Vụ tranh chấp có giá trị không lớn, khoảng 176 triệu đồng cho thiệt hại từ vụ đâm xe ô tô. Tuy nhiên, vụ án lại khá điển hình cho trường hợp khách hàng khai báo sai sự thật, hòng trục lợi bồi thường bảo hiểm.
Án sơ thẩm: đâm bên phải, bẹp bên trái vẫn phải bồi thường
Vụ tranh chấp này bắt đầu từ hơn 1 năm trước, khi khách hàng Đặng Công Hiền mua bảo hiểm xe cơ giới của Bảo Việt Hà Nội cho chiếc Toyota Camry mới 100% vào ngày 29/6/2012 nhưng gặp tai nạn ngay sau đó 2 ngày.
Theo khai báo của khách hàng, khoảng 21h ngày 1/7/2012, khi từ nhà bạn ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) về, lúc đưa xe vào nơi đỗ xe, ông Hiền đã dẫm nhầm chân ga sang chân phanh nên xe đâm vào bức tường nhà điều hành của Công ty Nam Đạt. Ông Hiền đã báo ngay cho Công an huyện Tiên Du và Bảo Việt Hà Nội. Các bên liên quan đã thực hiện các bước giám định thiệt hại sơ bộ.
Trong quá trình giải quyết, Bảo Việt Hà Nội nhận thấy tai nạn không xảy ra như khách hàng khai báo nên từ chối bồi thường. Không chấp nhận, ông Hiền đã khiếu nại và cuối cùng đệ đơn khởi kiện lên TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Tại phiên sơ thẩm, các đương sự đều thừa nhận việc mua bảo hiểm. Vấn đề chỉ là liệu tổn thất của chiếc xe Camry có nằm trong phạm vi bảo hiểm hay không. Theo nguyên đơn, tai nạn là có thật và thuộc vào rủi ro được bảo hiểm nên yêu cầu Tòa án buộc Bảo hiểm Bảo Việt bồi thường tổn thất là 176 triệu đồng căn cứ vào chi phí sửa chữa, chi phí giám định…
Theo Bảo Việt Hà Nội, khi bắt tay vào giám định chi tiết, Bảo Việt phát hiện trên xe có một lớp bụi mờ không phù hợp với tình trạng xe gặp mưa, dấu vết không phù hợp, nhưng khi làm việc ông Hiền chỉ trả lời là “Tôi không biết”.
Ngoài ra, trong vụ án đã có 2 kết luận giám định của cơ quan chức năng là Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công An) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Quốc phòng). Cả hai kết luận này đều chỉ rõ dấu vết trên nắp máy (capo) xe ô tô không phù hợp với dấu vết ở mặt ngoài bức tường nhà điều hành Công ty Nam Đạt.
Bản án sơ thẩm cho rằng, cả Bảo hiểm Bảo Việt lẫn khách hàng đều… có lỗi. Do đó, HĐXX sơ thẩm chia lỗi 70:30, Bảo hiểm Bảo Việt phải bồi thường 70% và khách hàng chịu 30% thiệt hại.
Phúc thẩm: Khách hàng khai báo không đúng sự thật
Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội đề nghị triệu tập đại diện hai cơ quan đã thực hiện giám định, bởi kháng cáo của bị đơn và tranh cãi giữa 2 bên đương sự chủ yếu tập trung vào hai kết quả giảm định. Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định tiếp tục làm việc.
HĐXX đã thẩm vấn 2 bên đương sự về các tình tiết của việc mua bảo hiểm, vụ tai nạn, quá trình giải quyết bồi thường… Nguyên đơn Đinh Công Hiền khẳng định, khi tai nạn xảy ra trên xe chỉ có một mình ông và tại hiện trường Công ty Nam Đạt không có ai chứng kiến vụ tai nạn.
Về kết luận giám định, ông Hiền cho rằng cả hai kết luận đều không khách quan, không phản ánh được bản chất, không phân tích các dấu vết trên tường có phù hợp chiều cao của xe hay không… Luật sư bảo vệ nguyên đơn đề nghị Tòa phúc thẩm bác 2 kết luận giám định và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị đơn Bảo hiểm Bảo Việt giữ nguyên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng, bản án xét xử không khách quan, quá trình xét xử không xem xét bản chất sự việc, hồ sơ Bảo hiểm Bảo Việt cung cấp và 2 kết luận giám định cũng như không áp dụng quy định về kinh doanh bảo hiểm khi xét xử.
Bị đơn đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của ông Hiền vì có nhiều mâu thuẫn giữa lời khai với thực tế hiện trường, trong khi nguyên đơn cũng không giải thích được kết luận giám định, nhưng khẳng định có vụ tai nạn ô tô như khai báo.
Sau khi xem xét nghiên cứu tài liệu trong hồ sơ, được thẩm tra và tranh luận tại Tòa, HĐXX nhận thấy trong 2 buổi làm việc giữa Bảo hiểm Bảo Việt với ông Hiền thì ông Hiền không giải thích được một số vấn đề như: theo khai báo tai nạn xảy ra khi mưa to nhưng trên xe có rất nhiều bụi bẩn, vị trí xe bị bẹp với vị trí trên tường không trùng khớp…
Xét thấy Bảo hiểm Bảo Việt đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định về bảo hiểm, các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan công an, viện kiểm sát, Bộ Quốc phòng đã thu thập chứng cứ đúng quy định của pháp luật. Hai kết luận giám định là khoa học, khách quan và đủ cơ sở kết luận không có tai nạn xảy ra vào 21h ngày 1/7 tại bãi cát thôn Cao Đình, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, Bắc Ninh như khai báo của ông Hiền. Do đó yêu cầu khởi kiện của ông Hiền không có căn cứ để chấp nhận.
Mặc khác, tại phiên phúc thẩm, ông Hiền khai nhận xe không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giao thông phương tiện cơ giới đường bộ (đăng kiểm) hợp lệ áp dụng khi xe đang tham gia giao thông. Do đó, thuộc trường hợp ngoại trừ bảo hiểm tại Quy tắc bảo hiểm. Tòa phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng cáo của Bảo hiểm Bảo Việt, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hiền. Án phúc thẩm có hiệu lực từ ngày tuyên án.
>>Bảo Việt Nhân thọ bảo hiểm cho nhà báo Hồng Sen
>>Tranh chấp bảo hiểm của Bảo Việt, những khúc mắc sau một bản án