Bài toán hiệu quả đầu tư đang ở giai đoạn gay cấn

(ĐTCK) Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, chuyên gia kinh tế, Đại học Quốc gia Singapore, bên cạnh tăng trưởng GDP thấp, nguy cơ lạm phát trên 5% là rất đáng lưu tâm. Theo đó, quý II/2017, nền kinh tế dự báo khó có thể tăng mạnh nếu thiếu những cải cách phù hợp. 
PGS.TS Vũ Minh Khương PGS.TS Vũ Minh Khương

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2017 có điểm gì đáng chú ý?

Theo tôi, có 2 điểm đáng lưu ý về mức tăng trưởng GDP 5,1% của quý I/2017. Thứ nhất, mức tăng trưởng khá thấp này có thể là một chỉ báo đáng quan tâm về mức tăng trưởng GDP cho cả năm 2017. Thống kê hơn 10 năm qua cho thấy, nếu kinh tế quý I tăng trưởng dưới 5,25%, thì tăng trưởng kinh tế cả năm chưa có năm nào vượt trên 6%. Nghĩa là, nếu không có đột biến, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 ít có khả năng cao hơn 6%.

Thứ hai, tăng trưởng quý I trong 3 năm qua đi theo xu thế giảm dần, từ mức 6% quý I/2015 giảm về 5,5% quý I/2016 và xuống 5,1% quý I/2017. Xu thế này dường như đi ngược với những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư và củng cố niềm tin của doanh nghiệp.

Nghĩa là, bài toán duy trì và nâng cao sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không còn theo kiểu thúc đẩy huy động nguồn lực, mà nó đòi hỏi những lời giải đột phá nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ và khai thác nguồn lực.

Thách thức tăng trưởng mà Việt Nam hiện đang gặp phải là khá đặc trưng cho một nền kinh tế chuyển từ giai đoạn ưu tiên huy động nguồn lực (nền kinh tế có mức thu nhập bình quân dưới 2.000 USD) sang nền kinh tế mà hiệu quả cần được coi trọng hàng đầu. Đơn cử, đầu tư vào một đường cao tốc nối giữa 2 thành phố lớn như Hà Nội và Hải phòng là rất hiệu quả. Thế nhưng, khi xây thêm đường thứ hai, hiệu quả có thể thấp hơn hẳn nếu không tính toán và quản lý tốt.

Bên cạnh GDP tăng trưởng thấp, chỉ số lạm phát được đánh giá ở mức tương đối cao, theo ông, điều này có gây quan ngại trong thời gian tới?

Nguy cơ lạm phát vượt trên mức 5% là không thể xem nhẹ. Bởi, thứ nhất, giá dầu thô và nguyên liệu có khả năng tăng cao, nhất là khi Ấn Độ, với quy mô kinh tế tương đương Trung Quốc cuối những năm 1990, duy trì mức tăng trưởng 7-8% trong thời gian tới.

Thứ hai, Việt Nam sẽ khó duy trì nỗ lực kìm giữ giá một số sản phẩm thiết yếu như điện và dịch vụ y tế trong thời gian tới, nhất là khi yếu tố thị trường đóng vai trò ngày càng quyết định trong nền kinh tế.

Thứ ba, nếu các doanh nghiệp không nỗ lực nâng cao sự hiệu quả, mà vẫn tập trung vào mô hình mở rộng, thì giá sản phẩm sẽ bị đẩy lên, một khi giá đầu vào tăng.

Theo một thống kê, tỷ lệ tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP trong quý I/2017 ở mức 32%, tương đối cao khi GDP đang giảm tốc, vấn đề này ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả đầu tư và đâu là lời giải, thưa ông?

Bài toán hiệu quả đầu tư ở Việt Nam đã ở giai đoạn gay cấn, cần có lời giải quyết liệt. Có 3 hướng để nâng cao hiệu quả đầu tư, đó là: doanh nghiệp, thành phố và gắn kết cộng hưởng (giữa các doanh nghiệp và giữa các địa phương). Do vậy, khi một doanh nghiệp, một địa phương, hay Chính phủ quyết định đầu tư một dự án, vấn đề không chỉ là dự án có hiệu quả hay không, mà là nó có nâng hiệu quả hiện tại của chủ thể lên hay không?

Điều này không chỉ đòi hỏi hạn chế đầu tư vào những dự án kém hiệu quả, mà còn cần những dự án nâng câp hiệu quả mạnh mẽ, nhất là trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin.

Dòng vốn giải ngân FDI cũng cho thấy dấu hiệu tăng chậm lại, theo giới phân tích, một phần nguyên nhân đến từ các chính sách “hướng nội” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng trở lại ở một số quốc gia. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Trước cuộc bầu cử ở Mỹ tháng 11 năm ngoái, Việt Nam hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trên cả 2 mặt, hiệu quả vận hành (nhờ nhân công rẻ, vị trí chiến lược và nỗ lực thu hút đầu tư của Chính phủ) và lợi thế chiến lược kỳ vọng (nhờ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP).

Tuy nhiên, bước vào năm 2017, Việt Nam không còn lợi thế chiến lược kỳ vọng và chỉ còn dựa vào lợi thế hiệu quả vận hành. Nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư và lắng nghe các doanh nghiệp trong năm qua là rất đáng khích lệ. Thế nhưng, nó không đủ để thay thế sự mất đi lợi thế chiến lược kỳ vọng mà TPP đã từng mang lại cho Việt Nam.

Điều đáng lưu ý là các nước có lợi thế lao động giá rẻ dồi dào như Ấn Độ, Indonesia…, cũng đang có những cải cách ấn tượng. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép các nước phát triển và cả Trung Quốc không phải chuyển các hoạt động sản xuất công nghiệp ra nước ngoài ồ ạt khi giá lao động tăng cao như trước đây.

Để thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ trong thời gian tới, Chính phủ cần tạo nên lợi thế chiến lược kỳ vọng, bên cạnh nỗ lực hiện tại trong cải thiện lợi thế vận hành. Lợi thế chiến lược kỳ vọng chỉ có được khi Việt Nam có được một chiến lược cải cách và phát triển mạnh mẽ cho 10 năm tới.

Vậy ông dự cảm thế nào về nền kinh tế trong quý II này, thưa ông?

Nếu dựa vào số liệu thống kê trong 10 năm qua và nhận định đưa ra về kinh tế trong quý I, tôi cho rằng, tăng trưởng quý II cũng sẽ không mạnh, ở mức dưới 5,6%. Theo đó, mức tăng trưởng GDP cả năm ở mức 5,8-6,2%.

Ngọc Nhi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục