Mức giá khởi điểm 15.650 đồng/cổ phiếu mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đưa ra đối với số vốn đầu tư tại Maritimebank (MSB) cao gần gấp đôi mức giá đang giao dịch trên sàn niêm yết của một ngân hàng tương đương về tổng tài sản là SHB và cao gấp 1,5 lần giá cổ phiếu của một ngân hàng niêm yết khác có cùng quy mô tài sản là Eximbank (EIB).
Thông thường, giá của các cổ phiếu chưa niêm yết sẽ thấp hơn giá của cổ phiếu tương đương đã niêm yết do tính thanh khoản kém hơn. Sự tương đương ở đây bao gồm cả các yếu tố khác ngoài tổng tài sản, như thu nhập trên mỗi cổ phiếu, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận…
Nếu so với giá đang giao dịch trên thị trường tự do (trên Sanotc.com), mức giá mà Vinalines đưa ra đối với cổ phiếu MSB thậm chí cao hơn đến 3,5 - 4 lần. Trong 3 tháng gần đây, giá cổ phiếu MSB giao dịch dao động từ 4.000 - 4.500 đồng/cổ phiếu, giảm đáng kể so với khoảng giá 5.000 - 6000 đồng/cổ phiếu hồi giữa năm, theo thống kê của sanotc.com.
Theo một chuyên gia phân tích cổ phiếu ngân hàng, ở giá 15.650 đồng, PB (giá/giá trị sổ sách) của cổ phiếu Maritimebank sẽ là 1,33 - cao hơn nhiều so với PB trung bình hiện tại cổ phiếu ngân hàng niêm yết là 1,07. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thấy nhiều triển vọng thoát khỏi tình cảnh ảm đạm hiện tại.
“Ngành ngân hàng vẫn trong giai đoạn giải quyết hai trọng tâm nợ xấu và tái cơ cấu, triển vọng ngành phụ thuộc lớn vào tốc độ và hiệu quả xử lý hai vấn đề này. Chúng tôi cho rằng, chưa thể kỳ vọng vào sự khởi sắc nhanh chóng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn”, CTCK Vietcombank nhận định.
Trả lời về mức giá dường như quá cao này, Vinalines cho biết: “mức giá khởi điểm 15.650 đồng/cổ phần là giá vốn đầu tư của Vinalines tại Maritimebank, nhằm hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất”, Tổng công ty viết trong email trả lời ĐTCK.
“Vinalines kỳ vọng về sự phát triển trong tương lai của MSB sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như khả năng thành công của cuộc đấu giá”, Tổng công ty viết, đồng thời khẳng định “Vinalines hiện chưa có chủ trương bán cổ phần MSB thấp hơn mệnh giá”.
Vinalines cũng cho biết, Tổng công ty “hiện vẫn đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn tìm kiếm đối tác tham gia” cuộc bán đấu giá.
Việc thoái vốn với giá cao để bảo toàn vốn nhà nước đã trở thành nút thắt đối với nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước suốt một thời gian dài, do giá chào bán cao hơn giá thị trường khiến nhà đầu tư hầu như không quan tâm mua lại những khoản đầu tư này, dẫn đến sự thất bại của hàng loạt cuộc bán vốn.
“Trong trường hợp thất bại, Vinalines sẽ thực hiện thoái vốn tại MSB theo quy định tại Điều 6 Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ”, Tổng công ty cho biết.
Cụ thể, Điều 6 Quyết định 51 quy định: “Trường hợp bán đấu giá không thành công hoặc bán không hết số cổ phần, phần vốn nhà nước chào bán qua đấu giá, thì doanh nghiệp nhà nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp nhận đại diện chủ sở hữu hoặc chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại trước khi đề nghị SCIC mua”. Quyết định 51 hướng dẫn cụ thể về việc thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách và hướng dẫn các trường hợp SCIC và NHNN tiếp nhận phần vốn trong lĩnh vực ngân hàng, được đánh giá sẽ giúp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
CTCP Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia đang tư vấn chào bán cổ phần MSB cho Vinalines. Theo thông báo của Sở GDCK Hà Nội (HNX), cuộc bán đấu giá này, với tổng giá trị 315 tỷ đồng, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8/12.