Ngân hàng này đang là nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lớn nhất năm 2014. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV.
Trong bối cảnh các ngân hàng vẫn đang dư thừa vốn lớn, vì sao BIDV đẩy mạnh huy động vốn qua TPDN?
Hoạt động kinh doanh cơ bản của ngân hàng là kinh doanh vốn, trong đó các ngân hàng luôn phải cạnh tranh tìm cách tạo cho mình nguồn vốn có chi phí vốn thấp nhất và sản phẩm đầu tư có hiệu quả cao nhất trong tương quan với các đối thủ cạnh tranh. Để làm được điều này, các ngân hàng phải luôn theo dõi, nắm bắt chính xác, kịp thời diễn biến thị trường trong hiện tại và dự báo được xu hướng phát triển trong tương lai để lựa chọn, phát triển, thực hiện các chiến lược, phương án, sản phẩm, kênh huy động cũng như cho vay phù hợp, đảm bảo an toàn và tận dụng được tối đa các sự dịch chuyển của thị trường trong ngắn, trung và dài hạn để tạo ra hiệu quả cao.
Tại BIDV, chúng tôi cũng luôn phải tính toán như vậy, chúng tôi quyết định thực hiện các phương án, sản phẩm, thời điểm huy động vốn để có được cấu trúc tài sản nợ và tài sản có phù hợp với dự báo thị trường của mình. (BIDV đã thực hiện 3 đợt huy động vốn qua TPDN, gồm 7.300 tỷ đồng trái phiếu 10 năm và 1.500 tỷ đồng trái phiếu 2 năm, đều với lãi suất cố định - PV).
BIDV đã thực hiện 3 đợt huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay
BIDV đã đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu hơn hẳn các ngân hàng khác, đặc biệt là so với các ngân hàng tương đương. Phải chăng BIDV đang có nhu cầu vốn trung và dài hạn cao hơn?
Như tôi nói ở trên thì mỗi ngân hàng cần có bài tính riêng về chiến lược, phương thức, sản phẩm, thị trường, phân khúc khách hàng và thời điểm triển khai các hoạt động kinh doanh phù hợp với đánh giá, dự báo của ngân hàng đó, đồng thời tạo lợi thế cho ngân hàng trong kinh doanh. Điều đó cũng giống như các doanh nghiệp sản xuất phải lựa chọn thị trường, đối tác, công nghệ, nguồn nguyên liệu, phương thức và thời điểm mua bán hợp lý để chi phí đầu vào thấp nhất và giá bán có lợi nhất. Các ngân hàng cũng vậy, việc lựa chọn kênh tài chính nào, sản phẩm nào, cấu trúc tài sản như thế nào của mỗi ngân hàng là khác nhau ở từng thời điểm.
Các ngân hàng có thể tiếp cận nguồn thông tin thị trường khác nhau, hoặc cũng có thể giống nhau nhưng đưa ra phân tích dự báo khác nhau và có hành động lại khác nhau. Thực tế trên thị trường tài chính nói riêng và thị trường kinh doanh nói chung, mọi người cạnh tranh với nhau dựa trên những sự khác biệt đó.
Một số quỹ đầu tư cho biết, họ có nhu cầu đầu tư, nhưng các ngân hàng thường khá kín tiếng trong các đợt phát hành. Theo ông, điều đó có đúng không?
Không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu hết các thị trường tài chính phát triển, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp và ngân hàng thường được thực hiện theo phương thức phát hành riêng lẻ, chứ hiếm khi thực hiện theo phương thức phát hành ra công chúng, vì đối tượng nhà đầu tư hướng đến chủ yếu là các định chế đầu tư tài chính lớn. Vì vậy, thông tin phát hành sẽ không công bố rộng như phương thức phát hành ra công chúng.
Tuy nhiên, các tổ chức phát hành nói chung và BIDV nói riêng cũng phải tuân theo các yêu cầu về công bố thông tin theo quy định của pháp luật và thông lệ thị trường. Đối với riêng BIDV, chúng tôi là tổ chức phát hành thường xuyên, có uy tín trên thị trường nên luôn có mạng lưới và nền tảng các nhà đầu tư lớn quan tâm. Chúng tôi luôn cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật thường xuyên cho các nhà đầu tư đó theo đúng quy định pháp luật và thông lệ thị trường.