Sự mất mát này lớn hơn nhiều so với với thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Từ nỗi đau này, NĐT rút ra bài học gì để đương đầu với một năm 2012 còn nhiều thách thức?
Trì hoãn cắt lỗ - vấn đề không chỉ riêng ai
Cắt lỗ - chốt lời (cut loss - take profit) là bài học sơ đẳng đối với bất kỳ NĐT nào khi mới “chân ướt chân ráo” tham gia TTCK. Nhưng thực tế, không phải NĐT nào cũng “thuộc bài”.
Khi quyết định mua vào cổ phiếu, NĐT đặt niềm tin là cổ phiếu đó sẽ tăng giá. Niềm tin này có thể đến từ việc nhận được thông tin nội gián, nghe lời khuyên của chuyên gia hoặc bạn bè hay tự phân tích. Tự tin thường là tốt, nhưng nếu tự tin thái quá không chấp nhận sai lầm cũng chưa hẳn đã hay.
Một hiện tượng tâm lý thường xảy ra, khi giá cổ phiếu quay đầu giảm 5%, NĐT kỳ vọng đây chỉ là “điều chỉnh kỹ thuật”; khi giảm hơn hơn 20%, họ cho rằng đây đã là đáy; khi giảm 50%, họ nghĩ sẽ đầu tư dài hạn; khi giảm 70%, họ buông xuôi hoặc vội vàng cắt lỗ.
Hiện tượng này không phải là căn bệnh của riêng ai. Kinh tế học hành vi đã chứng minh, sự mất mát sẽ đau đớn hơn nhiều so với việc vui sướng khi đạt được cùng một giá trị. Nghĩa là, nếu bạn được 1 triệu đồng thì mức độ vui sướng của bạn sẽ không bằng nỗi đau đớn khi mất cùng 1 triệu đồng. Kinh tế học hành vi cũng chỉ ra một quy luật, con người luôn muốn trì hoãn sự đau đớn, nhưng lại muốn hưởng thụ ngay niềm vui sướng.
Hai quy tắc đó giải thích tại sao NĐT thường trì hoãn “cut loss”, vì họ không muốn chấp nhận sự đau đớn ngay lập tức và thường thiếu sáng suốt đưa ra quyết định khi cổ phiếu giảm giá. Ngoài ra, lý do khác là sự bám víu “chưa bán cổ phiếu thì vẫn chưa bị lỗ”.
Nhìn lại năm 2011, nhiều NĐT hối tiếc vì đã không cắt lỗ kịp thời. Trường hợp điển hình nhất là cổ phiếu DVD của CTCP Dược phẩm Viễn Đông, giờ giá trị chỉ còn là tờ giấy vụn. Nếu tuân thủ kỷ luật, họ đã không phải chịu sự mất mát này, vì trước đó DVD vẫn có thanh khoản. Bài học này cũng đúng với cổ phiếu ngành bất động sản và chứng khoán. Đầu năm 2011, nhiều chuyên gia phân tích đã khuyến cáo về sự khó khăn của hai ngành này khi các tín hiệu ảnh hưởng tiêu cực đã rõ ràng, nhưng không ít NĐT vẫn “cắn răng” chịu đựng và nuôi hy vọng.
Khuyến nghị mua bán của các CTCK có tỷ lệ chính xác không cao
Đầu tư dựa trên dự báo hay chiến lược phản ứng?
Có nhiều phương pháp phân tích để dự báo thị trường và xác định giá cổ phiếu, nhưng cũng không bao giờ dự đoán chính xác những gì sắp diễn ra. Trong bài phân tích của các CTCK không ít lần đưa ra khuyến nghị kiểu như “chúng tôi định giá XYZ là 24.760 đồng/CP, thị giá cổ phiếu này hiện nay là 19.500 đồng/CP, vì vậy chúng tôi khuyên NĐT nên mua”. Nhiều trường hợp sau khi khuyến nghị “mua” thì giá cổ phiếu lại lao dốc.
Giữa tháng 9/2011, chuyên gia có tiếng của một CTCK lớn dự báo, “VN-Index sẽ đạt 530 - 550 điểm vào cuối năm”; còn CTCK của một ngân hàng lớn nhận định, “thị trường sẽ tăng trưởng bền vững đến cuối năm”. Kết quả, cuối năm 2011, VN-Index chỉ còn 351,55 điểm, còn HNX-Index xuống 58,74 điểm.
Thực tế, đối với những NĐT lướt sóng, mua bán theo dự báo thường là một chiến lược không hiệu quả. Quy tắc mua - bán là “phản ứng” (reaction) với những biến động của thị trường, chứ không phải là dự báo. Tức là trước khi mua cổ phiếu, NĐT phải đặt ra những kịch bản giả định về biến động giá cổ phiếu và sửa sai ngay khi kịch bản mong muốn không diễn ra như mong đợi.
Chẳng hạn, khi NĐT dự báo cổ phiếu sắp tăng, nhưng sau khi mua vào giá lại giảm 7 - 8%, thì xác suất cổ phiếu đang “có vấn đề” là rất cao. Việc cổ phiếu đi ngược với kỳ vọng có thể là do thông tin mà NĐT có được chưa đủ hoặc những phân tích chưa chính xác. Lúc đó, phản ứng tối ưu của NĐT là áp dụng kế “Tẩu vi thượng sách”. Việc bán này vẫn có thể sai lầm, nhưng trong điều kiện biến động khó lường của thị trường thì nó còn tốt hơn là đối mặt với những rủi ro phía trước. Sau khi bán, NĐT có thể chờ đợi một con sóng khác hoặc cơ hội rõ ràng hơn ở một cổ phiếu khác.
Hiện nay, người ta đã tạo ra nhiều công cụ và chiến lược để trợ giúp NĐT mua bán trên thị trường, chẳng hạn: các phần mềm phân tích kỹ thuật giúp tìm ra những điểm cắt lỗ - chốt lời; các chỉ báo dao động (momentum) cảnh báo sự đảo chiều giá; các chỉ số đo lường xu hướng (trend), mẫu hình…, giúp đưa ra các quyết định.
Phải thừa nhận một thực tế là động tác cắt lỗ “nói dễ nhưng khó làm”. Do vậy, NĐT cần có một kỷ luật và kỹ năng nhất định. Đầu tư là một cuộc chơi mà phần thưởng chỉ dành cho những người tài năng hơn. TTCK trong năm 2012 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, NĐT cần vượt qua nỗi “tham lam và sợ hãi” để cắt lỗ - chốt lời đúng lúc.