Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, đại diện BCG cho biết, đến thời điểm này các dự án bất động sản đều đã khởi động xây dựng trở lại và chuẩn bị mở bán sản phẩm. Tổng tài sản của BCG tăng trưởng mạnh mặc dù dịch bệnh bùng phát, từ mức 24.000 tỷ đồng tại cuối năm 2020 lên gần 35.000 tỷ đồng vào cuối quý III năm nay do đầu tư vào mảng bất động sản và năng lượng tái tạo. Tổng tài sản mảng năng lượng tái tạo dự kiến đạt 45.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024 với tổng công suất 1,6GW.
Về triển vọng kết quả kinh doanh cuối năm 2021 ông Phạm Minh Tuấn – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc BCG chia sẻ, Công ty vẫn đang tiếp tục đàm phán với các đối tác và nhiều dự án M&A phải thực hiện xong vào quý IV/2021, các dự án đang được triển khai tốt hơn so với dự kiến của Ban lãnh đạo. Qua đó khả năng không đạt được các chỉ tiêu kinh doanh là thấp.
Tại buổi gặp, một số cổ đông lo ngại doanh thu tài chính đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh của BCG, liệu nguồn thu này có ổn định trong tương lai hay không? Việc mở rộng phát triển nhiều dự án khiến chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu tăng cao có tạo ra rủi ro tài chính nhất định.
Ông Tuấn cho biết, mô hình BCG là công ty đầu tư huy động vốn để thực hiện dự án, khác với những công ty sản xuất thông thường. BCG theo đuổi cơ cấu nợ mục tiêu, với những tài sản sinh lời cao và dòng tiền ổn định thì theo thời gian công ty sẽ giảm dần tỷ lệ này. Vì thế tăng vốn là công ty tăng cơ hội đầu tư chứ không có nghĩa tăng vốn để đẩy mạnh tăng nợ. Theo chiến lược hiện tại của BCG, vốn vay Tập đoàn huy động chủ yếu nằm dưới các công ty dư nợ, vay nợ để tạo ra tài sản tạo ra tiền.
Bản chất của doanh thu hoạt động tài chính của BCG đến từ hoạt động M&A trên thị trường do mô hình BCG là công ty đầu tư. BCG tìm kiếm các cơ hội M&A trên thị trường sau đó đưa vào các giá trị gia tăng và cuối cùng sẽ chuyển nhượng dự án hoặc tiếp tục phát triển nếu đánh giá tiềm năng. Do vậy, đây sẽ là nguồn thu dài hạn của doanh nghiệp nhưng quy mô sẽ thay đổi theo từng năm tùy thuộc vào từng cơ hội.
Trước đây, lợi nhuận của doanh nghiệp đến nhiều từ M&A nhưng hiện nay với tài sản lớn và dự án tạo dòng doanh thu và lợi nhuận ổn định thì doanh thu từ M&A sẽ có tỷ trọng nhỏ đi.
Về kế hoạch tăng vốn, ông Tuấn cho biết, trước 2020, khi công ty đang trong quá trình xây dựng, thì việc huy động vốn khó khăn nhưng khi công ty chứng minh được năng lực phát triển dự án tạo ra giá trị gia tăng cho cổ đông thì tăng vốn dễ hơn nên tăng vốn là kế hoạch được đưa ra để cân đối tỷ trọng nợ và vốn chủ sở hữu. Sau khi phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, BCG sẽ tiếp tục tăng vốn trong 2022 nhưng đảm bảo đầu tư dự án hiệu quả, EPS tăng trưởng như kế hoạch đã trình bày tại ĐHCĐ.
Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Tuấn cho biết, BCG sẽ hoàn thành dự án Phù Mỹ chờ chính sách giá mới, trong 15-30 ngày tới sẽ triển khai đóng điện. Với dự án điện gió nằm trong giai đoạn phát triển sau nên thời gian làm thủ tục kéo dài nên tiến độ đến cuối 2022 giữa 2023 mới đấu nối. Các hợp đồng xây dựng dự án điện gió sẽ dần được ký. Mục tiêu cuối năm 2023 sẽ sở hữu dự án tổng công suất 1,5 đến 2 GW. BCG sẽ phối hợp với các đối tác lớn mà BCG vẫn nắm quyền phát triển dự án là cách làm khác với các doanh nghiệp khác thì lĩnh vực năng lượng mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông.
Vào quý II/2021, phía CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) cho biết, đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với BCG về việc tham gia đầu tư vào cổ phiếu HHV (tối thiểu là 50 triệu cổ phiếu). Sau 5 tháng, BCG chia sẻ đang đánh giá hợp tác giữa hai bên. Thương vụ vẫn đang dừng lại mức đánh giá cơ hội và tiềm năng thực hiện hợp tác giữa hai tập đoàn.
BCG định hướng lấy lĩnh vực năng lượng tái tạo làm cốt lõi khi đi sâu vào phát triển sản phẩm từ năng lượng tái tạo mới như Hydrogen Energy và LNG trong tương lai. Lĩnh vực bất động sản đem lại lợi nhuận lớn. Đồng thời, từ 2021 BCG đặt mục tiêu sẽ biến Tracodi (TCD), công ty thành viên thành công ty hàng đầu về cơ sở hạ tầng. Mảng dịch vụ tài chính và công ty bảo hiểm tạo ra nền tảng tương hỗ cho các mảng chính đang thực hiện là năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng.