Bạc Liêu - Điểm sáng tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
Bạc Liêu được xem là điểm sáng tăng trưởng kinh tế khi năm 2023 đạt mức tăng trưởng 7,24%, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thứ 24 cả nước, hoàn thành 18/21 chỉ tiêu đề ra.
Phát triển Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước Phát triển Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước

Phấn đấu thành tỉnh phát triển khá của vùng

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng sản phẩm trên trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Bạc Liêu đạt 34.487,229 tỷ đồng, tăng 7,24% so với cùng kỳ, GRDP bình quân đầu người ước đạt 66,41 triệu đồng/năm.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ của kinh tế địa phương với kết quả tích cực; sản lượng lúa, tôm liên tục tăng và giá trị được nâng lên đáng kể, đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chạm mốc 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,21% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Bạc Liêu được giao 3.900,656 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã thông báo vốn đến các chủ đầu tư để sớm triển khai thực hiện. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch đầu tư công để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc. Thành lập các tổ công tác do Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để thúc đẩy giải ngân.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong giải phóng mặt bằng, nhất là ở các dự án lớn, có tính chất liên kết nội vùng và vùng như Dự án đường Phước Long - Ba Đình, Dự án đường vành đai TP. Bạc Liêu, Dự án đường ĐT 980... Đến cuối năm 2023, Bạc Liêu đã giải ngân đạt gần 95%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 39.735 tỷ đồng, đạt 100,04% kế hoạch.

Bạc Liêu định hướng tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị được chú trọng, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Tỉnh đã tổ chức thẩm định 18 đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, trong đó phê duyệt 9 đồ án. Các cấp, các ngành và địa phương rất nỗ lực trong phát triển đô thị, tỷ lệ đô thị hóa năm 2023 đạt 39% (đạt kế hoạch đề ra). Hiện tỉnh có 12 đô thị, gồm 1 đô thị loại II là TP. Bạc Liêu, 1 đô thị loại IV là thị xã Giá Rai, 10 đô thị loại V.

Bên cạnh đó, tỉnh nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường công tác quản lý nhà ở, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021- 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là tiền đề cho tỉnh đột phá, thu hút đầu tư, tận dụng các nguồn lực để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng và cả nước.

Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

Công tác thu hút đầu tư được Bạc Liêu thực hiện tích cực, thường xuyên. Tỉnh đã triển khai các nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Tỉnh tham gia Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại các nước đó tổ chức, nhằm quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về hình ảnh, môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2023, Bạc Liêu đã cấp mới 3 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 2 quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 192 tỷ đồng; quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận 1 dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 196 dự án (trong đó 180 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 63.129,1 tỷ đồng; 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,509 tỷ USD).

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các tổ chức và cá nhân trên tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Cùng với đó, chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển. Trong năm 2023, Bạc Liêu có 400 doanh nghiệp đăng ký thành lập, đạt 100% kế hoạch, tăng 20,8% so cùng kỳ, với vốn đăng ký là 1.800 tỷ đồng.

Năm 2024, Bạc Liêu định hướng tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo môi trường an toàn, ổn định để thu hút đầu tư.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao nhiệm vụ đầu năm mới, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh, năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2020 - 2025), do vậy, các cấp, các ngành cần tập trung vào các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Phải nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục