Ba rủi ro mà nhà đầu tư bất động sản châu Á – Thái Bình Dương phải đối mặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản châu Á - Thái Bình Dương vẫn tốt, nhưng theo Savills, thị trường này cũng đang tiềm ẩn những rủi ro cho các nhà đầu tư.
Dù rất tiềm năng nhưng thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Ảnh: Shutterstock. Dù rất tiềm năng nhưng thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Ảnh: Shutterstock.

Dữ liệu từ Savills Prospects cho thấy hoạt động huy động vốn đầu tư bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 6% vào năm 2022.Trong khi đó, mức giảm này tại Bắc Mỹ là 15% và tại Châu Âu là 28%. Tổng số vốn đầu tư tại châu Á cũng chiếm thị phần cao hơn trong tổng số vốn huy động toàn cầu.

Trong báo cáo thị trường mới nhất, Savills cũng đã nêu ra các rủi ro chính mà nhà đầu tư phải đối mặt khi rót tiền vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương.

Rủi ro về cấu trúc

Theo Savills, số hóa hiện đã mang tới sự thay đổi lớn về cấu trúc thị trường trên hầu hết các khu vực. Điện toán đám mây, mua sắm điện tử, video trực tuyến và mạng xã hội đang khiến chúng ta tham gia vào các hoạt động trực tuyến nhiều hơn từng ngày. Xu hướng này thậm chí được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời đại dịch và được dự kiến sẽ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Ví dụ, tại Hàn Quốc - một trong số những thị trường mua sắm bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới - được ghi nhận có tới 37% giao dịch được thanh toán trực tuyến trong năm 2022, con số này dự đoán sẽ tăng lên đến 45% trong 5 năm tới. Ở các thị trường khác, thương mại điện tử được đánh giá là lĩnh vực rất tiềm năng, thậm chí sẽ còn có thể ghi nhận nhiều dư địa phát triển. Bán lẻ trực tuyến phát triển sẽ thúc đẩy thêm sự chú ý của các nhà đầu tư vào các phân khúc trung tâm dữ liệu và ngành logistics, thay đổi bộ mặt của ngành bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ trực tiếp.

Thêm vào đó, ESG (Môi trường - xã hội - quản trị) đang ngày một trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp, đây cũng được coi là một trong số những biến số có khả năng tác động tới khung pháp lý cũng như cấu trúc các hoạt động đầu tư.

Rủi ro về chu kỳ

Savills cho rằng lạm phát là rủi ro có tính chu kỳ mà các nhà đầu tư bất động sản không chỉ tại Châu Á mà trên toàn thế giới đang phải đối mặt. Việc lãi suất tăng mạnh trong thời gian trước đã đẩy giá bất động sản lên cao. Về mặt tích cực, lạm phát đang giảm. Tại Úc, lạm phát đã giảm xuống mức 6,8% vào tháng 3/2023 từ mức đỉnh 8,4% vào tháng 12/2022.

Tuy nhiên, lãi suất vẫn ở mức cao, đi kèm với sự leo thang của chi phí vật tư và lao động sẽ tiếp tục là những vấn đề lớn mà các nhà đầu tư cần quan tâm. Lãi suất cao đồng thời mang tới rủi ro cho đà tăng trưởng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 2,7% trong năm 2023, từ mức 3,2% năm 2022 và 6% vào năm 2021. Nếu tình trạng lãi suất cao còn kéo dài, nguy cơ kìm hãm tăng trưởng sẽ tiếp tục hiện hữu.

Rủi ro từ các vấn đề nội tại của thị trường

Theo Savills, thị trường bất động sản luôn phải đối mặt với rủi ro cung vượt cầu, vốn là lý do chính của tình trạng kém sôi động trong lĩnh vực này. Cung vượt cầu là vấn đề tại nhiều thị trường và phân khúc khác nhau. Đơn cử như thị trường bán lẻ tại Trung Quốc.

Ngoài ra, các rủi ro về thị trường khác bao gồm khung pháp lý. Cũng tại Trung Quốc, các nhà đầu tư bất động sản phải chú ý hơn tới các chính sách của chính phủ. Dù đã có động thái nới lỏng các hạn chế tài chính, cuộc khủng hoảng bất động sản tại quốc gia này cũng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trong khi tại các quốc gia đang phát triển như Indonesia, các nhà đầu tư cần chú ý về tính minh bạch của thị trường. Tiếp đó là tính ổn định chính trị, ví dụ sự bất ổn về chính trị tại Thái Lan tiếp tục là rào cản lớn đối với vấn đề đầu tư.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục