Bài học chứng khoán năm 2007

(ĐTCK-online) Thị trường chứng khoán thời gian qua có chiều hướng đi xuống, giao dịch trầm lắng, giá chứng khoán giảm mạnh, và thế là xuất hiện một luồng tư tưởng đề xuất “cứu” thị trường. Nào là giãn thời gian IPO, hoãn thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, tăng cho vay đầu tư chứng khoán…
Bài học chứng khoán năm 2007

Cần nhìn rõ một thực tế là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một thị trường còn non trẻ, số lượng công ty niêm yết còn ít và có quy mô nhỏ, tính thanh khoản kém, tính minh bạch và tính chuyên nghiệp chưa cao, hệ thống chưa hoàn chỉnh, chịu nhiều tác động từ các biện pháp quản lý hành chính…

Trong năm 2006 và đầu năm 2007, sự tăng trưởng của thị trường có nguyên nhân chủ yếu từ sự hiểu biết kém cỏi về kiến thức tài chính của nhiều nhà đầu tư cá nhân khi luôn bị chi phối bởi cảm tính và phong trào.

Có một câu chuyện vui rằng, vào một ngày trong năm 1929, khi ông Henry Ford bước vào thang máy của tòa nhà văn phòng thì người điều khiển thang máy nói: “Ông Ford ơi, một người bạn của tôi biết rất nhiều về chứng khoán, có khuyên tôi nên mua cổ phiếu của công ty X, Y và Z. Ông là một người giàu có, ông đừng bỏ qua cơ hội này, hãy mua chúng đi”. Ông Henry Ford cảm ơn người điều khiển thang máy và khi về tới văn phòng, ông cho gọi người môi giới của mình rồi ra lệnh bán hết số cổ phiếu mà ông có. Ông giải thích sau đó: “Nếu một người điều khiển thang máy có thể tư vấn mua bán cổ phiếu, thì bạn cần phải bán hết những cổ phiếu đang có ngay”. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng gần giống như vậy. Khi “nhà nhà mua cổ phiếu” thì đó cũng là lúc giá cổ phiếu chuẩn bị bước vào giai đoạn sụt giảm mạnh.

Với nhiều đợt giá chứng khoán tăng giảm mạnh và bất thường, nhất là đợt giảm giá kéo dài trong những tháng cuối năm, rõ ràng hiệu quả đầu tư chứng khoán trong năm 2007 là không bằng nhiều kênh đầu tư khác, như nhà đất hay vàng, thậm chí đầu tư chứng khoán còn thua cả việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Đó là chưa muốn nói đến sự thua lỗ. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã có một bài học thấm thía trong năm 2007.

Những người được hưởng lợi nhiều chính là những cổ đông chủ chốt của các công ty niêm yết, công ty đại chúng. Sau một vài lần công ty tăng vốn, từ một người bình thường, họ đã trở thành những đại gia giàu có với nhiều tài sản hữu hình. Hãy chú ý tới tỷ lệ cổ phần nắm giữ của họ, đặc biệt là các cán bộ quản lý, như giám đốc, thành viên HĐQT. Chỉ hơn một năm qua, nhiều công ty đã tăng vốn lên gấp hai, gấp ba lần. Nhưng có một thực tế là sau mỗi lần tăng vốn thì tỷ lệ sở hữu của không ít người trong số họ lại giảm đi. Tại sao lại như vậy? Với mỗi lần tăng vốn, các nhà đầu tư đến sau đã phải mua với giá cao gấp nhiều lần mệnh giá, còn các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ thì nhanh chóng bán bớt đi cổ phần của mình để chuyển sang đầu tư nhà đất hay vàng - có mức lời và sự an toàn cao hơn. Những người đến sau đã không kịp hiểu được rằng, cái gọi là giá trị trên thị trường chứng khoán là một khái niệm rất mong manh. Với các giao dịch thứ cấp, đồng tiền chỉ chảy từ túi người này sang túi người khác mà thôi.

Thật ra, nếu đã nói là thị trường, thì hãy để cho thị trường tự quyết định và tự điều chỉnh. Mọi biện pháp hành chính đều không đem lại hiệu quả. Dòng tiền luôn biết chảy tới nơi nào có mức sinh lời tốt hơn. “Đồng tiền luôn có mắt”, đó có thể coi là một chân lý. Để hiểu đúng thực tại thị trường sau hai năm 2006 và 2007, phải tìm lời giải cho câu hỏi: giá chứng khoán đã thực sự hợp lý chưa, đã quá cao để bán ra hay quá thấp để mua vào chưa? Trong thị trường chứng khoán, không có sự khác biệt nhiều giữa đầu tư và đầu cơ. Tất cả đều giống nhau, đó là sự mua bán chứng khoán để tạo ra lợi nhuận. Sự khác biệt duy nhất đó là thời điểm mua bán chứng khoán, tức là lựa chọn được thời điểm có lợi nhuận cao nhất và rủi ro thấp nhất.           

Lê Minh Tuấn
Lê Minh Tuấn

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 -3.94 -0.32% 162,835 tỷ
HNX 235.68 1.1 0.47% 1,903 tỷ
UPCOM 91.71 -0.2 -0.22% 824 tỷ