Ba xu hướng toàn cầu mới trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thích ứng hơn, nhân văn hơn và phát triển xanh hơn là 3 xu hướng mới được VCCI chỉ ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần thứ 25 tổ chức sáng nay 19/3.
Ba xu hướng toàn cầu mới trong năm 2023

Sáng nay 19/3, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần thứ 25 đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022 là một năm kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen, song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%, GDP bình quân/người hơn 4.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,5%; trong đó, vốn FDI giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, đã có hơn 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tăng 19,8%. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với các tín hiệu khả quan nêu trên, vị trí của Việt Nam trên hàng loạt các bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể, nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình phát triển xanh và bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành: Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Nhật Bắc)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Nhật Bắc)

Đặc biệt hơn, Hội nghị lần này tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập và phát triển của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam. Trong suốt hành trình đó, Diễn đàn đã luôn bám sát mục tiêu và nhiệm vụ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam. Thông qua Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp đã phản biện, đưa ra nhiều khuyến nghị có giá trị để hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, theo nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cũng như trong nước, năm 2023 là một năm đầy khó khăn đối với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, đó là những vấn đề như cạnh tranh chiến lược các nước lớn; xung đột quân sự; chiến tranh thương mại; ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu; cùng với tình trạng lạm phát tiếp tục ở mức cao; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia; nguy cơ bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng...

Ở trong nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn từ sức ép của lạm phát, tỷ giá, lãi suất, rủi ro trong gián đoạn chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh khốc liệt trên các thị trường xuất khẩu và kể cả trên chính sân nhà Việt Nam. Cùng với đó, là những vấn đề liên quan tới thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó dự báo.

Năm 2023 và những năm tới sẽ có những chuyển đổi lớn trên bình diện toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới những xu hướng toàn cầu này:

Xu hướng thứ nhất là xu hướng thích ứng tốt hơn. Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tình hình thế giới và khu vực năm 2023 dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Trong khi đó, biến đổi khí hậu là một nguy cơ toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Chính vì vậy các hoạt động đầu tư kinh doanh cần phải chú trọng tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu tốt hơn với những bất trắc và nguy cơ.

Xu hướng thứ hai là xu hướng phát triển nhân văn hơn, vì con người hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay chúng ta thấy một xu hướng rất rõ là quan tâm đến con người, quan tâm đến sức khoẻ hơn. Một số ngành nghề sẽ trở nên quan trọng hơn nữa như như y tế, chăm sóc sức khoẻ. Các sản phẩm công nghệ cũng hướng đến phục vụ tốt hơn cho cuộc sống con người.

Xu hướng thứ ba là xu hướng phát triển xanh hơn. Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, nhiều quốc gia hiện đang theo đuổi mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Các thị trường quốc tế lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu ... đều đưa ra những tiêu chuẩn cao về sản phẩm “xanh”. Các tổ chức quốc tế hiện nay ưu tiên vốn tín dụng cho các dự án xanh, thân thiện với môi trường.

Đầu tư FDI thời gian tới của Việt Nam sẽ phải chú trọng chọn lọc các dự án có công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ cao. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh để tiếp cận các thị trường và nguồn vốn tín dụng xanh. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cần phát triển để không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển khu vực tư nhân bền vững.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục