Bách Hóa Xanh: Tăng nóng, giảm sốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mở 2.140 cửa hàng trong 7 năm nhưng chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh chỉ mất hơn 2 tháng để đóng bớt 251 cửa hàng.
Sau 7 năm ra mắt, chuỗi Bách Hóa Xanh vẫn chưa đạt điểm hòa vốn. Sau 7 năm ra mắt, chuỗi Bách Hóa Xanh vẫn chưa đạt điểm hòa vốn.

Đóng hàng trăm cửa hàng kém hiệu quả

Thời gian gần đây, hàng loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh (thuộc Công ty cổ phần Thế giới di động) có treo biển “Xả kho, bán lỗ” và sau đó đóng cửa. Một số khác thì tạm đóng cửa để nâng cấp. Theo Thế giới di động, từ tháng 4/2022 đến nay, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng này được “tái cơ cấu toàn diện”.

Chỉ trong hai tháng 5 và 6/2022, Thế giới di động đã đóng 251 cửa hàng Bách Hóa Xanh, hiện chỉ còn 1.889 cửa hàng. Trong đó, gần 1.500 cửa hàng đã được thay đổi cách bố trí, sắp xếp để khách hàng mua sắm thoải mái, thuận tiện hơn.

Quá trình tái cơ cấu toàn diện này sẽ còn tiếp tục và dự kiến hoàn tất trong quý III/2022 với mục tiêu chỉ còn giữ lại khoảng 1.700 - 1.800 cửa hàng vào cuối quý. Những cửa hàng bị đóng cửa đều có hạn chế về vị trí và diện tích; tỷ lệ chi phí thuê trên doanh thu quá cao, khó đạt điểm hòa vốn ngay cả khi doanh thu tiếp tục tăng; lợi nhuận từ cửa hàng không đủ bù chi phí kho vận do cách xa trung tâm phân phối.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế giới di động cho biết, trong năm 2022, chuỗi Bách Hóa Xanh tạm ngưng mở mới để tập trung cải thiện quản trị, tăng trải nghiệm khách hàng, chất lượng dịch vụ thu hút người dùng và tối ưu nền tảng quản trị back-end (hệ thống hỗ trợ website hoặc ứng dụng) nhằm chuẩn bị cho chiến lược mở rộng “thần tốc” ra toàn quốc từ 2023. Doanh nghiệp kỳ vọng mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ đồng/cửa hàng có thể đến ngay trong quý III, sớm hơn kỳ vọng ban đầu là cuối năm 2022.

Bách Hóa Xanh ra mắt từ cuối năm 2015, sau đó liên tục mở rộng và đạt 2.140 cửa hàng vào cuối tháng 4/2022 trở thành chuỗi cửa hàng thực phẩm hàng tiêu dùng lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau WinMart và WinMart+ thuộc WinCommerce của Tập đoàn Masan (mã MSN). Tuy nhiên, sau 7 năm ra đời, Bách Hoá Xanh hiện vẫn đang thua lỗ.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Thế giới di động cho thấy, doanh nghiệp có sự tăng trưởng chậm lại, với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 70.804 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.576 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 1% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Trong đó, chuỗi cửa hàng Thế giới di động và Điện Máy Xanh chiếm 80,5% tổng doanh thu của Công ty.

Chuỗi Bách Hoá Xanh, vốn được coi là “cứu cánh” của Công ty trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng mảng điện thoại di động và điện máy đã chậm lại, mang về 12.800 tỷ đồng doanh thu, chiếm 18,1% tổng doanh thu 6 tháng, giảm 4% so cùng kỳ.

Còn nhiều thách thức

Theo ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam rất tiềm năng khi có thị trường gần 100 triệu dân, dân số trẻ, tiêu dùng gia đình đang chiếm 70% quy mô GDP, mức thu nhập bình quân đầu người có thể đạt 5.000 USD vào năm 2025.

Bối cảnh Việt Nam hiện tại cũng đặc biệt hấp dẫn đối với ngành bán lẻ khi cầu tiêu dùng đang phục hồi mạnh trong giai đoạn “bình thường mới”. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2022 ước đạt 486.000 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205.800 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, ông Phú cũng lưu ý, lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là trở ngại đối với nhiều ngành nghề, trong đó có bán lẻ. Sau hai năm đại dịch, cơ cấu sản xuất và tiêu dùng đều đã thay đổi, người dân có xu hướng ưu tiên chi tiêu y tế và lương thực, mua sắm ít đi, “mua sắm không chạm” (mua online) nhiều hơn trực tiếp… Bởi vậy, nhà sản xuất cũng như phân phối phải nghiên cứu hành vi và thói quen của khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp.

Trong khi đó, bản thân Bách Hoá Xanh và Thế giới di động đang có những vấn đề nội tại phải khắc phục.

Ông Phan Như Bách, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, do tiến trình nâng cấp Bách Hoá Xanh diễn ra chậm hơn dự kiến, VNDirect đã hạ dự báo tăng trưởng doanh thu của chuỗi này trong năm 2022 và 2023 xuống mức thấp hơn dự báo trước đó, còn 14% và 12%, tương đương 33.167 tỷ đồng và 44.285 tỷ đồng (chiếm 22,5% và 24,8% tổng doanh thu).

Trong đó, doanh thu mỗi cửa hàng sẽ là 1,25 tỷ đồng/tháng, thấp hơn dự báo trước đó là 1,38 tỷ đồng và thấp hơn mục tiêu 1,3 tỷ đồng của Thế giới di động.

Tại Báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Thế giới di động do Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phát hành hôm 1/8/2022, công ty này cũng cho rằng động thái đóng cửa hàng kém hiệu quả của Bách Hoá Xanh sẽ có tác động tích cực trong dài hạn (làm biên lợi nhuận cốt lõi được mở rộng).

Tuy nhiên, chi phí một lần trong ngắn hạn phát sinh từ việc loại bỏ các cửa hàng hiệu quả thấp sẽ khiến kết quả kinh doanh cả năm 2022 của chuỗi bán lẻ này cũng như của Thế giới di động thấp hơn dự báo hiện tại.

Nhìn sâu xa vào động thái thu hẹp quy mô của Bách Hoá Xanh, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, chuỗi bán lẻ này từng bị khách hàng phía Nam tẩy chay do nâng giá hàng bán quá cao, xoá hạn sử dụng trên mã vạch… và bị lực lượng quản lý thị trường xử phạt.

“Mặc dù sau đó, ông Chủ tịch Thế giới di động lên báo trả lời là chúng tôi không có chủ trương đó, nhưng sự việc này cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp thiếu kiểm tra giám sát. Chính vì “tai nạn” đó mà chuỗi Bách Hoá Xanh đánh mất niềm tin của một bộ phận khách hàng, doanh số giảm sút dẫn đến phải tái cơ cấu”, ông Phú nhấn mạnh.

Nhận định chung về kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam, ông Phú cho rằng, đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển tương xứng. Lý do là đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vốn nhỏ, thậm chí “tay không bắt giặc” khi tới 80% hàng bán tại siêu thị là hàng gửi; tính liên kết, chuyên nghiệp của các siêu thị kém, giá cao hơn chợ dân sinh tới 30 - 40%.

“Động tác cám ơn hay trả lại tiền thừa tế nhị cũng chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, một số siêu thị đòi chiết khấu cao để o ép doanh nghiệp sản xuất, khiến giá bị đẩy lên cao”, ông Phú nói.

Vị chuyên gia khuyến nghị việc tái cơ cấu chuỗi bán lẻ phải đi kèm với xây dựng thương hiệu, lấy lại niềm tin của khách hàng, nếu không doanh nghiệp sẽ nhanh chóng mất khách hàng, mất thị phần.

Bách Hoá Xanh từng bị tẩy chay

Giữa năm 2021, hàng chục cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP.HCM đã bị cơ quan quản lý thị trường kiểm tra sau khi người tiêu dùng phản ánh về việc tăng giá gấp đôi, gấp ba trong bối cảnh đại dịch. Hai cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Sóc Trăng và Buôn Ma Thuột còn bị lập biên bản vì lỗi không niêm yết giá, hoặc giá bán cao hơn giá niêm yết. Sự bức xúc lên đến đỉnh điểm khi xuất hiện làn sóng đòi tẩy chay Bách Hóa Xanh.

Vụ việc đã khiến Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài đã phải thừa nhận tại buổi gặp gỡ trực tuyến các nhà đầu tư hồi tháng 8/2021 rằng “chất lượng dịch vụ đi xuống”. Theo ông Tài, trong đại dịch do quá tập trung vào tăng sản lượng, ưu tiên cung cấp hàng hoá nhanh nhất đến tay người tiêu dùng, trong khi hạn chế nguồn nhân lực (thiếu nhân lực, giãn cách) nên đã ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ.

“Công ty sẽ cố gắng làm thật, làm đàng hoàng, tử tế thì khách hàng sẽ ở lại với mình”, ông Tài khẳng định.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục