Ba nét mới tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 diễn ra từ ngày 23/2 - 3/3 (tức từ ngày 14 - 23 tháng Giêng) với 3 nét mới. Đặc biệt còn có Lễ công bố “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn” là Bảo vật Quốc gia.
Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Chí Linh (Hải Dương). Ảnh: Thành Chung Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Chí Linh (Hải Dương). Ảnh: Thành Chung

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng ban tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024, cho biết Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, các hoạt động phần lễ và phần hội được chuẩn hóa, đúng với nghi thức truyền thống.

Năm nay, Lễ hội mùa Xuân gắn với Lễ tưởng niệm 690 năm Ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả sẽ được tổ chức lớn hơn, được truyền hình trực tiếp trên một số đài và nền tảng số.

Bên cạnh đó có Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn” là Bảo vật Quốc gia vào sáng 25/2 (tức 16 tháng Giêng Âm lịch); tổ chức Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến thương mại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.

Dịp này, Hải Dương lần đầu tiên tổ chức Giải việt dã “Hành trình kết nối Di sản”, đây là giải việt dã có quy mô lớn nhất, cự ly dài nhất tổ chức tại tỉnh. Dự kiến tổ chức sáng 26/2 (tức ngày 17 tháng Giêng).

Điểm tổ chức lễ khai mạc và xuất phát tại sân tam quan ngoại chùa Côn Sơn. Giải có 3 cự ly là 5 km, 10 km và 15 km. Cung đường chạy sẽ kết nối di tích chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Đây cũng là lần đầu tiên một giải chạy quy mô với cự ly dài nhất được tỉnh Hải Dương tổ chức. Bên cạnh các vận động viên chuyên nghiệp, giải sẽ thu hút và huy động đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách tham gia.

Điểm thuận lợi là năm nay tuyến đường từ Di tích Côn Sơn sang Kiếp Bạc đã được mở rộng. Việc tổ chức giải chạy vào đúng dịp lễ hội nhằm tạo hiệu ứng tuyên truyền và nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe.

Tiếp đó là Tuần Văn hóa, ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại với các hoạt động hấp dẫn như lễ hội ẩm thực giới thiệu món ăn tiêu biểu của Hải Dương và các địa phương trong cả nước; trình diễn áo dài sắc màu Hải Dương; các trò chơi dân gian...

Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc từ nhiều thế kỷ trước đã trở thành nét đặc sắc của văn hóa Xứ đông. Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc được coi là trung tâm văn hóa, lịch sử lớn trong số 133 di tích xếp hạng Quốc gia của Việt Nam. Hằng năm vào mùa Xuân và Thu, nơi đây sẽ tổ chức lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, được xem là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của cộng đồng các dân tộc và người dân cả nước khi hướng về cội nguồn.

Du khách tham quan, chiêm bái tại Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Du khách tham quan, chiêm bái tại Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Lễ hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc được diễn ra từ ngày 14-23 tháng Giêng Âm lịch; trong đó điểm nhấn là lễ khai hội vào ngày 16 tháng Giêng, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức từ 10-20 tháng Tám Âm lịch, gồm 3 nghi lễ chính: Lễ tưởng niệm ngày mất Anh hùng Dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi; lễ khai ấn và ban ấn; Lễ tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023.

Các nghi lễ được thực hiện đúng theo phong cách truyền thống xưa nhằm tôn vinh công đức của các danh nhân và bảo tồn giá trị văn hóa từ nhiều đời nay.

Năm 2023, Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương cùng với Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã tích cực phối hợp, tham gia hoàn thiện, trình Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn bó mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp của các danh tướng, danh nhân văn hóa như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán... Đây không chỉ là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng lớn mà còn là phòng tuyến quân sự quan trọng trấn giữ phía đông bắc của Kinh đô Thăng Long. Chùa Côn Sơn từ thế kỷ XIII, XIV là một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm. Đền Kiếp Bạc được xây dựng tại căn cứ quân sự Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo, trở thành một trong những trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần.

Ra đời và tồn tại lâu dài cùng lịch sử, hội tụ văn hoá của các vùng miền, Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, là kết tinh của biết bao công sức, tư tưởng, trí tuệ, tình cảm... của các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, giữ gìn bảo vệ đến ngày nay.

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục