Phục hồi trong quý IV/2021, nhưng về tổng thể, bức tranh lao động - việc làm năm 2021 chứa đựng rất nhiều mảng tối khi xem xét các chỉ số như tỷ lệ thất nghiệp, số lao động có việc làm, chất lượng lao động, thu nhập bình quân... Chính vì vậy, cần phải có phương án sớm giải bài toán về lao động, việc làm ngay sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần.
Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I hàng năm thường thấp nhất so với 3 quý còn lại trong năm. Nguyên nhân chủ yếu là sau Tết Nguyên đán, hầu hết doanh nghiệp đều thiếu lao động. Sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, mức độ thiếu hụt lao động chắc chắn sẽ cao hơn những năm qua, bởi đã có ít nhất 2,2 triệu lao động “hồi gia” để tránh dịch chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc một khi thu nhập, an toàn sức khỏe, cuộc sống của họ không được cải thiện.
Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ ra, năm 2021, số giờ bị mất việc trên thế giới tương đương 125 triệu người bị mất việc làm toàn thời gian. Như vậy, nếu so với bình quân của thế giới, thì thị trường lao động, việc làm của Việt Nam còn “xám màu” hơn rất nhiều.
Cụ thể, trong “năm Covid thứ hai”, số lao động có việc làm giảm khoảng 1 triệu người so với năm 2020 và giảm khoảng 2 triệu người so với thời kỳ trước dịch, trong khi bình thường, mỗi năm Việt Nam tạo thêm tối thiểu 400.000-500.000 chỗ làm mới. Ngoài ra, tỷ lệ lao động thiếu việc làm đã lên tới 3,1% với 1,4 triệu người, tăng khoảng 371.000 người so với năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp cũng được ghi nhận ở mức cao nhất trong lịch sử, lên 3,22%, với 1,4 triệu người. Đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 12%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với năm 2020.
Chưa hết, trong bối cảnh việc làm khó khăn, năm 2021 đã có thêm 872.400 người quay về với hoạt động sản xuất “tự sản, tự tiêu”, nâng tổng số lao động động làm việc phi thị trường hàng hóa lên 4,4 triệu người. Bên cạnh đó, đã có 1,3 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động phi chính thức, nâng tổng số người lao động bắt buộc phải làm những công việc bấp bênh, không ổn định, thu nhập thấp và không có bất cứ hợp đồng ràng buộc nào với chủ sử dụng, lên 19,4 triệu người.
Như vậy, có thể thấy bức tranh thị trường lao động có quá nhiều gam màu xám khi khởi đầu năm 2022. Đây chính là thách thức trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nhiều mục tiêu đặt ra, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng GDP đạt 6-6,5% và phấn đấu đạt 6,5-7,0% trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong khi đó, lao động luôn là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, vì con người là trung tâm và là chủ thể của sự phát triển kinh tế, xã hội.
Sau thời gian ở quê, rất nhiều lao động đã muốn trở lại công xưởng, nhà máy, xí nghiệp. Đây là tin vui cho thị trường lao động, vì cung lao động tiềm năng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Nhưng từ tiềm năng đến hiện thực vẫn còn khoảng cách. Lý do khiến người lao động chấp nhận rời bỏ quê hương; chấp nhận xa cha mẹ, anh em, gia đình; chấp nhận từ bỏ thói quen, tập quán với mục tiêu không gì khác là thu nhập phải cao hơn, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Thế nhưng, năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động làm công hưởng lương chỉ còn 6,6 triệu đồng, không những không tăng, mà còn giảm. Và đây là năm thứ hai liên tiếp, thu nhập của người lao động bị giảm, với tổng mức giảm khoảng 200.000 đồng so với năm 2019.
Với mức thu nhập khoảng 6,6 triệu đồng/tháng, lại sống nơi xứ người, nên bất cứ người lao động nào cũng trăn trở với câu hỏi: ở lại quê hay quay trở lại công trường, nhà máy?
Cung lao động tiềm năng đã có, cầu lao động của doanh nghiệp cũng không nhỏ. Muốn giải quyết tốt bài toán cung - cầu trên thị trường lao động hiện tại thì yếu tố quan trọng là phải biến cung tiềm năng thành cung thực sự.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, theo đó lần đầu tiên, ngân sách nhà nước dành tổng cộng 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động (lao động chính thức), đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
Gói hỗ trợ trên được ban hành đúng lúc, kịp thời, tạo thêm động lực cho lao động trở lại làm việc. Song hiện vẫn chưa có hướng dẫn triển khai, trong khi việc thực hiện chắc chắn sẽ vô cùng phức tạp, cần nhiều thời gian vì đối tượng thụ hưởng lên đến cả chục triệu người; việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giấy tờ cũng không đơn giản…
Rất nhiều người đã chọn địa phương nơi làm việc là quê hương thứ hai, nên để giữ chân người lao động còn cần rất nhiều thứ khác ngoài tiền. Một trong những thứ đó là cơ sở vật chất như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học cho con em họ. Ngoài ra, con em họ cũng phải được đối xử bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, y tế, văn hóa, phúc lợi xã hội. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi thu hút lao động, bởi kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại của một địa phương luôn là yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư, trong đó có công sức đóng góp vô cùng lớn của lực lượng lao động đến từ địa phương khác trong cả nước.