Trong quý III, Bamboo Capital ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.176,7 tỷ đồng, tăng trưởng 157,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm tới 81,9%, về còn 39,5 tỷ đồng.
Công ty cho biết, nguyên nhân do việc huy động vốn khó khăn cùng lãi suất tăng cao đã làm cho thị trường M&A bị đóng băng trong quý III. Công ty đã rà soát lại danh mục đầu tư và xem xét các cơ hội trên thị trường, tuy nhiên chưa có giao dịch nào được thực hiện, trong khi phần lớn lợi nhuận của BCG trong quý III năm ngoái đến từ mảng dịch vụ tài chính thông qua các hoạt động M&A này.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ của BCG tăng so với cùng kỳ năm ngoái do hợp nhất thêm 3 công ty từ đầu năm 2022. Lãnh đạo BCG cho biết, thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục tái cơ cấu bộ máy quản lý, tinh gọn cấu trúc nhân sự nhằm tối ưu hoá chi phí quản lý của các doanh nghiệp sau khi sáp nhập.
Đối với mảng bất động sản, ngoài những khó khăn về điều kiện thị trường thay đổi, BCG còn gặp một số khó khăn khác do cơn bão số 4 và tình trạng mưa lũ kéo dài nhiều ngày, khiến hoạt động xây dựng đình trệ, thời gian hoàn thiện dự án chậm hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, Công ty đã cố gắng khắc phục khó khăn và đã đưa dự án vào giai đoạn bàn giao.
Quý III vừa qua, dự án Malibu Hội An đã bàn giao được 90 căn condotel, phần còn lại sẽ tiếp tục được bàn giao từ nay đến quý I/2023. Dự án Hoian d’Or đang trong quá trình hoàn thiện phần shophouse, dự kiến phân khu shophouse sẽ có thể bắt đầu bàn giao và ghi nhận lợi nhuận trong quý IV năm nay.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, BCG ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.310,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 885,3 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 73,8% và 26,2% so với 9 tháng đầu năm 2021, tương ứng hoàn thành 45,7% và 40,2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022.
Về cơ cấu doanh thu, mảng bất động sản ghi nhận dự án King Crown Infinity đã bán được 325/725 căn hộ, các shophouse dự án Hoian d’Or đã bán được 166/202 căn và sẽ bàn giao từ quý III/2022.
Mảng năng lượng tái tạo đã đi vào ổn định, tổng sản lượng điện tiếp tục tăng trưởng 12,8%, so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng năm 2022. Cuối tháng 9/2022, các dự án năng lượng tái tạo của BCG đều đang vận hành với hiệu suất từ 97 – 105%.
Một số điểm nhấn khác là hàng tồn kho tiếp tục tăng 2,7% so với quý trước và tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước, hứa hẹn sự tăng trưởng doanh thu cho các quý tới. Hệ số doanh thu/hàng tồn kho tiếp tục ổn định ở mức 0,4 lần. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tại quý III/2022 đã dương. Xu hướng tăng được ghi nhận từ quý II/2021 sau khi hàng loạt các dự án năng lượng tái tạo của BCG bắt đầu vận hành với hiệu suất cao từ 70 - 100%.
Nhìn nhận tiềm năng quý IV, ban lãnh đạo Công ty cho biết, một số các dự án bất động sản sẽ đạt được một phần việc thực hiện trong kế hoạch năm 2022. Các dự án năng lượng tái tạo có điểm sáng từ chính sách quy hoạch, giá cả có thông tin mới từ Bộ Công thương sẽ tạo ra bức tranh tốt hơn cho BCG.
Bức tranh dài hạn đáng kỳ vọng
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc BCG cho biết, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như vài tháng qua, tất cả yếu tố từ giá cả, chi phí xây dựng, nhân công đều tăng lên. Trong khi đó, thị trường vốn bị thu hẹp, hạn mức tín dụng bị siết chặt, thị trường cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu, nên Công ty gặp khó khăn nhất định.
“Trong bối cảnh chung của các doanh nghiệp kinh doanh đều khó khăn vì đây là giai đoạn phục hồi sau Covid-19, ban lãnh đạo các doanh nghiệp đều phải tìm cách vượt qua, BCG cũng không phải ngoại lệ. Công ty đã thay đổi kế hoạch kinh doanh, bám sát thị trường, tìm ra các phương án kinh doanh phù hợp”, ông Tuấn nói.
Đối với kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn 2023 – 2026, ông Tuấn thông tin, Công ty đang dự báo tình hình cho năm 2023 và lập kế hoạch giai đoạn 2024 - 2026. Trong đó, mảng năng lượng tái tạo vẫn là mũi nhọn và sẽ có sự chuyển dịch thời gian giữa năm 2023 – 2024 về tiến độ. Công ty đã nhìn thấy tiềm năng của các dự án điện năng lượng mặt trời áp mái.
Đối với dự án bất động sản, BCG khẳng định, Công ty không phải nhà phát triển bất động sản hàng loạt, mà BCG tham gia phát triển dự án có chọn lọc, nên sự ảnh hưởng của thị trường trong môi trường hiện tại không phải lớn và dài hạn đối với BCG.
“Có thể bước bước phát triển ở giai đoạn 2023 – 2024 chưa đạt như kỳ vọng, nhưng bức tranh dài hạn 2025 – 2026 vẫn sẽ đạt được kỳ vọng của ban lãnh đạo”, ông Tuấn nói.
Về kế hoạch IPO BCG Land, BCG khẳng định, sẽ có những chậm trễ nhất định vì diễn biến thị trường tài chính khiến tình hình cổ phiếu nói chung và cổ phiếu ngành bất động sản nói riêng bị ảnh hưởng. Do đó, Công ty đang lựa chọn thời điểm thích hợp, sẽ theo sát thị trường để cập nhật đến nhà đầu tư, nhưng kế hoạch có thể sẽ sang năm 2023 để đem lại điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Cuối năm 2021, BCG đã mua lại và sáp nhập thành công Công ty Bảo hiểm AAA vào hệ sinh thái của mình. Ông Võ Mạnh Tín, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm AAA chia sẻ, BCG đã đề ra chiến lược tái cơ cấu nhằm đưa Bảo hiểm AAA nằm trong top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Bảo hiểm AAA đang có khoảng 40 chi nhánh, kế hoạch năm 2023 của công ty là tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2023 và mục tiêu phát triển thêm chi nhánh rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chấp thuận liên danh Bamboo Capital - Tracodi nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục kinh tế Bắc - Nam tỉnh Sóc Trăng (đường tỉnh 935C), chiều dài 39km, quy mô 6 làn xe, chiều rộng mặt đường 27,5m, vận tốc thiết kế 80km/h, với tổng mức đầu tư 4.960 tỷ đồng.
Tại hội thảo, đại diện Tracodi thông tin, hiện tại, Công ty đang làm các công tác nghiên cứu tiền khả thi theo đúng tiến độ và sẽ triển khai dự án theo phương thức hợp tác công tư (PPP) vào năm 2024.