Bài toán gọi vốn từ Fortune 500

Việt Nam đang xây dựng chiến lược thu hút các tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn thuộc top 500 thế giới, vào đầu tư.
Việt Nam đã thu hút được một số tập đoàn lớn thuộc top 500 thế giới vào đầu tư. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Foxconn tại Bắc Giang. Ảnh: Đức Thanh Việt Nam đã thu hút được một số tập đoàn lớn thuộc top 500 thế giới vào đầu tư. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Foxconn tại Bắc Giang. Ảnh: Đức Thanh

Gọi Fortune 500 bằng ưu đãi lớn

Cuối tuần trước, Tập đoàn Total (Pháp) đã một lần nữa cùng các đối tác tới Ninh Thuận để chia sẻ về kế hoạch đầu tư Dự án Điện khí LNG Cà Ná. Lần này, ngoài Total, Novatek, Siemens như trước đây, còn có thêm Tập đoàn Dầu khí Nga Zarubezhneft. Và lần này, quy mô dự án được đề cập có vẻ cũng lớn hơn trước. Đó là một cụm 4 nhà máy điện khí, với quy mô 6.000 MW.

Với công suất này, quy mô dự án không chỉ là 1,4 tỷ USD như đã từng được đề cập, mà sẽ lớn hơn nhiều. Tập đoàn Gulf (Thái Lan) cũng từng đề xuất kế hoạch xây dựng Dự án Điện khí Cà Ná, với quy mô tương tự và tổng vốn đầu tư lên tới 7,8 tỷ USD.

Nếu dự án này được hiện thực hóa, Việt Nam đã thành công trong thu hút thêm các tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam. Total hiện đứng vị trí 20 trong danh sách Fortune 500 năm 2019.

Tập đoàn này trên thực tế đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1990, đã đầu tư các nhà máy ở Việt Nam, nhưng quy mô còn nhỏ. LNG Cà Ná là “cuộc chơi” tỷ USD đầu tiên của Total tại Việt Nam.

Trên thực tế, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 30 năm thu hút FDI, Việt Nam đã thu hút được một số tập đoàn lớn thuộc top 500 thế giới vào đầu tư, nhưng con số còn thấp, chỉ cỡ trên 100 tập đoàn.

Thúc đẩy thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, như Apple, Walmart… luôn là mong ước của Việt Nam. Apple hiện đứng vị trí số 11 trong danh sách Fortune 500, còn Walmart thì đứng vị trí số 1.

Để tăng cường thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ có những dịch chuyển quan trọng về chính sách.

Chẳng hạn, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định mức ưu đãi cao hơn để khuyến khích phát triển các dự án đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Theo đó, với các loại dự án này, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi theo quy định của pháp luật, nhưng không quá 50% mức ưu đãi cao nhất.

Trong khi đó, Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030 cũng đã đề cập việc có những ưu đãi cao hơn và tỷ lệ thuận với mức độ thực hiện hoạt động R&D tại Việt Nam để có thể thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới.

Vấn đề không chỉ nằm ở ưu đãi

Chính sách ưu đãi sẽ là một cú hích lớn để Việt Nam có những điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, có một câu hỏi luôn được đặt ra trong thời gian gần đây, đó là vì sao, Việt Nam lại ít kêu gọi được các doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam?

Và câu trả lời là vì, thể chế, chính sách của Việt Nam còn thiếu minh bạch, khó tiên lượng. Chưa kể, chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư cấp cao. Đó cũng chính là lý do khiến ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ hay Nhật chưa chắc đã chọn Việt Nam, dù dòng đầu tư của họ đang có dịch chuyển lớn.

“Các doanh nghiệp, chuỗi sản xuất có công nghệ phát triển như Mỹ, Nhật thường tính toán rất kỹ trước khi rót vốn. Chọn Việt Nam hay quốc gia nào còn phụ thuộc vào thể chế, cũng như tiềm năng lao động”, ông Thành nói.

Trong khi đó, dù nỗ lực cải cách là rất lớn, song các nhà đầu tư nước ngoài nhiều lần chỉ ra rằng, có rất nhiều “vấn đề” đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Theo bà Amada Rasmussen, Chủ tịch Amcham, sự thay đổi thường xuyên các quy định và chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. “Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư đã buộc phải dừng hoạt động kinh doanh đã được cấp phép do sự xuất hiện của các quy định mới”, bà Amada Rasmussen nói.

Bà Amada cũng đã nhắc đến việc các doanh nghiệp phải chịu quá nhiều cuộc thanh, kiểm tra về thuế, mà đôi lúc không phù hợp với luật thuế Việt Nam. “Chính sách thuế và việc triển khai công bằng là yếu tố quan trọng để thu hút những nguồn đầu tư mới, đồng thời giúp duy trì và phát triển các nguồn đầu tư hiện có”, bà Amada nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Kim Han Yong, Chủ tịch Kocham lại nhắc đến câu chuyện của Estec (Phú Thọ) để nói về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo ông Kim Han Yong, vào tháng 6 vừa qua, Estec đã quyết định đầu tư một dự án nhỏ, quy mô 8 triệu USD ở Phú Thọ, dựa trên tài liệu kêu gọi đầu tư từ năm 2015 của tỉnh này. Tuy nhiên, tỉnh Phú Thọ đã đột ngột thay đổi khu công nghiệp mà Estec dự định đầu tư ở đó trở thành cụm công nghiệp, khiến Estec không thể trở thành doanh nghiệp chế xuất để thực hiện các kế hoạch đầu tư. Mọi thứ trở nên dang dở, khiến nhà đầu tư nản lòng.

Một nhà đầu tư nhỏ còn nản lòng như vậy, thì liệu tập đoàn lớn sẽ thế nào? Đó là câu hỏi cần có lời giải đáp, nếu Việt Nam thực sự muốn thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn.

Số lượng nhà đầu tư thuộc Fortune 500 tại Việt Nam chưa nhiều

Một số tập đoàn trong danh sách Fortune 500 đã đầu tư vào Việt Nam gồm: Samsung, Foxconn, Ford, Mitsubishi, General Electric, Honda, Microsoft, Itochu, Nissan, Siemens, SK, Nestle, Bosch, Hyundai, HSBC, LG, Posco, Sanofi, Hanwha, Sumitomo, Coca-Cola, Toshiba, Heineken, CJ…

Đặc biệt, trong top 10 Fortune 500, hiện đã có BP, Toyota đầu tư vào Việt Nam. ExxonMobil đang lên kế hoạch với dự án khai thác mỏ Cá Voi Xanh, còn Walmart đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng Việt.

Trong khi đó, Apple từng lên kế hoạch đầu tư một trung tâm dữ liệu ở Việt Nam với quy mô vốn 1 tỷ USD, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục