Ba phương án tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK-online) Hiện có 3 phương án tái cấu trúc thị trường được UBCK tính đến. Một là thành lập Sở GDCK duy nhất; hai là thành lập công ty mẹ và 3 là giữ nguyên như hiện nay.
TTCK Việt Nam đã có những bước tái cơ cấu rất mạnh trong 10 năm qua (Ảnh: Hoài Nam) TTCK Việt Nam đã có những bước tái cơ cấu rất mạnh trong 10 năm qua (Ảnh: Hoài Nam)

“Khi đến Việt Nam vào năm 2009, tôi không nhận thấy sự khác biệt giữa cổ phiếu niêm yết trên hai Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM. Thật khó nhận biết đâu là cổ phiếu blue-chip để đầu tư”, ông Hannes A.Takacs, chuyên gia tái cấu trúc thị trường nói khi được yêu cầu nhận định về thực trạng TTCK Việt Nam.

Việc chưa phân định rõ chức năng của các thị trường chỉ là một trong rất nhiều tồn tại đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc TTCK Việt Nam trong chiến lược phát triển thị trường đến năm 2020.

Yêu cầu thay đổi

Mười năm qua, thị trường đã có những bước tái cơ cấu rất mạnh. Từ năm 2000 đến tháng 7/2005 có 1 thị trường hoạt động (HOSE) quy mô nhỏ. Đến tháng 7/2005, Sở GDCK Hà Nội đi vào hoạt động với quy mô tăng lên nhanh chóng. Thị trường bước đầu được cơ cấu lại hoạt động khi 2 Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty. Thị trường được phân định dựa trên công cụ giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu DN (HOSE, HNX), cổ phiếu đăng ký giao dịch (UPCoM), thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt (HNX). 

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, hai Sở GDCK đã thu hút được lượng lớn DN lên sàn, tạo điều kiện cho thị trường phát triển theo chiều rộng, hệ thống giao dịch được chuyển sang giao dịch trực tuyến. Hai Sở cũng đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy DN cổ phần hóa thông qua hình thức đấu giá ra công chúng.

Mặc dù những kết quả đạt được là không nhỏ, nhưng theo ông Sơn, hiện có nhiều tồn tại khiến nhu cầu tái cấu trúc thị trường trở nên rất bức thiết. Chi phí xã hội cao (2 Sở với 2 hệ thống giao dịch độc lập và khác biệt nhau về chuẩn kết nối)…, thị trường cổ phiếu, trái phiếu vẫn đang tiếp tục bị chia tách và sẽ chia tách thị trường công cụ phái sinh sau này. Trong khi đó, xu hướng chung trên thế giới hiện nay là liên kết, sáp nhập thị trường để tăng tính cạnh tranh.

 

Tái cấu trúc theo hướng nào?

Hiện có 3 phương án tái cấu trúc thị trường được UBCK tính đến. Một là thành lập Sở GDCK duy nhất trên nền tảng hợp nhất HOSE và HNX, thống nhất về mặt hệ thống công nghệ nền tảng, thống nhất các tiêu chuẩn cho Sở GDCK, chuẩn kết nối, chuẩn thành viên, quy chế; thống nhất về mặt bộ máy tổ chức và sắp xếp lại nhân sự. Một điểm giao dịch chính được lựa chọn (tại Hà Nội hoặc TP. HCM).

Ưu điểm lớn nhất của phương án này là đi theo xu hướng phát triển chung của TTCK thế giới, sáp nhập để tăng quy mô, tăng sức cạnh tranh, chuyên sâu và đa dạng hóa dịch vụ cho thị trường. Việc thống nhất nền tảng công nghệ sẽ giúp giảm thiểu chi phí cho các CTCK, giảm phí giao dịch cho NĐT. Xây dựng được hình ảnh một Sở GDCK với quy mô lớn hơn, đa dạng về hoạt động, tránh tình trạng phân tán, chia tách thị trường cổ phiếu và trái phiếu công ty như hiện nay.

Một lợi thế nữa là nếu theo phương án này có thể tận dụng ngay hệ thống công nghệ đầu tư theo gói thầu số 04 mà UBCK đang triển khai.

Hạn chế lớn nếu thực hiện theo phương án trên là gây xáo trộn trên TTCK nếu không có bước đi phù hợp. Bên cạnh đó, có thể gây phản ứng của các địa phương liên quan và các NĐT mong muốn có 2 Sở GDCK tại 2 trung tâm kinh tế lớn. Việc sáp nhập cũng có thể triệt tiêu cạnh tranh, tạo độc quyền cho Sở GDCK.

Phương án thứ hai là thành lập công ty mẹ (Holding Company) bằng việc hình thành công ty mẹ sở hữu 100% vốn của 2 Sở và Trung tâm Lưu ký. Chức năng hoạt động của từng công ty con trực thuộc vẫn hoàn toàn độc lập, trong khi chức năng quản lý, quản trị DN được tập trung vào công ty mẹ.

Về thời điểm thành lập công ty mẹ có thể lựa chọn: thành lập công ty mẹ là pháp nhân mới trước khi tiến hành cổ phần hóa các Sở GDCK; hai là thành lập công ty mẹ sau khi cổ phần hóa.

Ưu điểm của phương án này là thống nhất hệ thống quản trị, công  nghệ, mặt khác vẫn đảm bảo tính chủ động, linh hoạt cho mỗi Sở GDCK trong điều hành hoạt động quản lý thị trường. Quy mô thị trường phân định theo hàng hóa sẽ lớn hơn trên cơ sở hợp nhất thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường trái phiếu. Việc phân chia hoạt động của hai Sở sẽ giảm bớt các chi phí cho thành viên giao dịch, góp phần giảm chi phí cho NĐT.

Nhược điểm của việc thành lập Holding Company là hiệu quả quản lý, quản trị đối với mô hình công ty mẹ và các công ty con chưa thực sự rõ ràng. Việc phân tách và làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của công ty mẹ và các Sở GDCK con trong vấn đề quản trị, quản lý thị trường một cách hiệu quả cũng là một thách thức cho cơ quan quản lý.

Phương án 3 là 2 Sở GDCK hoạt động độc lập về quản lý, vận hành thị trường như hiện nay. Đối với sản phẩm phái sinh, có thể lựa chọn thành lập một Sở GDCK riêng biệt. Cách làm này sẽ không cần thành lập pháp nhân mới, không gây xáo trộn hoạt động thị trường. Cạnh tranh giữa hai Sở sẽ góp phần cải thiện dịch vụ cung cấp cho NĐT và giảm chi phí giao dịch.

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này thực trạng cạnh tranh giữa hai Sở để tồn tại sẽ gây tổn hại cho thị trường và xã hội, trong khi đó các thị trường tiếp tục bị chia cắt.

Ông Sơn cho biết, hiện cơ quan quản lý chưa quyết định lựa chọn phương án nào mà vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài nước, tham khảo các thành viên thị trường, sau đó thống nhất trình Bộ Tài chính phương án có tính thuyết phục cao nhất.

Theo ông Sơn, với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, việc nhất thể hóa thị trường là xu hướng tất yếu của TTCK Việt Nam trong dài hạn. Nền tảng công nghệ của thị trường cần được thống nhất để tránh lãng phí chung cho xã hội. Không có một mô hình đơn lẻ nào vừa phù hợp với TTCK Việt Nam cả trước mắt và trong dài hạn.

Các mô hình cần được kết hợp đan xen để hướng đến đích cuối cùng là nhất thể hóa thị trường và tăng sức hấp dẫn của TTCK trong khu vực và trên thế giới. 

“Muốn lựa chọn mô hình tái cấu trúc nào, các bạn phải xác định được mục tiêu ban đầu. Theo thông lệ quốc tế thì thường hướng đến tính thanh khoản bên cạnh đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, chi phí thấp, khả năng tiếp cận của NĐT dễ dàng. Một mục tiêu không thể không tính đến là khả năng kết nối với các thị trường khác trong khu vực”, ông Hannes A.Takacs nói.       

 

“Cạnh tranh dịch vụ CK nên hướng ra ngoài biên giới”

Ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE)

 

Bản chất hoạt động kinh doanh của một Sở GDCK là hệ thống mạng. Hệ thống đó chỉ hiệu quả khi có nhiều người tham gia. Cũng giống như người bán phở, việc chế biến một nồi nước dùng nhưng chỉ bán được 10 bát khác với bán được 20 bát.

 

Việc sáp nhập hai Sở GDCK là cần thiết nhằm đảm bảo một thị trường đủ lớn, một hệ thống công nghệ thống nhất, giảm thiểu chi phí cho thị trường và xã hội. Mức phí chứng khoán 0,3% mà NĐT phải nộp hiện nay cao hơn 6 lần so với Thái Lan, 12 lần so với Malaysia và hoàn toàn có thể giảm xuống nếu chỉ sử dụng một hệ thống công nghệ. Việc thống nhất một đầu mối cũng giúp giảm thiểu chi phí của Việt Nam khi tham gia thị trường liên kết chung khu vực. Cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ CK nên hướng ra ngoài biên giới hơn là trong nước.

 

“Tái cấu trúc TTCK nên theo hướng holding company”

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX)

 

Thời gian qua, quy mô TTCK tập trung tăng nhanh, nhưng thị trường tự do vẫn còn rất lớn. 81% trong số 3.000 công ty đại chúng vẫn đứng ngoài TTCK tập trung. Cơ cấu sản phẩm hiện chưa đa dạng, nhiều DN có vốn hóa thị trường nhỏ. Việc tái cấu trúc TTCK là cần thiết, nhưng cần tính đến hiện trạng thị trường cũng như tác động đến mọi thành phần tham gia. Theo HNX, việc tái cấu trúc nên theo hướng thành lập công ty mẹ đầu tư, sở hữu 100% vốn tại các công ty con (holding company). Holding company là giai đoạn quá độ cho quá trình phát triển thị trường. Mô hình này rất phức tạp (xác định sở hữu, cơ chế điều hành quản trị…) nên cần có lộ trình để tránh xáo trộn. Từ năm 2011 - 2015 nên giữ nguyên hoạt động thị trường như hiện nay, nhưng quá trình chuẩn bị cho việc thành lập công ty holding cần có nghiên cứu ngay từ bây giờ.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục