Theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm mà Trung Quốc có thể học hỏi lại kinh nghiệm từ Nhật Bản, khi quốc gia này từng phải đối phó với cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào vào những năm 1980. Vậy bài học đó là gì?
Nhật Bản chứng kiến những xung đột trước khi chiến tranh thương mại với Mỹ diễn ra vào năm 1965, khi hàng hóa được sản xuất tại Nhật Bản nhập khẩu vào Mỹ với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Tình trạng thâm hụt thương mại Mỹ - Nhật tiếp tục kéo dài 2 thập kỷ sau đó, đạt đỉnh vào năm 1986 khi hàng hóa nhập khẩu từ Nhật có giá trị tương đương 1,3% GDP Mỹ, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Mỹ bắt đầu có phản ứng tiêu cực trước tình trạng này vào đầu những năm 1970, mà lĩnh vực đầu tiên là thị trường ô tô nhập khẩu. Cụ thể, vào những năm 70, các dòng xe ô tô tiết kiệm nhiên liệu và mẫu mã đa dạng từ Nhật chiếm thị phần lớn tại thị trường xe Mỹ.
Năm 1979, Chrysler – một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ rơi vào tình trạng làm ăn khó khăn, cần 1,5 tỷ USD cứu trợ để thoát khỏi tình trạng phá sản. Hãng xe này, sau đó là nhiều doanh nghiệp Mỹ khác, đột nhiên cùng lên tiếng cho rằng, Nhật Bản đã có những giao dịch thương mại không công bằng với Mỹ, làm tổn hại tới an ninh và công ăn việc làm của người dân Mỹ. Đây cũng chính xác là điều mà các nhà sản xuất Mỹ, cũng như ông Trump đang thực hiện với Trung Quốc.
Trong giai đoạn 1976 - 1989, Mỹ tiến hành 20 vụ điều tra đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản vào Mỹ, tương tự những gì chính quyền của Tổng thống Trump đang thực hiện với hàng hóa Trung Quốc, không chỉ ở lĩnh vực ô tô, mà còn bao gồm thép, viễn thông, dược, chất bán dẫn và nhiều hàng hóa khác.
Trong bối cảnh này, Chính phủ Nhật Bản đã nhường bước và đồng ý hàng loạt các điều kiện “tự kiểm soát” đối với hàng hóa xuất khẩu của mình.
Bất chấp điều này, thâm hụt thương mại Mỹ - Nhật vẫn không giảm. Do vậy, Chính phủ Mỹ tạo áp lực buộc Nhật Bản phải nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn nữa từ Mỹ. Một lần nữa, Nhật có sự điều tiết nhu cầu hàng hóa Mỹ bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ, cổ vũ tiêu dùng trong nước. Với diễn biến này, nhu cầu tiêu thụ trong nước có tăng, đặc biệt tại lĩnh vực bất động sản, nhờ lãi suất cho vay thấp, nhưng lại không tác động nhiều tới nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Điều này dẫn tới làn sóng thứ ba, cũng là cuối cùng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Nhật. Chính phủ Mỹ cáo buộc Nhật Bản thao túng tiền tệ, giữ đồng yên có giá thấp hơn so với USD, tạo lợi thế thương mại không công bằng đối với Mỹ. Cuối cùng, Nhật Bản chấp nhận ký Thỏa ước Plaza vào tháng 9/1985, với sự tham gia của nhóm G5, bao gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh và Pháp, với nội dung giảm giá USD so với đồng yên Nhật và mác Đức. Với thỏa ước này, đồng yên đã tăng giá 88% so với USD trong giai đoạn 1985 - 1988, theo số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Dẫu vậy, thâm hụt thương mại Mỹ - Nhật vẫn không có gì thay đổi. Ngược lại, Nhật Bản chịu trận vì chính sách nới lỏng tiền tệ trong nhiều năm, gây ra bong bóng tài sản, đặc biệt tại thị trường chứng khoán và bất động sản sản, dẫn tới vụ đổ vỡ năm 1989. Hậu quả sau đó là hơn 2 thập kỷ nền kinh tế Nhật Bản trong tình trạng trì trệ.
Sự việc trên cho thấy, dù Nhật Bản đã chấp nhận mọi yêu cầu từ Mỹ, thâm hụt thương mại Mỹ - Nhật vẫn tồn tại. Từ góc nhìn của mình, Bắc Kinh có thể rút ra bài học: Không nên nhún nhường trước áp lực từ Mỹ như Nhật Bản từng làm, và cũng không trở nên phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ như tình thế của Nhật Bản.
Thực tế, Trung Quốc hiện tại đang ở vị thế mạnh hơn nhiều so với Nhật Bản để có thể áp dụng bài học kể trên vào cuộc chiến mình đang phải đối mặt. Trong khi GDP Nhật Bản mới chỉ tương đương 40% Mỹ vào những năm 1980, thì năm 2017, GDP Trung Quốc đã đạt gần 70%, theo IMF.
Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản chưa bao giờ đủ lớn để tạo ảnh hưởng mạnh tới giao thương toàn cầu như Trung Quốc, khi đây đang là thị trường lớn nhất với hàng hóa của hàng loạt quốc gia như Nhật Bản, Australia, Brazil, Nga, Hàn Quốc và Nam Phi.