Giao đầu mối
“Chúng tôi vừa nhận được quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư từ Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Ban sẽ bắt tay triển khai ngay với tinh thần “thần tốc”, không để bất kỳ thời gian chết nào nhằm kịp hoàn thành yêu cầu của lãnh đạo Bộ”, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết.
Được biết, Ban Quản lý dự án 7 được Bộ GTVT giao chuẩn bị đầu tư 2 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, gồm Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang, với tổng chiều dài 113 km, vốn đầu tư khoảng 23.507 tỷ đồng.
Điểm thuận lợi lớn đối với Ban Quản lý dự án 7 là đơn vị này cũng đang tổ chức điều hành Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021.
“Việc cả 3 dự án đều nằm rất sát nhau thuộc địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận sẽ giúp Ban Quản lý dự án 7 không mất quá nhiều thời gian để xây dựng các đầu mối phối hợp với các địa phương”, ông Minh đánh giá.
Ngày 20/1/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký Quyết định số 125/QĐ-BGTVT về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, ngoài Ban Quản lý dự án 7, còn có 6 ban quản lý dự án chuyên nghiệp khác cũng đã được Bộ GTVT tín nhiệm chọn giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Đó là Ban Quản lý dự án Thăng Long (2 dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 36 km, tổng mức đầu tư 7.403 tỷ đồng và Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54 km, tổng mức đầu tư 10.185 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án 6 (2 dự án thành phần: Vũng Áng - Bùng, dài 58 km, tổng mức đầu tư 11.785 tỷ đồng và Bùng - Vạn Ninh, dài 51 km, tổng mức đầu tư 10.526 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Dự án Vạn Ninh - Cam Lộ, dài 68 km, tổng mức đầu tư 10.591 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án 2 (Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dài 88 km, tổng mức đầu tư 20.898 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án 85 (2 dự án thành phần: Hoài Nhơn - Quy Nhơn, dài 69 km, tổng mức đầu tư 12.544 tỷ đồng và Quy Nhơn - Chí Thạnh, dài 62 km, tổng mức đầu tư 12.298 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (2 dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang, dài 37 km, tổng mức đầu tư 9.768 tỷ đồng và Hậu Giang - Cà Mau, dài 72 km, tổng mức đầu tư 17.485 tỷ đồng).
Được biết, các ban quản lý dự án sẽ phải khẩn trương thực hiện việc giao, nhận hồ sơ và các tài liệu liên quan của bước nghiên cứu tiền khả thi đã thực hiện và tận dụng tối đa trong quá trình lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi, trình Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
“Lãnh đạo các ban chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng và pháp luật về tiến độ, chất lượng hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu khả thi”, Quyết định số 125 nêu rõ.
Ký “quân lệnh trạng”
Thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật để khởi công dự án cần khoảng 3 năm; thời gian thi công hoàn thành công trình 2 - 3 năm, thậm chí có thể kéo dài hơn nếu triển khai trên nền địa chất yếu, phức tạp.
Trong khi đó, đến thời điểm này, ngoài việc mới xong bước phê duyệt chủ trương đầu tư, toàn bộ công việc quan trọng, tốn nhiều thời gian khác của Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 vẫn còn ở phía trước, trong đó có 6 đường găng tiến độ bắt buộc phải hoàn thành đúng hạn, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (GPMB) cho từng dự án thành phần (ngày 15/5/2022); phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi (31/5/2022); bàn giao hồ sơ và cắm cọc GPMB (30/6/2022); lập, thẩm định và phê duyệt dự toán thiết kế kỹ thuật (31/12/2022); bàn giao 70% mặt bằng (20/11/2022); bắt đầu tổ chức thi công (31/12/2022).
“Những mốc tiến độ này như những con cờ đô-mi-nô, nếu không hoàn thành đúng hạn sẽ ảnh hưởng đến các khâu còn lại”, ông Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đánh giá.
Để đảm bảo tiến độ triển khai, Bộ GTVT đã yêu cầu các ban quản lý dự án phải ký “quân lệnh trạng”, theo đó, lãnh đạo ban quản lý dự án sẽ bị điều chuyển nhiệm vụ, giáng chức nếu không hoàn thành tối đa 2 đường găng tiến độ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
“Giám đốc ban quản lý dự án phải lập danh sách lãnh đạo Ban, lãnh đạo các phòng và cán bộ trực tiếp theo dõi dự án, có văn bản cam kết việc thực hiện theo tiến độ yêu cầu, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 25/1/2022”, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.
Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và kế hoạch triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Nội dung Quy chế sẽ quy định, xác định rõ vai trò (chủ trì, phối hợp) và các nhiệm vụ chính, mốc thời gian phải hoàn thành công việc của từng chủ thể (bộ, ngành, địa phương) để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, đảm bảo quá trình thực hiện nhiệm vụ phải công khai, minh bạch, chất lượng, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí.