Bài toán giá điện - Sao cho vừa lòng tất cả...

0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu thị trường trong ngành điện gặp nhiều khó khăn khi chưa thể tách bạch an sinh xã hội, bù chéo trong giá điện…
Phương án tính giá điện vẫn là bài toán khó đối với Bộ Công thương. Phương án tính giá điện vẫn là bài toán khó đối với Bộ Công thương.

Không tăng giá điện trong năm 2020, không chấp nhận phương án điện 1 giá, hay việc vẫn chưa thể tách bạch an sinh xã hội, bù chéo trong giá điện… khi được xếp đứng cạnh nhau sẽ tiếp tục khiến cho mục tiêu thị trường trong ngành điện gặp nhiều khó khăn.

Được quyền chọn cũng không thích

Quyết định rút lại 2 phương án tính giá điện đồng giá (Phương án 2A và 2B) của Bộ Công thương sau gần chục ngày lấy ý kiến của dư luận dẫu thể hiện sự lắng nghe, nhưng cũng cho thấy không dễ chiều ý dân, nhất là khi giá điện là vấn đề nhạy cảm và sát sườn với dân sinh như giáo dục, y tế.

Cần phải nói rõ rằng, hiếm có lần nào, việc xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lại được Bộ Công thương thực hiện bài bản về quy trình như lần này với thời gian ròng rã gần 2 năm qua và có sự tham gia xây dựng của tư vấn độc lập, đóng góp ý kiến phản biện của các chuyên gia độc lập.

Quá trình này đã giúp Tổ công tác xây dựng giá điện chọn ra phương án 5 bậc thang cho giá bán lẻ điện sinh hoạt, thay cho 6 bậc trước đây và đã có sự sắp xếp lại mức độ chênh lệch về giá của các bậc thang lẫn khoảng cách các bậc để thực hiện mục tiêu dùng nhiều điện thì tiền điện tăng tương ứng với tỷ lệ tăng số điện sử dụng thực tế.

Đã có 154 cơ quan, đơn vị gồm các cơ quan thuộc Quốc hội; các bộ, ngành, tổ chức; đoàn đại biểu Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; EVN và các tổng công ty điện lực được Bộ Công thương hỏi ý kiến về các phương án giá điện và có 130 ý kiến phản hồi, trong đó có 111 ý kiến đồng ý phương án 5 bậc và chỉ có 1 ý kiến đồng ý 1 bậc.

Ngay cả việc bổ sung phương án điện 1 giá để lấy ý kiến ở vòng mới cũng là rất cầu thị và nhanh chóng, xuất phát từ đề nghị của UBND TP.HCM và sự chỉ đạo nghiên cứu của Chính phủ hồi tháng 5/2020, với mục tiêu người dân có thêm nhiều lựa chọn trong lúc trả tiền điện.

Song, trái với sự hồ hởi, chờ mong của nhiều người dân về giá điện rẻ ở phương thức điện 1 giá, các phương án 2A và 2B về điện 1 giá được tính toán đã cho ra mức giá lên tới 145-155% giá bán lẻ điện bình quân được quy định hiện hành (1.846,44 đồng/kWh).

Rất nhanh sau khi biểu giá điện 1 giá được công bố, nhiều chuyên gia, người tiêu dùng đã bức xúc, chỉ trích phương án này mà không biết rằng, đấy chỉ là một trong các phương án mà mình được quyền lựa chọn.

Cần phải nói thêm, khi đưa ra phương án điện 1 giá, Tổ công tác đã giải thích khá rõ về việc chỉ có các khách hàng sinh hoạt tiêu thụ trên 700 kWh/tháng trở lên mới được hưởng lợi khi chọn phương thức trên, lẫn thông báo tỷ trọng khách hàng này chiếm chưa đến 3% trong tổng số hơn 28 triệu hộ đang dùng điện trong cả nước.

Tuy nhiên, các thăm dò ở nhiều nơi đều cho thấy, tới 70% số lượng người tham gia bình chọn đã không chấp nhận phương án 1 giá điện.

Dĩ nhiên, với diễn biến này, việc rút phương án điện 1 giá mà Bộ Công thương chọn trong cuộc họp ngày 18/8 do chính Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì với sự tham gia của đông đảo báo chí, là một bước lùi khôn ngoan để không tạo ra dư luận xấu về cách điều hành của Bộ trong vấn đề nhạy cảm như điện.

Thách thức cải tiến tổng thể

Như vậy sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài phương án 5 bậc với điện sinh hoạt hiện tại đang được nhiều chuyên gia và các bên ủng hộ. Nhưng ngay cả phương án này cũng vẫn không làm hài lòng mục tiêu được dùng điện giá rẻ và thoải mái của đông đảo người dân, nhất là khi thời tiết nắng nóng.

Với quan niệm vẫn còn rất phổ biến là “dùng càng nhiều điện, giá càng phải rẻ”, có thể thấy, vấn đề tuyên truyền về tiết kiệm điện - hàng hoá vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hoá thạch, không tái tạo được, đã có sự buông lơi tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Điều cũng cho thấy rõ rằng, nếu chỉ tập trung vào cải tiến biểu giá điện sinh hoạt hiện tại thì việc cải tiến vẫn chưa triệt để, chưa tổng thể.

Thống kê của Bộ Công thương cho hay, điện sinh hoạt hiện chiếm khoảng 28% tỷ trọng sản lượng của toàn bộ các đối tượng dùng điện. Phần còn lại được nắm giữ bởi nhóm khách hàng sản xuất là 59,1%, kinh doanh chiếm 6,6%, hành chính sự nghiệp chiếm 3,8%.

Với thực tế, việc tính toán giá điện cho các đối tượng vẫn dựa trên cơ sở cơ cấu này và phải đảm bảo tổng doanh thu không đổi theo giá bán lẻ điện bình quân được phê duyệt, thì việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chỉ là loay hoay giữa các bậc thang để đảm bảo khoản doanh thu nhất định trong tổng doanh thu từ bán điện.

Là một trong những chuyên gia tư vấn về xây dựng biểu giá điện, Giáo sư Bùi Xuân Hồi, bộ môn kinh tế năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, biểu giá điện hiện nay vẫn còn có sự bù chéo giữa các đối tượng dùng điện và cần thiết phải xoá bỏ điều này, cho dù mức bù chéo không phải lớn như nhiều người lầm tưởng.

“Điều cần thiết bây giờ là phải làm lại tổng thể biểu giá điện cho toàn bộ các hộ dùng điện trong nền kinh tế, chứ không phải loay hoay sửa cho từng thành phần trong nền kinh tế như cách đang đi”, ông Bùi Xuân Hồi nói.

Với thực tế cơ cấu nền kinh tế đã có nhiều thay đổi trong các năm qua, hay như việc đưa giá điện của khối dịch vụ về bằng khối sản xuất để phát triển lĩnh vực này… việc sửa đổi tổng thể biểu giá điện ngày càng trở nên cấp bách.

Khi sửa tổng thể biểu giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo năng lực tài chính cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất điện, có vậy mới đủ sức thu hút đầu tư vào làm điện, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, khuyến khích tiêu dùng điện hiệu quả, tránh lãng phí đầu tư của hệ thống là điều vẫn cần phải đặt lên hàng đầu.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục