Ba luật mới về bất động sản có hiệu lực từ 1/8: Đại biểu Quốc hội lo không kịp văn bản hướng dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ bản đồng tình với Chính phủ về việc trình Quốc hội cho phép bộ ba luật mới là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực sớm từ 1/8, song một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn vấn đề phát sinh trong thực tiễn nếu không kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn ba luật nói trên để có hiệu lực đồng thời.
Đại biểu Ma Thị Thuý (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) Đại biểu Ma Thị Thuý (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang)

Sáng 30/5, tiếp Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, một trong những điểm mới của Chương trình lần này là bổ sung một luật sửa 4 luật, đó là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Tổ chức tín dụng 2023; theo đó cho phép 4 luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 (thay vì 1/1/2025 như kế hoạch cũ).

Làm rõ tính cấp thiết, khả thi của việc cho phép 3 luật mới có hiệu lực sớm

Phát biểu thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói trên, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) bày tỏ đồng tình với chủ trương cho phép 4 luật trên có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 bởi tính cần thiết và cấp thiết hiện nay trong tháo gỡ các vấn đề khó khăn thực tế.

Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn khi khối lượng văn bản hướng dẫn của các luật này là quá lớn và đang chịu áp lực hoàn thiện trong thời gian rất ngắn.

Cụ thể, đại biểu nêu, theo Tờ trình số 247 ngày 18/5/2024 có nêu "hiện nay ngoài một nghị định đã được Chính phủ ban hành còn có 15 văn bản, trong đó có 9 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 thông tư quy định chi tiết thực hiện Luật Đất đai", đây mới chỉ là dự kiến được ban hành trong tháng 6/2024 và các số lượng văn bản này mới riêng cho Luật Đất đai.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì các văn bản quy định chi tiết của các luật cũng phải có hiệu lực đồng thời.

Nhưng thực tế, theo bà Thuý, hầu hết các dự án luật mới triển khai bước đầu trong quá trình xây dựng văn bản dưới luật. Mặt khác, đối chiếu với hồ sơ luật, văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 146 thấy rằng chưa có báo cáo rõ ràng, cụ thể về căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đáp ứng điều kiện của luật cũng như chưa nêu rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn và hậu quả có thể xảy ra nếu không kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết vấn đề đó.

Hơn nữa, văn bản chưa có đánh giá hạn chế, bất cập trong việc quy định Luật Đất đai 2024 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm nhưng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không được ban hành kịp thời để có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực của luật; chưa đánh giá được đầy đủ tác động tiêu cực của việc không kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành trong luật, trong khi luật mới đã có hiệu lực, luật cũ và các văn bản quy định chi tiết luật cũ hết hiệu lực; chưa đánh giá tác động của luật mới tới người dân và doanh nghiệp; không đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng yêu cầu theo luật mới.

Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng 30/5 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng 30/5 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

"Từ những phân tích trên, tôi đề nghị cần tiếp tục làm rõ tính cấp thiết, cấp bách, tính khả thi của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023. Đề nghị Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo quy trình thủ tục rút gọn và thông qua tại kỳ họp thứ 7", đại biểu đoàn Tuyên Quang đề nghị.

Đồng thời, bà cũng đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ đầy đủ các vấn đề có liên quan và bảo đảm chịu trách nhiệm toàn diện về điều kiện để các luật có thể triển khai thực hiện; không để xảy ra vướng mắc, chậm trễ do thiếu các văn bản hướng dẫn; quy định chuyển tiếp, các bộ, ngành, địa phương chưa có chuẩn bị đầy đủ để triển khai các luật, không gây ra các tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp và người dân

Cũng phát biểu về nội dung trên, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng, Nếu chúng ta cho luật mới có hiệu lực sớm, trong khi các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư...) chưa xong thì sẽ tạo ra khoảng trống về pháp luật.

"Luật cũ hết hiệu lực nhưng luật mới chưa có hướng dẫn; khi xảy ra kiện tụng, tòa án xử lý như thế nào?", ông Minh đặt câu hỏi và đề nghị cân nhắc thật kỹ thời hiệu này.

Đặc biệt với Luật Đất đai, là người trực tiếp thẩm tra, vị đại biểu nói rằng ông thấy rất khó. Ví dụ, chương về thu hồi đất và chương về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mỗi câu một chính sách, mỗi câu một nội dung khác biệt hoàn toàn, chỉ cần rẽ nhầm một chút là có đối tượng được, có đối tượng mất.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau)

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau)

"Vấn đề này cực kỳ khó hướng dẫn. Ngay lúc soạn thảo, chúng tôi đã thấy điều nào cũng giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết điều này. Hiện nay, chúng tôi cũng thấy nhiều nghị định chưa được đưa lên trang của cơ quan soạn thảo. Vậy thì hiệu lực chúng ta cần phải tính rất kỹ", vị đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Minh đề nghị điểm e khoản 1 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết không nêu chung chung là "sửa đổi một số điều" mà ghi rõ ra là "sửa đổi thời hiệu thi hành luật của 4 luật" để tránh dư luận cho rằng luật mới bấm nút thông qua chưa được mấy tháng đã phải sửa.

Sẽ khẩn trương xây dựng và cùng nhau rà soát kỹ

Giải trình trước Quốc hội về băn khoăn trên của đại biểu, thay mặt Chính phủ và cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, một số dự án luật được trình khi tính dự báo chưa cao.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cơ quan tham mưu sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, các ngành tập trung soạn thảo và trình, mong Quốc hội chấp thuận, còn Quốc hội thông qua hay không thông qua sẽ phụ thuộc vào tiến độ, đặc biệt là chất lượng.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật nói trên, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn đối với 4 vấn đề:

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Thứ nhất là lợi ích mang lại, có nghĩa là phải chứng minh được những lợi ích mang lại nếu như chúng ta kéo hiệu lực này sớm hơn để bổ sung vào phần sự cần thiết.

Thứ hai là tiến độ chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết, ở đây có cả văn bản do các bộ, ngành ban hành và các văn bản cho địa phương ban hành.

Thứ ba là rà soát kỹ, đặc biệt là điều khoản chuyển tiếp, liệu ngoài 4 luật này thì có còn ảnh hưởng đến các luật khác hay không. Đây là vấn đề kỹ thuật hết sức quan trọng.

Thứ tư là tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, ông ghi nhận những ý kiến này của các đại biểu Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp.

"Các bộ, các ngành và Chính phủ sẽ bắt tay vào soạn thảo ngay từ bây giờ và chúng ta sẽ cùng nhau rà soát kỹ; nếu bảo đảm chất lượng, chính xác và không gây những khó khăn, tôi cho rằng Quốc hội cho hiệu lực sớm hơn sẽ đóng góp rất tốt vào phát triển kinh tế - xã hội và gỡ các khó khăn vướng mắc cho đất nước", Bộ trưởng Lê Thành Long nêu quan điểm.

Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận trong phiên thảo luận có 2 đại biểu có ý kiến đề nghị cân nhắc vấn đề 1 luật sửa 4 luật theo hướng phải đánh giá thật kỹ và chỉ ghi vào nghị quyết sửa điều khoản có hiệu lực sớm từ 1/8 (trước đây Chính phủ trình 1/7 nhưng hôm nay mới trình 1/8).

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thuận rằng phải đảm bảo yêu cầu không tạo ra khoảng trống pháp luật, không tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp và nhân dân, địa phương. Phần này mấy hôm vừa rồi Thường vụ Quốc hội, các ủy ban thảo luận rất kỹ, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng cũng trực tiếp thảo luận với nhau.

"Luật cần phải có văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành. Nhưng không phải cả luật đó phải có văn bản chi tiết mới thực hiện mà có nhiều điều trong luật có thể thực hiện được ngay", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thủ tướng đã có công điện, có công văn chỉ đạo các địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện và chuyển từ 1/7 sang 1/8. "Với tinh thần như vậy, xin phép Quốc hội cho ghi vào chương trình, còn Quốc hội cho hay không cho là khi thảo luận nội dung cụ thể các điều khoản này. Nếu như đáp ứng Quốc hội sẽ biểu quyết, còn không thì thôi", ông Định nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục