Bài toán khó: “giữ chân” người tài

(ĐTCK-online)Nhân sự cao cấp trong lĩnh vực hoạt động tài chính thời gian gần đây của Việt Nam được coi là chưa thực sự đầy đủ vì còn yếu và thiếu. Thực tế cho thấy, bên cạnh số lượng chưa đủ lớn những cá nhân thực sự xuất sắc, ngay cả những cá nhân đáp ứng đủ điều kiện cơ bản để làm việc trong lĩnh vực này cũng chưa thoả mãn nhu cầu của ngành. Và trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, nguy cơ bị "hút" mất nhân sự không chỉ từ các đối thủ trong nước mà cả từ các tổ chức nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực ASEAN.

"Các bạn có kiến thức về tài chính, tư duy tốt cộng thêm sự chăm chỉ và ham học hỏi", đó là nhận định của ông Goh Kok Wee, Trưởng đại diện liên lạc, Bộ Nhân lực Singapore trong hội thảo với CFA Việt Nam giới thiệu về cơ hội sống và làm việc tại Singapore trong lĩnh vực tài chính. Tham gia hội thảo, đại diện của 3 ngân hàng toàn cầu lớn đến từ Singapore gồm: OCBC Bank, Merrill Lynch, Temasek đã có những lời mời chào hấp dẫn về cơ hội làm việc, học tập, thăng tiến, lương bổng và phúc lợi xã hội mang lại. Ông Goh Kok Wee nói: "Tại sao các bạn lại không thể lựa chọn làm việc tại Singapore, khi mà sự khác biệt giữa Singapore và Việt Nam về con người, tập quán, thói quen… không lớn, cộng thêm mức lương hấp dẫn và môi trường sống tuyệt vời".

Qua buổi hội thảo, điều dễ nhận thấy là mong muốn thu hút những tài năng thực sự trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam chuyển qua làm việc tại Singapore là rất lớn, và thách thức thực sự cho các tổ chức của Việt Nam là làm sao để giữ chân người tài, tránh khủng hoảng nhân sự do lực hút từ nhiều phía.

Thực tế cho thấy, nhân sự cao cấp trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng trở nên khan hiếm, nhất là thiếu người làm… giám đốc. Thị trường cho "mượn tên" những người có đủ các chứng chỉ đào tạo nhưng không sử dụng đến trong mảng nhân sự cấp thấp để đủ điều kiện thành lập CTCK không phải là không phổ biến. Điều này cho thấy sự khan hiếm nhân sự trong lĩnh vực chứng khoán, không chỉ là nhân sự cao cấp mà cả nhân sự… đủ điều kiện làm việc. Len lỏi vào "làng" chứng khoán, chuyện thay đổi người lãnh đạo hoặc việc tồn tại những… giám đốc hờ không phải là quá hiếm. Như vậy, mục đích của việc đưa ra điều kiện về nhân sự trong quy định của UBCKNN về thành lập CTCK phải chăng đã bị… vô hiệu hóa một cách dễ dàng?

Một phó giám đốc của CTCK trực thuộc ngân hàng quốc doanh nói: "Thách thức về nhân sự với chúng tôi hiện nay là rất lớn, và điều này sẽ càng trở nên trầm trọng hơn nếu ngân hàng mẹ và chính công ty chưa cổ phần hóa". Ông này cho biết thêm, chỉ trong năm 2006, ngân hàng mẹ đã bị hút mất hơn 800 người chuyển sang lĩnh vực chứng khoán và các ngân hàng mới khác, mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách đãi ngộ chưa hợp lý. Nếu ngân hàng không thực hiện cổ phần hóa trong năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 400 người nữa sẽ ra đi vì họ đã chờ đợi sự thay đổi quá lâu.

Có thể nói, bài toán về nhân sự đang ngày càng trở nên hóc búa hơn đối với giới doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính nói riêng.  Giữ chân người tài trong giai đoạn trước bùng nổ thị trường tài chính tại Việt Nam đã khó, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và khoảng cách giữa các quốc gia gần như bị xóa nhòa sẽ càng khó khăn hơn. Và dù thị trường nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính có phát triển đến đâu chăng nữa, giữ những tài năng thực sự ở lại với doanh nghiệp cũng luôn là bài toán khó.

Đông Nhi
Đông Nhi

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ