Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết xe nhập nguyên chiếc, hoặc lắp ráp trong nước vẫn sử dụng động cơ tiêu chuẩn Euro 2 và 3.
Theo tính toán, khi đổi động cơ từ Euro 2 sang Euro 4, sẽ làm giá xe tăng thêm đang kể, mức tăng dự kiến có thể lên tới 30% so với giá thành cùng loại xe sử dụng động cơ Euro 2, chủ yếu ở phân khúc xe tải và xe khách 16 chỗ trở lên.
Ngoài ra, vấn đề về chất lượng xăng dầu không đảm bảo vẫn là một bài toán khó. Xăng dầu sản xuất tại Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn Euro 4, muốn đáp ứng thì phải nhập khẩu và bán cùng với xăng dầu tiêu chuẩn Euro 2 và 3, nên không chỉ xe tăng giá, mà chi phí sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa cũng tăng theo. Nhưng dù sớm hay muộn, áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro để kiểm soát lượng khí thải là nhiệm vụ cần thiết, bởi những ảnh hưởng về môi trường và sức khỏe con người là hết sức to lớn.
Do đó, theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, từ 1/1/2017 sẽ áp dụng đối với xe ô tô chạy xăng. Tuy nhiên, đối với ô tô chạy bằng nhiên liệu diesel thì Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lùi 1 năm, tức là tiêu chuẩn khí thải Euro 4 áp dụng từ 1/1/2018, do sự chậm trễ trong việc giới thiệu nhiên liệu diesel Euro 4 ra thị trường.
Đại diện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xe tải nhìn nhận, doanh nghiệp hoàn toàn chấp hành các quy định, chính sách của Nhà nước. Giá xe nếu sản xuất theo đúng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 dự kiến sẽ phải chênh cao hơn giá thành so với các loại xe thông thường hiện nay. Vì thực tế, để nghiên cứu sản xuất ra một xe ô tô đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 như ở nước ngoài cũng mất 2-3 năm.
Việt Nam chủ yếu nhập về lắp ráp, ít nhất cũng phải có xe mẫu trước thời hạn áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 khoảng 6 tháng để thử nghiệm. Và, một chiếc xe để thử nghiệm đạt tiêu chuẩn Euro 4 phải chạy được 3.000 km, động cơ hoạt động vài nghìn km. Chưa kể, bây giờ tìm mua nhiên liệu xăng dầu đạt chuẩn Euro 4 trong nước không có.
“Nếu ô tô theo tiêu chuẩn khí thải Euro 4 sử dụng nhiên liệu theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2 thì sẽ không đạt mức tiêu chuẩn khí thải mong muốn, đồng thời có thể làm hỏng động cơ” - Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đối với ôtô chạy bằng diezen, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát các căn cứ pháp lý để có đề xuất phương án áp dụng đối với ôtô chạy bằng nhiên liệu diesel, đảm bảo phù hợp các quy định pháp luật.
Theo đó, có các trường hợp theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để sửa đổi, bổ sung một phần quyết định số 49, cần ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung. Trường hợp giữ nguyên quyết định 49 và để tháo gỡ tồn tại, vướng mắc cho doanh nghiệp theo đề xuất VAMA, giải pháp là cần có văn bản xử lý tình huống để áp dụng đối với các đối tượng cụ thể.