Bãi bỏ xét thưởng thành tích xuất khẩu: DN vẫn “sống khỏe”

(ĐTCK-online) Việc mới đây Bộ Thương mại chính thức công bố bãi bỏ xét thưởng thành tích xuất khẩu có lẽ không phải là điều quá bất ngờ đối với không chỉ các doanh nghiệp (DN) dệt may, bởi đây là một việc làm cần thiết, là một bước để thực hiện cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam.
Mục tiêu lớn nhất của DN là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chứ không phải là các giải thưởng Mục tiêu lớn nhất của DN là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chứ không phải là các giải thưởng

Tổng công ty May Việt Tiến, Tổng công ty Dệt Phong Phú và các công ty Dệt may Thành Công, May Phương Đông, Dệt may Hà Nội... là những DN hầu như năm nào cũng nhận được giải thưởng cho thành tích xuất khẩu của mình, với số tiền thưởng ngày càng tăng. Điển hình là May Việt Tiến, có năm được nhận tới 300 triệu đồng thưởng xuất khẩu. “Đây là nguồn động viên, khuyến khích để DN hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn”, ông Nguyễn Đình Trường, Tổng giám đốc Tổng công ty May Việt Tiến cho biết. Dù vậy, ngay cả khi không có số tiền thưởng này, thì bản thân DN cũng vẫn rất ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm mang về tỷ trọng xuất khẩu lớn và lợi nhuận cao.

Giống như Việt Tiến, Công ty May Phương Đông cũng là DN thường xuyên có tên trong danh sách nhận thưởng thành tích xuất khẩu trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Điều hành Công ty, cơ chế thưởng thành tích xuất khẩu là một nguồn cổ vũ lớn cho Công ty, nhưng khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, thì phải tuân thủ các nguyên tắc của WTO, mặc dù thưởng xuất khẩu không phải là một hình thức trợ cấp như nhiều DN nước ngoài vẫn nghĩ.

Ông Hùng cho rằng, dù có hay không việc xét thưởng xuất khẩu, thì việc mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển những mặt hàng mới, có sự khác biệt cao... vẫn luôn là trọng tâm số một của Công ty, nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đồng quan điểm này, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng, được thưởng xuất khẩu là điều vinh dự, song đây hoàn toàn không phải là điều DN trông chờ khi tham gia xuất khẩu. Hơn nữa, thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, trong thời gian qua, cùng với sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu, các DN dệt may cũng đã làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước qua việc nộp phí hạn ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, tiền thưởng thành tích xuất khẩu chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tức là chỉ chiếm một tỷ lệ rất, rất nhỏ trong tổng doanh thu từ xuất khẩu của các DN.

Thực tế, mỗi DN thuộc bất kỳ ngành hàng nào khi làm ra sản phẩm đều phải tìm cách tiêu thụ và xuất khẩu, nhất là khi sức mua của thị trường trong nước còn thấp. Hiện tại, các DN dệt may vẫn đang nỗ lực tìm hướng đưa sản phẩm ra nước ngoài, gia tăng sử dụng nguyên liệu nội địa, phát triển mặt hàng mới, thị trường mới. Đó mới chính là mục đích cao nhất mà các DN hướng tới. Thưởng thành tích xuất khẩu chỉ có thể coi là một nguồn khích lệ và cổ vũ cho DN. Vì thế, dù có bãi bỏ, thì DN, với sự nỗ lực vốn có của mình, vẫn có thể “sống khỏe”.

Thế Hải
Thế Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 0.0 0.0% 230,739 tỷ
HNX 241.54 0.0 0.0% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.0 0.0% 1,197 tỷ