Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cho biết, ngân hàng này sẵn sàng trả mức lương “khủng” cho vị trí trưởng phòng dữ liệu, tuy nhiên việc tìm kiếm nhân sự không dễ dàng. Nhân sự giỏi trong lĩnh vực công nghệ tài chính của Việt Nam hiện vẫn khan hiếm?
Qua quan sát cá nhân, tôi nhận thấy, thực tế đã khẳng định sự khan hiếm cao đối với các chuyên gia dữ liệu, đồng thời có hiểu biết chuyên môn sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra rằng, dữ liệu cũng giống như dầu mỏ, ai nắm trong tay sẽ có tất cả.
Tuy nhiên, dữ liệu đã có thể thu thập được từ rất nhiều nguồn, quá trình làm sạch dữ liệu tuy có nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều bước tiến dài. Mặc dù vậy, tôi thấy rằng một số ngân hàng vẫn mắc kẹt trong mỏ dữ liệu khổng lồ đang có, đơn giản vì thiếu nhân lực cao cấp và công thức để biến dữ liệu thành lợi thế trong kinh doanh.
Để trả lời câu hỏi đào tạo một nhân sự trong lĩnh vực dữ liệu trong bao lâu để “đủ chín” khá khó, nhưng thực tế thì các ngân hàng Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực này đã bắt đầu cuộc chơi từ cách đây 5 - 6 năm, khi các thuật ngữ datalake, big data, data scientist bắt đầu được mang về thị trường Việt Nam.
Liệu có phải dữ liệu ngành ngân hàng quá lớn và đặc thù nên nhân sự trong lĩnh vực này phải có sự khác biệt ở nhiều khía cạnh?
Không chỉ ngành ngân hàng, mà các ngành nghề, lĩnh vực khác đều rất cần dữ liệu, có những ngành nghề có tính chất dữ liệu đặc thù khiến khối lượng lưu trữ còn lớn hơn ngành ngân hàng rất nhiều. Tuy nhiên, cả Việt Nam và trên thế giới, ngành nghề có sức ép lớn phải đầu tư cho công nghệ vẫn là ngành ngân hàng. Do đó, nhu cầu về chuyên gia dữ liệu xuất hiện sớm và rõ ràng trong ngành ngân hàng.
Theo ông, giải pháp nào cho “nút thắt” này trên thị trường ngân hàng?
Việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cần nhiều thời gian và giải pháp tổng thể. Đặc biệt, trong bối cảnh tất cả các vị trí trong tổ chức đều đang phải tìm hiểu, xây dựng nên một hình mẫu tiêu chuẩn cho vị trí data scientist, từ nhà quản lý, bộ phận nghiệp vụ chuyên môn lẫn chuyên gia công nghệ thông tin.
Ở góc độ đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp cho ngành, chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng ngành ngân hàng các hệ thống công nghệ, giải pháp, sản phẩm sẵn có để giúp khách hàng giảm tải “nút thắt” này.
Đặc biệt, chúng tôi còn cung cấp cho các khách hàng nhân lực thuê ngoài (outsourcing), giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, có nhân lực chất lượng cao, dồi dào, sẵn sàng đáp ứng các dự án hiện tại của ngân hàng.
Giải pháp giữ chân nhân sự giỏi khi tình trạng thiếu hụt lao động ở lĩnh vực này nên được thực hiện thế nào?
Việt Nam đang được đánh giá rất cao trong khu vực và trên thế giới vì chúng ta đang có khoảng 1 triệu nhân sự trong ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, với các mục tiêu đặt ra trong các Nghị quyết quan trọng gần đây của Bộ chính trị như Nghị quyết 57-NQ/TW thì nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao vẫn là một thách thức rất lớn của Việt Nam.
Hiện nay, việc thiếu hụt nhân sự và điều chuyển giữa các tổ chức diễn ra khá phổ biến. Với kinh nghiệm nhiều năm triển khai hàng trăm dự án ở các ngành then chốt, chúng tôi thấy việc nhân sự luân chuyển giữa doanh nghiệp công nghệ và khách hàng là điều tự nhiên trong quá trình hợp tác.
Có những giai đoạn chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, nhưng ở góc nhìn tổng thể thì vẫn khai thác các mặt tích cực của thực tế này là bộ máy tuyển dụng, đào tạo, bộ phận chính sách lương thưởng, bộ “gen học tập” trong doanh nghiệp được phát huy tối đa.
Chúng tôi coi việc nhân sự tìm kiếm cơ hội mới là một phần của cuộc chơi và phải thích nghi với điều đó. Nhờ vậy, khả năng học hỏi, đào tạo đội ngũ cho một giải pháp mới, một công nghệ mới sẽ là sức mạnh cốt lõi của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Bên cạnh xu hướng dịch chuyển nhân lực công nghệ giữa các ngành, thị trường lao động cũng chứng kiến sự cạnh tranh thu hút nhân lực công nghệ tài chính giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng dòng chảy kỹ năng này như thế nào để khai thác cơ hội để nâng cao năng lực và phát triển bền vững?
Việt Nam đang muốn toàn cầu hoá, chúng ta đang muốn vươn lên để mang trí tuệ Việt ra khu vực và thế giới. “Trận đánh” về nhân sự đang là trường đào tạo tốt nhất để nhân lực Việt, doanh nghiệp Việt học hỏi văn hoá làm việc, kỹ năng đào tạo tốt có bài bản của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là sự trải nghiệm ngoại ngữ, văn hoá trong môi trường được tiếp xúc làm việc hàng ngày với nhân sự có chất lượng quốc tế.
AI đang được nhận định là “lớn nhanh như hổ dữ”. Liệu AI có thể thay thế nguồn nhân lực về công nghệ tài chính - vốn khan hiếm?
AI đang là xu hướng quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cuộc cách mạng công nghiệp mỗi khi xảy ra trong quá khứ đều có những tranh cãi rất lớn về việc chúng liệu có thay thế con người, từ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất về động cơ hơi nước, cách mạng công nghiệp lần thứ hai về điện khí hoá, cách mạng công nghiệp thứ ba về công nghệ thông tin và tự động hoá.
Kết quả của những lần trước đó đều cho thấy máy móc, công nghệ không thay thế hoàn toàn, nhưng làm thay đổi mạnh mẽ cách thức con người lao động, giúp tăng năng suất lao động, giải phóng con người khỏi những công việc đơn giản.
AI tiến hoá hơn và đang được cho rằng sẽ “giải phóng” con người khỏi không chỉ việc đơn giản, mà có thể là những tác nghiệp ra quyết định với vai trò chủ động hơn và lớn hơn.
Trong đó, ở góc độ nguồn lực lao động, cá nhân tôi tin rằng, AI sẽ giúp giải quyết phần lớn sự khan hiếm nguồn nhân lực công nghệ tài chính mà chúng ta đang bàn tới.
Nguồn nhân lực tới đây sẽ cần nhanh chóng học cách làm chủ AI cũng như đã từng thành công với máy móc công nghiệp, dây chuyền sản xuất tự động, công nghệ thông tin, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Ứng dụng AI có thể giúp giải quyết các thiếu hụt nhân sự hoặc nâng cao năng lực khai thác dữ liệu của ngành ngân hàng.
Đơn cử như hiện nay, chúng tôi và các đối tác đã tích hợp sâu AI vào các nền tảng dữ liệu (data platform), các công cụ phân tích dữ liệu dựa trên AI, hệ thống hạ tầng AI nhằm hỗ trợ nhân lực ngành này nâng cao năng suất, tiết kiệm nhân lực, chi phí khi thực hiện dự án về dữ liệu cho các ngân hàng.