Bài học cho nhiệm kỳ tới, nhìn từ kết quả giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì kết quả giải ngân đầu tư công năm 2020 rất tuyệt vời.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ - (Ảnh Duy Linh) Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ - (Ảnh Duy Linh)

Chiều 25/3 Quốc hội thảo luận tại tổ về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Toà án nhân dân Tối cao.

Thông tin của cả nhiệm kỳ ngồn ngộn trong hàng trăm trang báo cáo, nhưng hầu hết các tổ thảo luận đều ra về khi chưa đến 16h (bắt đầu thảo luận từ 14h).

Tại tổ thảo luận số 6, gồm 25 đại biểu của bốn đoàn, thời gian thảo luận cũng chỉ đến 15h35, với chưa đến 10 ý kiến tham gia thảo luận.

Điểm chung của các ý kiến đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ này được nêu tại các báo cáo tổng kết, Quốc hội luôn đổi mới, Chính phủ vừa chỉ đạo chống dịch vừa duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tích cực, các cơ quan tư pháp có nhiều cố gắng...Khái quát lại thành công của cả nhiệm kỳ, nhất là trong năm 2020 - năm thành công nhất - có sự vào cuộc của cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Tuy nhiên, một số vị đại biểu cho rằng, báo cáo nào cũng thành tích thì dài mà hạn chế thì ngắn, cần được đánh giá cân bằng hơn để rút ra những bài học, kinh nghiệm quý cho nhiệm kỳ mới.

Cần phân tích rõ nguyên nhân

Với báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh) cho rằng cần quan tâm đến vấn đề giải ngân đầu tư công. Ông Thanh nhấn mạnh tỷ lệ này của năm 2020 là 97,63%, là kết qủa rất tuyệt vời, chưa bao giờ có tỉ lệ cao như thế. Nhưng ông Thanh cho rằng cần phân tích rõ, tại sao giải ngân cao thế, có phải do thể chế, Luật Đầu tư công được sử tác động vào cuộc sống hay là do sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo các cấp, ngành, nhà thầu. Cần phân tích rõ để rút ra bài học quý cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Năm nào cũng đạt kết quả như thế thì GDP còn tăng hơn nữa - ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết, vừa rồi Uỷ ban đi khảo sát sân bay Long Thành và 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam, về cơ bản tiền đã bố trí được, mặt bằng giải phóng rất tốt, nhưng nguồn nguyên liệu cho nhà thầu thì thiếu, không có đất để san lấp mặt bằng.

Vừa rồi chúng tôi cũng đặt vấn đề với Bộ Giao thông vận tải là, nhà thầu không có đất san lập mặt bằng, vướng ở đâu? Bộ Giao thôn vận tải hay Bộ Tài nguyên và môi trường, phải tháo gỡ để các công trình này đi vào hoạt động phục vụ phát triển đất nước - ông Thanh phát biểu.

Cũng quan tâm góp ý báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, bên cạnh những thành tựu thì cũng còn nhiều những vấn đề cần lưu tâm. Chẳng hạn, việc xử lý 12 dự án đại thua lỗ thời gian qua còn chậm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn vướng về thể chế nên không đạt yêu cầu.

Vẫn theo đại biểu Ngân, mong muốn “kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng” chưa đạt được như kỳ vọng. Số lượng doanh nghiệp kinh tế tư nhân lớn vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. “Nhiệm kỳ tới cần phải có những giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân để đất nước có nhiều “đại bàng” hơn nữa”, ông Ngân góp ý.

Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương còn ít có mặt ở "điểm nóng"

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), nhiệm kỳ này của Chính phủ đã để lại nhiều dấu ẩn nổi bật. Chính phủ đã tích cực chủ động, thực hiện cải cách đổi mới, và các thành viên Chính phủ cũng tăng cường đi cơ sở, chỉ đạo sát thực tiễn. “Thủ tướng Chính phủ luôn lên rừng, xuống biển, rất sát thực tiễn cơ sở.

Đặc biệt trước đại dịch Covid-19 Chính phủ rất sát sao, điều hành rất thành công trong thực hiện mục tiêu kép”, đại biểu Hiền nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở tổ thảo luận khác, đại biểu Thào Xuân Sùng (Hà Giang) cho rằng Quốc hội cần đánh giá sâu về tác phong của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu có chức vụ cao.

Tôi vừa đi công tác về, bà con hỏi tại sao dịp Tết vừa rồi các vị đứng đầu bộ ngành, địa phương rất ít có mặt ở những nơi khó khăn của đất nước, có phải do sợ Covid - 19?

Hay trước đó khi miền trung bị mưa lũ, các vị lãnh đạo cao cấp có mặt ở bốn tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất cũng rất ít. "Dân chưa đòi hỏi cân gạo hay con gà mà được động viên đã hạnh phúc rồi" - ông Sùng nhấn mạnh.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục