Bán chứng khoán T+2: Những cảm nhận trước giờ G

(ĐTCK-online) Một cuộc họp về việc triển khai việc giảm thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì với thành phần là các CTCK, các thành viên lưu ký được tổ chức vào hôm nay, 24/3. Đây được xem là một động thái tích cực của cơ quan quản lý trước sự mong mỏi của các thành viên thị trường về việc sớm thực thi quy định này. ĐTCK đã ghi nhận ý kiến đại diện các CTCK trước thềm cuộc họp.
Bán chứng khoán T+2: Những cảm nhận trước giờ G

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Chi nhánh CTCK Kim Eng tại Hà Nội  : Bản chất là rút ngắn thời gian giao hàng

Bản chất của cho phép bán chứng khoán T+2 là rút ngắn thời gian giao hàng, chứ không có gì ghê gớm. Việc này về lý thuyết, sẽ giúp vòng quay của chứng khoán tăng lên gấp đôi, nên tăng đáng kể tính thanh khoản cho thị trường.

Nghiệp vụ bán chứng khoán T+2 sẽ giúp NĐT có nhiều cơ hội “thoát hàng” hơn khi xuất hiện các yếu tố bất lợi tác động tới thị trường. Nó cũng giúp giới đầu cơ có cơ hội lướt sóng tốt hơn, nên nghiệp vụ này sẽ được thị trường đón nhận tích cực.

Đó là cuối ngày giao dịch, các CTCK đều phải gửi toàn bộ dữ liệu giao dịch trong ngày về Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) để đối chiếu, bù trừ.

Khi có kết quả thanh toán, bù trừ tiền, chứng khoán, Trung tâm Lưu ký sẽ báo lại các CTCK, để thông báo cho NĐT biết biến động tiền, chứng khoán trong tài khoản.

Cho phép bán chứng khoán T+2 sẽ không khiến TTCK gặp rủi ro nào đáng kể, vì trên thực tế phương thức thanh toán vẫn duy trì là T+3, quy định này là chuẩn mực của thế giới để khắc phục tình trạng lệch múi giờ của các TTCK trên thế giới.

Ông Dương Trí Thắng, Trưởng phòng Môi giới, CTCK APEC: NĐT cần tỉnh táo để tận dụng mặt tích cực    

Cho phép bán chứng khoán T+2 sẽ giúp TTCK tăng tính thanh khoản đáng kể. TTCK sẽ tăng giảm nhiều hơn, tạo được nhiều sóng trong một phiên giao dịch hơn.

Với kịch bản như vậy, NĐT cần tỉnh táo để tận dụng tối đa mặt tích cực của nghiệp vụ này, đồng thời chủ động giảm thiểu những tác động bất lợi trong một số tình huống cụ thể.

Đơn cử như, khi xuất hiện thông tin vĩ mô xấu, hoặc các yếu tố khác tác động không tích cực đến TTCK, thì thị trường dễ phải đối mặt với áp lực bán chốt lời, cũng như động thái bán tránh xuống giá diễn ra khốc liệt hơn. Trong tình huống này, có thể khiến thị trường giảm sâu hơn khi chưa triển khai nghiệp vụ T+2.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, diễn biến này lại tạo ra cơ hội đầu tư mới, qua đó làm tăng tính hấp dẫn của TTCK. Hệ thống công nghệ giao dịch của APEC hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được nghiệp vụ bán chứng khoán T+2.

 

Ông Lê Đình Ngọc, Tổng giám đốc CTCK Thăng Long (TSC):  T+2 là một bước tiến cải thiện tính thanh khoản cho thị trường

Tôi cho rằng, trong khi UBCK chưa cho phép áp dụng các công cụ khác như được mua bán cùng một loại cổ phiếu trong phiên, NĐT được mở nhiều tài khoản… thì việc cho phép NĐT được giảm thời hạn bán chứng khoán từ T+3 xuống còn T+2 là một bước tiến trong việc cải thiện tính thanh khoản cho thị trường.

Bởi thanh toán là mấu chốt quan trọng trong hoạt động của TTCK, giải quyết được vấn đề thanh khoản thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác liên quan.

Hơn nữa, việc giảm thời gian thanh toán cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo công bằng cho các NĐT.

Trên thực tế, việc có rút ngắn được thời gian thanh toán hay không phụ thuộc lớn vào tiến độ triển khai các dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ của VSD.

Ngoài ra, còn phụ thuộc vào khả năng kết nối trực tuyến giữa VSD với 2 Sở giao dịch và đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các CTCK. Nếu mỗi thành viên đều cố gắng, nỗ lực hơn thì sẽ thực hiện được.

Tuy nhiên, để triển khai tốt nghiệp vụ này, điều cần thiết là các CTCK cần có một hệ thống công nghệ tốt, chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh các rủi ro tiềm ẩn.

 

Bà Nguyễn Thị Vân, Phó tổng giám đốc CTCK Âu Việt:   T+2 là bước đệm của T+0 như thông lệ quốc tế

Trước hết, việc giảm thời gian bán chứng khoán xuống còn T+2 là một công cụ hỗ trợ NĐT rất tốt và sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như tăng tính thanh khoản, tránh được rủi ro thị trường và tăng vòng luân chuyển vốn.

T+2 cũng là bước đệm để tính đến rút thời hạn giao dịch xuống còn T+0 như thông lệ quốc tế. Tôi cho rằng, về phía CTCK có thể đáp ứng được hệ thống công nghệ cũng như hệ thống hạch toán, kế toán theo dõi được tài khoản của NĐT.

Trên thực tế, trước đây, cũng có một số CTCK lách luật để triển khai nghiệp vụ này nên UBCK cần sớm ban hành quyết định chính thức để tăng tính minh bạch cho thị trường, đảm bảo công bằng cho các NĐT.

Tuy nhiên, song song với việc giảm thời hạn thanh toán, UBCK cần sớm cho phép áp dụng được cùng mua bán một loại chứng khoán trong cùng một phiên thì sẽ hỗ trợ tăng tính thanh khoản rất lớn. Đặc biệt là sẽ tạo sức đỡ cho thị trường để không bị tăng, giảm quá đà.

 

Bà Phan Vân Hà, Tổng giám đốc CTCK Artex: NĐT sẽ có quyền chủ động cao hơn  

Theo tôi, việc cho phép NĐT được bán chứng khoán từ ngày T+2 là điều đơn giản, không khó khăn với các CTCK, vì rõ ràng, đây chỉ là việc thay đổi cách ghi nhận bút toán trên tài khoản khách hàng.

Tôi nghĩ, vấn đề chính cho việc yêu cầu công nghệ triển khai là nằm ở Trung tâm Lưu ký, tức là việc Trung tâm Lưu ký có thể xử lý và giám sát tốt việc này hay không mà thôi.

Bản thân tôi rất ủng hộ việc UBCK sớm cho phép NĐT bán chứng khoán ngày T+, vì lợi ích của cả NĐT và các CTCK.

Với việc rút ngắn thời gian cho phép bán chứng khoán kể từ khi lệnh mua thành công, NĐT sẽ tăng tính chủ động hơn trong việc chốt lời hoặc sửa sai quyết định mua của mình.

Thực tế cho thấy, với biên độ dao động +/-5% sàn HOSE, +/-7% với sàn HNX, chỉ cần 1 phiên giao dịch, NĐT đã có thể lời tới 10% hoặc mất 10%, nên nếu cho bán sớm, họ sẽ kịp thời hiện thực hóa lợi nhuận hoặc cắt lỗ sớm.

Nhu cầu rút ngắn thời gian chờ thanh toán không chỉ có lợi đối với các NĐT cá nhân, vốn chỉ quen lướt sóng mà với cả các NĐT tổ chức, vì hiện tại, tỷ trọng vốn của họ dành cho lướt sóng cũng tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước năm 2008.

Còn về phía CTCK và hai Sở, lợi ích nằm ở khoản thu phí giao dịch, do việc cho phép NĐT bán chứng khoán ngày T, thanh khoản thị trường có cơ hội để tăng lên mà chưa cần đến yếu tố luồng tiền mới.

 

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC: Quản lý thế nào để CTCK cạnh tranh lành mạnh

Về cơ bản việc áp dụng giao dịch chứng khoán và ngày T+2 không có vướng mắc gì lớn với các công ty chứng khoán. Công ty tôi sẽ phải bổ sung thêm phần mềm, chỉnh sửa lại chương trình cho phù hợp.

Công ty Chứng khoán SJC đã kết nối tài khoản trực tuyến với Trung tâm lưu ký. Trung tâm lưu ký quản lý đến tài khoản của từng khách hàng nên những việc cần phải là để áp dụng T+2 chỉ còn là những phần việc kỹ thuật của Công ty.

Khi UBCK có lộ trình cụ thể áp dụng T+2 thì Công ty sẽ triển khai. Vấn đề cần thiết là Ủy ban đưa ra cơ chế chung đồng thời có biện pháp quản lý để các công ty chứng khoán cạnh tranh lành mạnh. Nếu không quản lý được đến trực tiếp từng tài khoản thì có công ty cho bán T+0 hoặc T+1.

Như tôi hình dung thì những công ty chưa kết nối tài khoản trực tuyến đến công ty lưu ký sẽ không thể tham gia áp dụng T+2. Điều này đặt ra sức ép với công ty chứng khoán nhỏ phải cải tiến công nghệ.

Sẽ áp dụng cơ chế thí điểm?

 Trước thềm cuộc tọa đàm giữa UBCK với các CTCK, các thành viên lưu ký về việc triển khai giảm thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, điều mà các thành viên thị trường băn khoăn nhất là cơ chế này sẽ được áp dụng thí điểm với các CTCK đủ điều kiện trước, hay chờ khi tất cả các CTCK đủ điều kiện mới áp dụng.

Nguồn tin từ UBCK cho biết, hiện UBCK vẫn chưa quyết chọn phương án nào, chờ xin ý kiến của các thành viên thị trường tại cuộc tọa đàm ngày 24/3/2010. Hiện cũng có ý kiến cho rằng, việc cho áp dụng T+2 nên theo cách công ty nào đủ điều kiện công nghệ là được làm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, để đảm bảo thanh toán giao dịch được thông suốt, nên áp dụng cơ chế T+2 cho tất cả các CTCK.

Theo dự thảo Quyết định của Chủ tịch UBCK thì CTCK muốn triển khai hoạt động bán chứng khoán ngày T+2 phải có báo cáo gửi UBCK và chỉ được thực hiện sau khi đã báo cáo UBCK. Nội dung báo cáo gồm bản cam kết tuân thủ các quy định liên quan đến bán chứng khoán sau ngày giao dịch; quy trình nghiệp vụ thực hiện bán chứng khoán T+2...

Cũng theo dự thảo Quyết định của Chủ tịch UBCK, việc bán chứng khoán T+2 phải tuân thủ các quy định hiện hành về giao dịch chứng khoán như giao dịch không được hưởng quyền; không được phép mua và bán cùng một loại cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư trong một ngày giao dịch….

Thời gian thanh toán đối với các chứng khoán giao dịch ngày T và được bán từ ngày T+2 vẫn thực hiện theo quy định hiện hành (ngày T+3). Việc thực hiện quyền liên quan đến chứng khoán giao dịch ngày T và được bán từ T+2 thuộc về người mua chứng khoán giao dịch ngày T.

VSD sẽ phải chịu trách nhiệm ban hành quy trình hướng dẫn CTCK thực hiện việc bán chứng khoán sau ngày giao dịch và giám sát các hoạt động về giao dịch bán chứng khoán sau ngày giao dịch. Thành viên lưu ký phải hoàn tất việc xác nhận kết quả giao dịch và nộp hồ sơ sửa lỗi (nếu có) với VSD trong ngày T+1 đối với các giao dịch có chu kỳ thanh toán là ngày T+3.

TIN LIÊN QUAN

Bán chứng khoán T+2, thanh toán vẫn theo T+3

* Ngày 24/3: UBCK tổ chức tọa đàm bán chứng khoán T+2

Sẽ cân nhắc kỹ việc kéo dài thời gian giao dịch

Về phía các CTCK, trong đó có Kim Eng, cho phép bán chứng khoán T+2 sẽ không gây khó khăn đáng kể nào về mặt công nghệ giao dịch, bởi bản chất việc bán chứng khoán T+3 hay T+2, các CTCK đều phải thực hiện quy trình giao dịch như nhau.

Hải Vân, Hữu Hòe, Bùi Sưởng, Thu Hương thực hiện.
Hải Vân, Hữu Hòe, Bùi Sưởng, Thu Hương thực hiện.

Tin cùng chuyên mục