Ba vấn đề thị trường cần sự thay đổi

(ĐTCK-online) CTCK với vai trò là đơn vị quản lý khách hàng trực tiếp nhưng lại không được phép cấp tín dụng bằng tiền cho NĐT để kinh doanh làm cho công tác quản lý khách hàng trở nên kém linh hoạt.
Việc CTCK cấp ín dụng cho nhà đầu tư vẫn diễn ra dưới hình thức này hình thức khác. Việc CTCK cấp ín dụng cho nhà đầu tư vẫn diễn ra dưới hình thức này hình thức khác.

TTCK Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hội nhập với TTCK quốc tế. Để thị trường phát triển theo hướng bền vững, có chất lượng, tạo sự công bằng giữa các NĐT và trở thành kênh huy động nguồn vốn dài hạn chủ yếu cho các doanh nghiệp, cần có những bước mở cho thị trường và thay quan điểm luôn “lo ngại” thái quá về những rủi ro  của thị trường. Vậy, thị trường đang đòi hỏi những thay đổi gì? Xin đưa ra một số quan điểm như sau:

 

Nên cho phép CTCK được thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng bằng tiền cho NĐT vay vốn để kinh doanh chứng khoán với tài sản đảm bảo chính là chứng khoán mà NĐT đã mua.

Theo quy định hiện nay thì chỉ có ngân hàng mới có chức năng cấp tín dụng cho NĐT. Việc CTCK với vai trò là đơn vị quản lý khách hàng trực tiếp nhưng lại không được phép cấp tín dụng bằng tiền cho NĐT để kinh doanh làm cho công tác quản lý khách hàng trở nên kém linh hoạt và chưa đáp ứng được nhu cầu của NĐT. Chính vì vậy, thực tế hiện nay, nhiều CTCK đã “lách luật” bằng các hợp đồng hợp tác để “cung cấp tín dụng” cho NĐT. Do đó, việc này nên được hợp thức hóa và có quy chế quản lý minh bạch, công khai. Nếu CTCK dùng vốn tự có của mình hoặc vốn do các tổ chức và cá nhân khác ủy thác để cho NĐT vay tiền kinh doanh chứng khoán thì điều này hoàn toàn hợp lý và chỉ nên cấm CTCK không được thực hiện nghiệp vụ huy động vốn để cho vay.

 

Mua và bán cùng một loại chứng khoán trong cùng một ngày

Theo quy định hiện hành, khi NĐT mua chứng khoán trên thị trường niêm yết thì phải sau khoảng thời gian T+4 cổ phiếu mới về tài khoản, lúc đó NĐT mới được phép bán cổ phiếu. Quy định này thực tế không giúp cho các NĐT có xu hướng đầu tư dài hạn hơn trên TTCK và cũng không có tác dụng chống hoạt động “làm giá” trên thị trường. Vì T+0 hoặc T+4, không có ý nghĩa về mặt thời gian đối với một NĐT dài hạn nắm giữ cổ phiếu từ vài tháng tới vài năm trở lên. Do vậy, việc hạn chế NĐT mua và bán cổ phiếu trong cùng một ngày không chỉ bất lợi đối với sự phát triển thị trường mà còn khiến hiện tượng “lách luật” ưu đãi cho khách hàng VIP bùng phát tại các CTCK, tạo sự mất bình đẳng giữa các khách hàng và là rào cản đối với NĐT trong việc sửa chữa những “sai lầm” khi ra quyết định đầu tư. Về lý, thì khi NĐT đã thực hiện giao dịch mua chứng khoán và khớp lệnh thành công thì quyền sở hữu và định đoạt chứng khoán đã thuộc về họ, họ được phép toàn quyền quyết định đối với tài sản của mình ngay lập tức. Do đó, cần cho phép các NĐT mua và bán chứng khoán trong cùng một ngày. Nếu muốn NĐT phải giữ chứng khoán lâu hơn trước khi bán thì có thể điều chỉnh biên độ dao động cho phù hợp.

 

Phát triển thêm dịch vụ: Cho NĐT vay chứng khoán để kinh doanh

Xuất phát từ nhu cầu có thật trên TTCK, một số NĐT đang có chứng khoán nhưng chưa có nhu cầu bán và một số NĐT có nhu cầu bán chứng khoán nhưng lại không có chứng khoán. Dịch vụ cho vay chứng khoán cần được phát triển để đáp ứng nhu cầu của 2 đối tượng này. Người cho vay sẽ được hưởng lãi suất, còn người đi vay sau thời gian nhất định phải trả cả chứng khoán và tiền lãi cho người cho vay, người đi vay cũng phải có tài sản đảm bảo nhất định để đảm bảo cho khoản vay. CTCK là đơn vị trung gian để thực hiện và quản lý các giao dịch nêu trên.

Dịch vụ này nếu được cho phép thực hiện sẽ tạo điều kiện cho TTCK luôn sôi động, kể cả khi thị trường tăng điểm hoặc giảm điểm. Một số quan điểm cho rằng với hình thức này là “bán khống” gây rủi ro cho thị trường, theo tôi là không chính xác. Hình thức này hoàn toàn khác với “snake short sell”, tức là bán khống chứng khoán khi NĐT không có chứng khoán, dịch vụ mà hiện nay nhiều quốc gia đang hạn chế. Việc cho vay giữa các NĐT phải trên cơ sở đồng ý giữa 2 bên là người cho vay và người đi vay, không phải NĐT nào cũng có thể vay được chứng khoán để bán và các NĐT đi vay chứng khoán đều phải có tài sản đảm bảo, khi số tài sản đảm bảo nêu trên không còn đủ số dư thì sẽ bị CTCK thực hiện các biện pháp “xử lý” để bù đắp rủi ro. Các NĐT khi vay được chứng khoán để bán cũng phải cân nhắc thời gian phải mua vào để trả lại chứng khoán, nên không dễ để có hoạt động bán chứng khoán ồ ạt dẫn tới thị trường giảm điểm mạnh như nhiều người lo ngại. Một điều quan trọng nữa là những NĐT có chứng khoán cho vay, do họ không có nhu cầu bán chứng khoán cho dù thị trường sẽ giảm điểm, nên việc chứng khoán giảm điểm không có nhiều ý nghĩa với họ, trong khi họ vẫn có thể hưởng lãi suất từ hoạt động cho vay chứng khoán này.

Nguyễn Hồng Hải, Nguyên Phó tổng giám đốc OCEAN BANK
Nguyễn Hồng Hải, Nguyên Phó tổng giám đốc OCEAN BANK

Tin cùng chuyên mục