Kinh tế tiếp tục khởi sắc
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và cả nước đang phục hồi sau những tác động tiêu cực từ Covid-19, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng tạo, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Bạc Liêu tiếp tục khởi sắc và phát triển ở hầu hết các lĩnh vực.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng 9,03%; thu ngân sách địa phương vượt 29,44% dự toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,15%; nông nghiệp phát triển khá, sản lượng thủy sản tăng 14,55%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13%. Các chính sách an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…
Xác định năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của nửa nhiệm kỳ và tạo đà tăng tốc cho giai đoạn cuối trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt, nên các lĩnh vực kinh tế trong quý I/2023 tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” kinh tế của tỉnh, trong đó duy trì và nhân rộng liên kết chuỗi giá trị cánh đồng mẫu lớn và các mô hình kinh tế hiệu quả (tôm - lúa, tôm - rừng, rừng - tôm), tổng sản lượng quý I/2023 đạt 286.660 tấn, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác trong quý này đạt trên 70.360 tấn và tăng 6,46% so với cùng kỳ.
Hoạt động công thương nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh và tăng trưởng khá trong quý I/2023. Cụ thể, Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 5,42% so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường đạt trên 18.250 tỷ đồng và tăng hơn 26% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc, sản lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng, thủy sản xuất khẩu 18.519 tấn, tăng 5,64% so với cùng kỳ và góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 187 triệu USD, tăng 6,67% so với cùng kỳ.
Phấn đấu GRDP năm 2023 đạt 10%
Năm 2023, Bạc Liêu đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10%/năm, GRDP bình quân đầu người 67,51 triệu đồng/người/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 39.720 tỷ đồng, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 350 - 400 doanh nghiệp, sản lượng thủy sản 507.000 tấn...
Đây là mục tiêu khá cao trong điều kiện nền kinh tế, thị trường có những khó khăn nhất định, nhưng với tinh thần vượt qua thách thức, tìm kiếm cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương và chủ động hội nhập liên kết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đề ra nhiều giải pháp trên các lĩnh vực kinh tế quan trọng, đồng hành chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ rào cản, khó khăn, tạo đà tăng trưởng mới.
Theo đó, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao. Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn; phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch (tôm - lúa, tôm - rừng, rừng - tôm)...
Xây dựng mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất muối; gắn kết giữa người sản xuất muối chất lượng cao với các nhà máy chế biến muối thực phẩm, bao tiêu muối cho diêm dân; đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng muối. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng; phát triển thêm 22 sản phẩm được chứng nhận từ 3 sao trở lên.
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 137-KH/TU ngày 7/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu.
Hỗ trợ duy trì hoạt động ổn định 8 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động, với tổng công suất 469,2 MW. Đồng thời, tạo điều kiện các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, nhất là Dự án điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW, Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141 MW), Dự án Nhà máy điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50 MW) và các dự án nguồn điện và lưới điện khác theo quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch của tỉnh.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng theo quy định. Từng bước phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung đô thị thị xã Giá Rai, thị trấn Ngan Dừa; điều chỉnh quy hoạch chung đô thị TP. Bạc Liêu, thị trấn Hòa Bình, thị trấn Châu Hưng, thị trấn Phước Long... Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn chỉnh và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và điều chỉnh Kế hoạch Phát triển nhà trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông
Một trong những đột phá quan trọng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI xác định là tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, thu hẹp dần khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Năm 2022, Bạc Liêu đạt nhiều thành tựu trong mời gọi, thu hút đầu tư, với việc cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, có 1 dự án vốn đầu tư nước ngoài 18,35 triệu USD. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 9,03%, đứng thứ 4/13 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các dự án hạ tầng được Bạc Liêu chú trọng đầu tư gần đây gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (khởi công tháng 1/2023); cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (2023-2030) mở rộng liên kết các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; cảng cá Gành Hào (270 tỷ đồng), cầu qua sông Gành Hào (650 tỷ đồng); các dự án hạ tầng khu vực tạo tính kết nối liên vùng như tuyến vành đai ven biển kết nối TP.HCM và miền Tây, nâng cấp Quốc lộ 1A (đoạn qua Bạc Liêu dài 63 km)…
Theo Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường bộ quốc gia đi qua tỉnh Bạc Liêu được quy hoạch gồm tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 7,7 km, quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc với quy mô 4 làn xe đầu tư trước năm 2030); tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu đều đang được xúc tiến triển khai.
Đặc biệt, Quốc lộ 91B (đường Nam Sông Hậu), tuyến nối TP. Cần Thơ qua tỉnh Hậu Giang - Sóc Trăng đến TP. Bạc Liêu, đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu dài 13 km từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến giao đường vành đai TP. Bạc Liêu được quy hoạch nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2 - 4 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến nối Quốc lộ 1, TP. Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) qua tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu đến TP. Cà Mau, đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 52 km từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến giáp ranh tỉnh Cà Mau được quy hoạch nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2 - 4 làn xe và đầu tư trước năm 2030…
Định hướng đến năm 2030, Bạc Liêu sẽ trở thành một trung tâm đô thị - công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp hiện đại, phát triển cân bằng và bền vững, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Nam, trục Hành lang kinh tế biển Đông và biển Tây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.