Các nội dung trên được ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Bamboo Capita trao đổi với cổ đông tại Buổi gặp gỡ nhà đầu tư do Bamboo Capital tổ chức chiều 17/11.
Báo cáo tài chính của Bamboo Capital cho thấy, doanh thu thuần quý III/2023 đạt 1.017 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ và giảm 8,7% so với quý trước; lợi nhuận sau thuế đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 76,9% so với cùng kỳ và giảm 94,5% so với quý trước.
Lũy kế 9 tháng 2023, doanh thu thuần Công ty đạt 2.833,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 184,8 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành lần lượt 40,9% và 28,4% kế hoạch năm 2023.
“Con số doanh thu và lợi nhuận không đạt như kế hoạch nhưng trong bối cảnh lãi suất tăng, giữ được kết quả kinh doanh có lãi là nỗ lực lớn của ban lãnh đạo tập đoàn”, ông Tuấn đánh giá.
Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của BCG là cơ cấu doanh thu quý III/2023 có sự thay đổi, trong đó tỷ trọng đóng góp mảng bất động sản giảm xuống 22,6% (cùng kỳ 30,9%) do thị trường chung không thuận lợi, ngược lại tỷ trọng các mảng khác đều tăng như mảng năng lượng tăng lên 31,9% (cùng kỳ 28,7%), mảng xây dựng hạ tầng đóng góp tăng lên 31,7% (cùng kỳ 27,8%), mảng dịch vụ tài chính bảo hiểm tăng lên 9% (cùng kỳ 6,8%). Theo đó, cơ cấu doanh thu tiếp tục duy trì với ba mảng chính gồm năng lượng, xây dựng – hạ tầng và bất động sản.
Tổng sản lượng điện quý 3/2023 của Tập đoàn đạt 197,5 triệu kWh, tăng 28,3% so với cùng kỳ, tăng 8,1% so với quý trước. Trong đó, đà tăng trưởng quý 3 đến từ sản lượng điện của dự án Phù Mỹ (137,6 triệu kWh, tăng 54,9% so với cùng kỳ và 18,6% so với quý trước).
Trao đổi với các nhà đầu tư, ông Tuấn cho biết, nhà máy điện Phù Mỹ đang thương thảo Hợp đồng PPA với EVN để có hợp đồng dài hạn cho phần 114 MW giai đoạn chuyển tiếp. Mảng điện gió vẫn đang theo kế hoạch, còn mảng điện mặt trời áp mái tốc độ đầu tư chậm do chịu tác động thay đổi của chính sách. Chủ yếu các dự án thi công ở các nhà máy dựa trên tự sản, tự tiêu.
Các mảng hoạt động chính duy trì doanh thu đã giúp dòng tiền của BCG đạt quanh 1.000 tỷ đồng. Trước câu hỏi của nhà đầu tư về việc doanh nghiệp có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông không, ông Tuấn cho biết, Tập đoàn nhìn nhận, khó khăn kinh tế có thể kéo dài, doanh nghiệp cần nguồn lực dự trữ để chống chọi với các khó khăn trên thị trường. Tiền mặt tồn quỹ được giữ ổn định nhằm có dòng tiền để giảm công nợ, giữ hoạt động doanh nghiệp ổn định bình thường. Đặc biệt, trong lúc khó khăn nhất vẫn có nguồn lực dự phòng, bởi thế Tập đoàn chưa có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho năm nay và năm sau.
Quý IV/2023, BCG cũng có kế hoạch trả nợ trước hạn một số khoản trái phiếu. Bên cạnh đó, Tập đoàn tìm kiếm các giải pháp tái cơ cấu nợ, bằng cách sử dụng các nguồn vốn vay có lãi suất thấp ở nước ngoài, giảm dư nợ lãi suất cao trong nước, tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Hiện Tập đoàn đang nộp hồ sơ xin tăng vốn theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 2:1 và chờ UBCKNN xem xét cấp phép.
Một số nhà đầu tư đặt câu hỏi, Bamboo Capital có bán bớt cổ phần tại các dự án năng lượng không? Theo ông Tuấn, danh mục đầu tư dự án năng lượng của Tập đoàn hiện khá ổn định và tập đoàn không có ý định thay đổi nhà đầu tư và bán cổ phần của các công ty này.
Dự phóng về kết quả kinh doanh quý IV của doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết tích cực hơn so với quý III, nguồn thu chủ yếu đến từ việc hiện thực hóa lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh trong tháng 11, 12 năm nay.
Trước câu hỏi của cổ đông về việc một số lãnh đạo của Bamboo Capital đăng ký bán cổ phiếu gần đây, ông Tuấn đã thẳng thắn trả lời: “Trong khoảng một năm qua, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của cổ phiếu BCG dao động khoảng 10 – 13 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu lãnh đạo BCG đăng ký bán hoặc chuyển nhượng cho người thân từ 5-7 triệu cổ phiếu, do vậy chúng tôi tin là số lượng này không làm ảnh hưởng đến thị giá của cổ phiếu, và phần lớn trong số này được bán theo phương thức thỏa thuận cho nhà đầu tư khác muốn gia tăng mức đầu tư vào BCG.
Ngoài ra, việc bán cổ phiếu có khi vì cần thu xếp tài chính cá nhân, có khi để thay đổi danh mục đầu tư. Ví dụ như cá nhân tôi, toàn bộ số tiền từ việc bán 7 triệu cổ phiếu BCG được chuyển thành khoản đầu tư sang BCG Energy – công ty con của BCG ở mảng năng lượng. Đây đơn thuần là việc tái cơ cấu danh mục đầu tư và vẫn trong phạm vi các công ty của Tập đoàn”.