Tăng cường công tác phòng, chống dịch
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành các biện pháp thích ứng an toàn, kiểm soát, khống chế hiệu quả dịch bệnh và chủ động khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn.
Kiểm tra thực tế khu phong tỏa tại khu vực sau Trung tâm thương mại Gành Hào và chợ Kinh Tư thuộc xã Điền Hải (huyện Đông Hải), khóm 5 (phường 1, thị xã Giá Rai) và ấp 18 (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình), ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu ghi nhận những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch của các địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý cách ly ở các khu phong tỏa còn thiếu quyết liệt, chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng người dân chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K”, nên thời gian qua, số lượng F0 phát hiện trong khu phong tỏa có chiều hướng gia tăng.
Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân để nêu cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Đặc biệt, phân công lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định cách ly tại các khu phong tỏa, khu cách ly tập trung, hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm chéo ở nơi tập trung đông dân cư. Bên cạnh đó, rà soát lại những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyên môn, nhân lực để đề nghị ngành y tế hỗ trợ, đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng yêu cầu, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thì phải xử lý nghiêm những người dân không chấp hành quy định; quan tâm giải quyết những nhu cầu thiết yếu của người dân khu phong tỏa; phát huy vai trò của các đội tình nguyện trong việc đi chợ hộ, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những hộ dân thật sự khó khăn để người dân yên tâm cách ly.
Làm việc với TP. Bạc Liêu về công tác phòng, chống dịch, bà Lê Thị Ái Nam, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TP. Bạc Liêu chiếm gần 20% số ca mắc trên toàn tỉnh. “Vì vậy, Thành phố cần tiêm phủ nhanh đủ liều; kiểm tra, giám sát việc xét nghiệm định kỳ đối với người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, Thành phố cần tập trung quyết liệt để khống chế dịch bệnh trên địa bàn đô thị trung tâm; quản lý chặt các khu phong tỏa; tập trung xét nghiệm sàng lọc nơi có nguy cơ cao như chợ dân sinh, các khu nhà trọ...; tăng cường kiểm tra lưu động và xử phạt để nâng cao ý thức phòng dịch của người dân; chuẩn bị tốt các điều kiện và hoàn thành các quy trình để điều trị F0 tại nhà, trước tiên là điều trị thí điểm, sau đó nhân rộng”, bà Nam chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều cũng đã đến kiểm tra thực tế tại khu phong tỏa phòng Covid-19 tại chợ Ngan Dừa, làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thị trấn Ngan Dừa và xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân); kiểm tra công tác tiếp nhận, điều trị F0 tại Trung tâm Y tế huyện Phước Long, khu lắp đặt máy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (do Bệnh viện Chợ Rẫy tặng), khu điều trị chạy thận nhân tạo…
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, cần mạnh dạn thực hiện cách ly y tế, điều trị tại nhà đối với F0 không có triệu chứng nhằm giảm áp lực đối với các cơ sở thu dung, điều trị tập trung. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thật sự.
Đối với huyện Phước Long, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác phòng chống dịch của địa phương khi thời gian gần đây không có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thời gian tới, các xã, thị trấn của huyện Phước Long đa số đều là “vùng xanh”, nên cần chú ý tiếp tục tuyên truyền để người dân luôn nêu cao cảnh giác, tự giác thực hiện nghiêm thông điệp 5K; tăng cường lực lượng giám sát đối với trường hợp cách ly, điều trị tại nhà; quan tâm việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 và củng cố lại mạng lưới y tế cơ sở.
Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp
Cùng với việc tập trung cao độ cho công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, Bạc Liêu tiếp tục triển khai các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, tinh gọn, minh bạch, công khai.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến hết ngày 20/11/2021, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án. Trong đó, có 11 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 9.851,25 tỷ đồng; 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký đầu tư 4.316 USD. Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án (gồm 11 dự án trong nước và 4 dự án đầu tư nước ngoài). Các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đều đảm bảo tiến độ đề ra.
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 2 khu công nghiệp: Khu công nghiệp Trà Kha (94,19 ha) và Khu công nghiệp Láng Trâm (246 ha). Ngoài ra, Tổ hợp Khu công nghiệp Ninh Quới (65 ha) và Cụm công nghiệp Vĩnh Lợi cũng đang được quy hoạch xây dựng. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang là các địa điểm thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn sở hữu bề dày văn hóa, là nơi hội tụ nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Lượng khách du lịch tăng trung bình 22%/năm, tổng thu từ du lịch tăng 20%/năm, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về phát triển doanh nghiệp, trong tháng 11/2021, có 25 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 150 tỷ đồng. Ước 11 tháng của năm 2021, có 298 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn 6.157 tỷ đồng, tuy giảm 22,8% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 26% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế đến cuối tháng 11/2021, toàn tỉnh Bạc Liêu có khoảng 2.880 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 42.775 tỷ đồng.
Có thể thấy, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển doanh nghiệp, nhưng với tinh thần quyết tâm, sự đoàn kết, hỗ trợ, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, Bạc Liêu từng bước khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng an toàn và tập trung các điều kiện, nguồn lực để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Khai thác hiệu quả tiềm năng vùng bán đảo Cà Mau
Bán đảo Cà Mau là vùng đất cực Nam của Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang; trung tâm bán đảo là nơi tiếp giáp giữa ba tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu. Đây là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và thủy sản của cả nước.
Với thế mạnh về kinh tế biển, nuôi trồng, khai thác đánh bắt và chế biến thủy - hải sản là đặc thù, phát triển năng lượng điện sạch, năng lượng tái tạo là trung tâm, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng và cả nước, phát huy tối đa lợi thế so sánh, tăng khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư của các tỉnh nói riêng và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Về hạ tầng, theo quy hoạch đến năm 2025, các dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ Nam Sông Hậu, cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu sẽ được thực hiện. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho Bạc Liêu trong kết nối giao thông, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh Bạc Liêu đóng vai trò là một trung tâm kinh tế của tiểu vùng bán đảo Cà Mau, là đầu mối giao thông kết nối các trục hành lang kinh tế biển Đông và biển Tây của Vùng. Nằm ở trung tâm bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu hứa hẹn là vùng động lực, tạo mối liên kết mật thiết với các tỉnh còn lại để phát triển hiệu quả và bền vững.
Theo đó, Bạc Liêu đang khẩn trương tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tư vấn đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 20/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, làm cơ sở để quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn và Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Vừa qua, tỉnh Bạc Liêu chính thức đóng điện và vận hành thương mại 2 dự án điện gió quan trọng của tỉnh và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đúng tiến độ đề ra. Hai dự án có tổng công suất 120 MW, tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng.
Bạc Liêu sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 13/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, nhất là Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu, các dự án điện gió, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nhà ở và khu đô thị mới…