Bàn chuyện "ôm tiền" cổ đông đi đầu tư chứng khoán

(ĐTCK-online) Chủ đề về những vi phạm trong điều hành công ty có rất nhiều, từ việc cổ đông lớn hành động không vì lợi ích toàn công ty, "ăn hiếp" cổ đông nhỏ vì quyền lợi của riêng cổ đông lớn, chủ tịch HĐQT xem thường cổ đông, tổ chức ĐHCĐ qua loa, bỏ qua ý kiến của cổ đông nhỏ, đến chuyện chủ tịch hay tổng giám đốc lấy tiền công ty chi dùng cá nhân, phung phí tiền công ty đầu tư vào những dự án có lợi cho gia đình mình, hay là kéo bè kéo cánh, củng cố "vương quốc" của mình trong công ty…
Các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước cũng ồ ạt đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính... Các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước cũng ồ ạt đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính...

Chuyện mía đường La Ngà

Chuyện Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Mía đường La Ngà lấy tiền của Công ty đi mua cổ phiếu dường như là một tiếng chuông báo động tiếp theo hàng loạt cảnh báo về tình trạng điều hành công ty (corporate governance) còn nhiều thiếu sót ở Việt Nam hiện nay.

Chủ đề về những vi phạm trong điều hành công ty có rất nhiều, từ việc cổ đông lớn hành động không vì lợi ích toàn công ty, "ăn hiếp" cổ đông nhỏ vì quyền lợi của riêng cổ đông lớn, chủ tịch HĐQT xem thường cổ đông, tổ chức ĐHCĐ qua loa, bỏ qua ý kiến của cổ đông nhỏ, đến chuyện chủ tịch hay tổng giám đốc lấy tiền công ty chi dùng cá nhân, phung phí tiền công ty đầu tư vào những dự án có lợi cho gia đình mình, hay là kéo bè kéo cánh, củng cố "vương quốc" của mình trong công ty…

Những vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà đã có từ lâu ở Mỹ, Tây Âu (nổi đình nổi đám là vụ Enron và Worldcom), gần đây ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức lại nổi lên những vụ xì căng đan nổi cộm. Và dường như để "chạy theo trào lưu", Việt Nam cũng góp mặt với nhiều vụ "xích mích" giữa các nhóm cổ đông trong công ty, giữa cổ đông nhà nước chiếm 51% vốn và cổ đông chiếm ít vốn hơn, rồi nay lại đến việc chủ tịch HĐQT lấy tiền công ty đi chơi chứng khoán. Tất cả đều là biểu hiện của tình trạng điều hành công ty còn nhiều lỗ hổng, khiến quyền lợi chính đáng của cổ đông, dù lớn hay nhỏ, bị phương hại. Điều đáng nói là, trong khi nhiều nước như Mỹ, khối liên minh châu Âu và cả Trung Quốc đã có những quy định riêng về các chuẩn mực hành vi điều hành công ty để hạn chế bớt (chứ chưa nước nào loại bỏ được hoàn toàn) vấn đề vi phạm lợi ích của cổ đông thì pháp luật Việt Nam hầu như không có một điều luật nào quy định rõ ràng về chế tài đối với các hành vi vi phạm lợi ích cổ đông.

Căn bản của vấn đề điều hành công ty, theo các nghiên cứu cho thấy, nằm ở sự mâu thuẫn lợi ích của người đại diện cho toàn bộ cổ đông với chính các cổ đông trong công ty. Người đại diện này (chủ tịch HĐQT, toàn HĐQT hay tổng giám đốc) có thể hành động vì lợi ích của bản thân mình, gia đình mình hay vì lợi ích của một bộ phận cổ đông có thế lực nào đó mà phương hại đến quyền lợi của một số cổ đông hay toàn bộ cổ đông trong công ty. Và theo nghiên cứu ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, những người đại diện này có thể làm tổn hại lợi ích cổ đông trong công ty chủ yếu nhờ hai vấn đề: bất cân xứng thông tin (assymetric information) và quyền quyết định quá lớn của ban quản trị (managerial discretion). Rõ ràng, trường hợp của Mía đường La Ngà chính là một minh chứng của việc ban quản trị có quyền quyết định quá lớn (mà ở đây là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) đã tổn hại lợi ích toàn bộ cổ đông.

 

Đầu tư trái chuyên môn: cũng là vi phạm chuẩn mực điều hành công ty

Tổng giám đốc của Mía đường La Ngà bào chữa cho hành vi của mình là vì toàn công ty, lấy tiền chơi chứng khoán kiếm lời cho Công ty. Nhưng dù có là như thế, ông này cũng vi phạm các chuẩn mực điều hành công ty, chẳng qua là ở khía cạnh khác thôi. Vấn đề này liên quan đến chủ đề dòng tiền tự do (free cash flow) trong chủ điểm về điều hành công ty mà tác giả Michael Jensen đã đề ra năm 1986, khi nói về chuyện các công ty dầu khí của Mỹ trong thập niên 1980 lấy tiền đi đầu tư kém hiệu quả, thay vì đem tiền trả cổ tức cho cổ đông. 

Nếu như Tổng giám đốc của Mía đường La Ngà lấy tiền đi đầu tư chứng khoán, mà bản thân ông không phải là  chuyên gia về chứng khoán, có nghĩa là ông nhận định rằng cơ hội đầu tư vào các hoạt động kinh doanh chính của Công ty là không hấp dẫn. Thế thì theo ý nghĩa về tài chính doanh nghiệp hiện đại, Công ty sẽ có dòng tiền tự do thặng dư mà không có cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận. Trong trường hợp đó, theo cách hành xử đúng về điều hành công ty đã được lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tế ở các thị trường đi trước khẳng định, Công ty phải trả tiền về cho cổ đông (bằng cách chia cổ tức hay mua lại cổ phiếu) để cổ đông tự đem tiền đi đầu tư vào kênh đầu tư mang lại lợi nhuận.

Hiện nay, không chỉ ở Mía đường La Ngà, mà còn rất nhiều đơn vị đem tiền cổ đông góp vào để đi đầu tư tài chính hay đầu tư bất động sản. Công ty điện lực, công ty chuyên về điện lạnh, viễn thông, thủy sản cũng đua nhau lấy tiền cổ đông đi "đầu tư tài chính". Có điều mấy công ty này làm công khai và cũng được cổ đông nhắm mắt cho qua vì họ thấy lúc đó đầu tư tài chính đang kiếm ra tiền.

Mà cũng không chỉ ở những công ty đại chúng mới có chuyện vi phạm vấn đề điều hành công ty. Chính ở ngay các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước cũng có chuyện đi đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính, mở ngân hàng... Nếu Nhà nước thật sự cần đầu tư vào những lĩnh vực đó, thì Nhà nước tự lấy tiền ngân sách đi mở ngân hàng, đi mua chứng khoán, đi đầu tư, cần gì mấy anh chuyên về điện, thép, viễn thông, dầu khí, .v.v làm dùm!? Các tập đoàn, tổng công ty kêu là lĩnh vực kinh doanh chính thu hồi vốn chậm nên mở rộng sản xuất sang lĩnh vực khác để mau thu hồi vốn. Đây là một lý luận không hợp lý. Nếu Nhà nước cần nhanh thu hồi vốn thì tự Nhà nước sẽ mở rộng đầu tư sang nhà đất hay chứng khoán để thu hồi vốn. Kinh doanh trái nghề mà thu được lời xong, báo cáo hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, hay hoàn thành kế hoạch kinh doanh, xong rồi để nền kinh tế vẫn thiếu điện, thiếu thép… vậy thì nên được thưởng hay bị phạt? Còn bảo là lỗ mà phải đi kinh doanh trái nghề để bù lỗ thì lại càng tệ, không khác gì tự lấy vốn của Nhà nước tự bù lỗ cho mình (thông qua hoạt động kinh doanh khác) để che dấu cái yếu kém của lãnh đạo công ty đó. Nói tóm lại, kiểu gì cũng là vi phạm vấn đề điều hành công ty. Một vấn đề khác cần đặt ra là các công ty có thể mở rộng mạnh tay sang chứng khoán, bất động sản, phải chăng vì họ có dòng tiền tự do thặng dư hay "đất đai thặng dư" mà Nhà nước không kiểm soát được?

Từ những trường hợp trên cho thấy, có thể từ cổ đông Nhà nước đến cổ đông công ty đại chúng cũng phải bắt đầu tìm cách thiết lập một chuẩn mực điều hành công ty và đề nghị các cơ quan ban hành chính sách luật hóa nó để từ nay có cơ sở chế tài các hành vi lệch lạc trong điều hành công ty. Đương nhiên, nhiều nước phát triển còn có một "bài thuốc" nữa là công ty sẽ tự bị thị trường chế tài bằng cách bán hết cổ phiếu của công ty  nếu điều hành quá tệ để trừng phạt ban lãnh đạo và các cổ đông lớn đã không điều hành công ty đàng hoàng. Cách khác là các công ty làm ăn hiệu quả và quỹ đầu tư sẽ thôn tính các công ty điều hành kém này, sa thải ban lãnh đạo và thay HĐQT. Nhưng trong điều kiện Việt Nam , rõ ràng là M&A các công ty lớn hay công ty mà Nhà nước nắm nhiều cổ phần thì không dễ. Cho nên, xem ra một mặt phải chấp nhận mở rộng thêm khả năng tham gia của các tổ chức đầu tư hiệu quả và chuyên nghiệp vào các công ty, mặt khác phải tiến hành luật hóa các quy định, chế tài về điều hành công ty cho cả công ty đại chúng lẫn các tập đoàn, thì may ra mới giảm bớt phần nào hiện trạng đáng buồn của điều hành công ty ở Việt Nam.

Hồ Quốc Tuấn, Thạc sĩ Tài chính, Đại học Melbourne
Hồ Quốc Tuấn, Thạc sĩ Tài chính, Đại học Melbourne

Tin cùng chuyên mục