda (Huế), Diana, Tribeco, Phở 24, Highlands Coffe với cảm xúc tiếc nuối song không bi quan. “Bán đi, tiền lại mở, lại bán khi được giá… Một kiểu kinh doanh mới cho DN nhỏ và vừa Việt Nam khi họ không đủ tầm về vốn, kinh nghiệm quản trị, chiến lược kinh doanh”, bạn Ngọc nói.

Thế nhưng nhiều quan điểm khác cho rằng, CEO không nên bán vì đây là thương hiệu đang lên, đang dần chiếm thị phần của các đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, DN lại đang sở hữu sự khác biệt trong sản phẩm và phong cách dịch vụ. Bạn Trần Văn Vượng đưa ra ý kiến ở hai góc độ. Nếu CEO giữ lại vì viễn cảnh thương hiệu sẽ đi xa hơn và sẽ kiếm được nhiều hơn số tiền trên, thì phải chấp nhận yếu tố dẫn tới thành công và thất bại luôn song hành 50/50. Ngược lại, nếu cổ đông bán  với giá 130 tỷ đồng và dựng lại một thương hiệu mới, phải đặt tình huống liệu nó có đạt được đỉnh cao như trước?

“Nếu tôi là CEO, tôi sẽ chọn phương án tiếp tục đầu tư vì để xây dựng nên một thương hiệu có tiếng đâu phải dễ. Công ty này lại đang làm ăn tốt. Có lý do nữa là nhiều thương hiệu đã được bán nhưng các DN đó đã không thể tạo nên một thương hiệu thứ 2 giống như họ đã từng có”, bạn Vượng cho biết.

Trước những phân tích nêu trên, CEO vẫn chưa thể quyết định được sẽ nghiêng về bên nào. Tốt nhất CEO tìm đến  nhà tư vấn chuyên nghiệp.

Chương trình Chìa khóa thành công tuần này sẽ đem đến hai nhà tư vấn, cũng là chủ doanh nghiệp là Tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc và  bà Trương Ngọc Anh, Hoa hậu thời trang quốc tế, diễn viên điện ảnh, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Giải trí Nghệ thuật liên quốc gia. Hãy xem để biết họ sẽ tư vấn cho CEO như thế nào. 

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Anh Vũ
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục