Có phải chặn dòng?
Hoạt động đầu tư, kinh doanh trên TTCK được đánh giá là chứa đựng nhiều rủi ro nhất trong các loại hoạt động kinh doanh và rủi ro trên TTCK có thể là nguyên nhân và là hậu quả của những rủi ro từ các thị trường khác.
Bài học khủng hoảng thị trường tín dụng của Mỹ và TTCK toàn cầu trong những ngày gần đây cho chúng ta thấy những ảnh hưởng bất lợi từ TTCK sang thị trường tín dụng, và ngược lại. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu kinh tế nước ngoài thì nguyên nhân sâu xa đến từ chính sách tiền tệ (CSTT) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cụ thể là chính sách giảm lãi suất của FED (trong năm 2003, FED cắt giảm lãi suất xuống còn 1%), giảm thuế của Chính phủ Mỹ từ cuối năm 2001 đến giữa năm 2005, đã đẩy người tiêu dùng tận dụng mức lãi suất thấp không bình thường để kiếm tiền bằng cách cầm cố nhà để tham gia mua bán cổ phiếu.
Đến khi FED tăng lãi suất đã gây sức ép với thị trường bất động sản của Mỹ. Lượng tiền đổ vào thị trường nhà đất, chứng khoán và hàng hoá đắt tiền giảm xuống. Cùng với nó, trong những tháng đầu năm 2007, kinh tế Mỹ phát triển chậm lại, đồng USD giảm giá, nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào các loại tài sản khác, dẫn đến đầu tư vào chứng khoán giảm.
Đối với Việt
Sự cao hơn này được “đóng góp” bởi tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư còn thấp, cơ chế quản lý các hoạt động trên TTCK nhìn chung còn chưa bao trùm toàn bộ các hoạt động, nhất là TTCK tự do, hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài... đặc biệt là rủi ro đạo đức khá phổ biến trên thị trường tài chính Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay một số ngân hàng thương mại (NHTM), nhất là các NHTM cổ phần mới thành lập, để nhanh chóng tạo lợi nhuận đã cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán với tỷ lệ khá cao, nếu đổ vỡ xảy ra ở một trong số các ngân hàng này thì rất có thể sẽ gây đổ vỡ hệ thống.
Từ thực tế này đặt ra vấn đề cần thiết phải có sự quản lý từ các cơ quan quản lý tiền tệ đối với dòng vốn từ thị trường tín dụng sang TTCK nhằm hạn chế những rủi ro phát sinh trên thị trường tín dụng có thể dẫn đến đổ vỡ hệ thống ngân hàng do sự biến động khó lường của giá chứng khoán. Hậu quả nới lỏng quản lý trong lĩnh vực này có thể sẽ phải gánh chịu sau vài năm.
Cần thiết
Nghiên cứu về cách thức quản lý ở các nước trên thế giới cho thấy, hầu hết cơ quan quản lý tiền tệ không khống chế tỷ lệ chung cho các NHTM trong cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán (trừ Ấn Độ), do các NHTM tự quy định trong quy chế quản trị rủi ro của mình (thông thường, các NHTM khi cho vay chứng khoán thì áp dụng mức lãi suất rất cao so với mặt bằng lãi suất chung).
Một số NHTM nước ngoài cho biết, do bản thân NHTM các nước đã từng trải qua những mất mát do cho khách hàng vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán, nên họ rất thận trọng trong việc cho vay này mà không cần có sự nghiêm cấm từ phía cơ quan quản lý. Nhìn chung, phương thức quản lý việc cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đầu tư, kinh doanh chứng khoán phụ thuộc vào kết cấu của thị trường tài chính, mức độ rủi ro của thị trường mỗi nước để đưa ra phương thức quản lý phù hợp.
Đối với thị trường Việt Nam, nhiều ngân hàng mới thành lập, việc tranh giành khách hàng bằng lãi suất là tương đối phổ biến, nên nhiều khoản vay rủi ro cao nhưng lãi suất không cao hơn các khoản vay có độ rủi ro thấp hơn, do đó việc đưa ra quy định hạn chế dòng vốn từ thị trường tín dụng sang TTCK của cơ quan quản lý tiền tệ là rất phù hợp. Đây là lý do NHNN khống chế các ngân hàng chỉ được phép cho khách hàng vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán không quá 3% tổng dư nợ tín dụng.
… nhưng chưa hợp lý
Tuy nhiên, trong quy định trên còn một số điểm chưa hợp lý. Cụ thể, Chỉ thị 03 có hiệu lực từ ngày 30/6/2007, tại thời điểm này mức độ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán của từng NHTM là rất khác nhau, có ngân hàng thì tỷ lệ đã rất cao so với mức quy định, có ngân hàng chưa đạt tỷ lệ đó. Vì vậy, việc quy định đến ngày 31/12/2007 phải giảm dư nợ là rất khó khăn đối với các NHTM đã vượt và có thể không thực hiện được vì một số hợp đồng tín dụng có kỳ hạn trả nợ sau ngày 31/12/2007.
Việc quy định tỷ lệ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán dựa trên tổng dư nợ cho vay là chưa đánh giá đúng mức độ an toàn của từng NHTM trong việc cho vay này, bởi vì trong tổng tài sản có của tổ chức tín dụng (TCTD), những TCTD nào có kết cấu tài sản có hợp lý, đảm bảo an toàn cho hoạt động thì danh mục đầu tư tài sản có có thể sẽ rất đa dạng, tỷ lệ đầu tư vào tín dụng sẽ ít hơn một số TCTD khác do không đa dạng hoá được sản phẩm đầu tư nên danh mục đầu tư chủ yếu là cho vay. Đối với các TCTD này thì khối lượng cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán sẽ cao hơn TCTD có cơ cấu tài sản có hợp lý. Để đảm bảo mức độ an toàn hợp lý, các quy định về tỷ lệ an toàn thường dựa trên tổng tài sản có, chẳng hạn tỷ lệ đủ vốn được quy định dựa trên tổng tài sản có đã điều chỉnh rủi ro.
Trên thực tế, hiện nay một số ngân hàng có tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán so với tổng dư nợ cho vay là cao, nhưng so với tổng tài sản có lại thấp, và ngược lại. Nếu xem xét mức độ an toàn trong cho vay theo hai trường hợp trên thì NHTM có tỷ lệ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán so với tổng dư nợ cao lại an toàn hơn NHTM có tỷ lệ này thấp.
Việc quy định như trên còn có bất lợi là, để đảm bảo 3% dư nợ tín dụng, các ngân hàng sẽ có hai cách thực hiện, đó là thu hồi khoản vay và tăng nhanh dư nợ hiện tại để góp phần hạ bớt tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Để tăng dư nợ hiện tại buộc các NHTM phải nới lỏng điều kiện vay vốn, và như vậy lại tiềm ẩn rủi ro.
Từ những hạn chế trên, nên chăng có sự thay đổi quy định theo hướng:
Thứ nhất, quy định tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán trên tổng tài sản có. Hiện VN đang hạn chế gia tăng tín dụng vào những lĩnh vực không tạo tăng trưởng kinh tế để hạn chế tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, do đó không nên nâng tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng vượt mức hiện nay (về số tuyệt đối). Hơn nữa, dòng vốn tín dụng vào nhiều, cùng với vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể sẽ làm TTCK phát triển nóng, gây bất lợi cho sự ổn định của thị trường tài chính. Mặt khác, với quy mô TTCK như hiện nay thì mức cho vay từ thị trường tín dụng sang TTCK tương đương như mức hiện nay là có thể đáp ứng được nhu cầu bù đắp “thanh khoản” trên TTCK, và hỗ trợ mức độ hợp lý cho TTCK phát triển,
Thứ hai, đối với các TCTD hiện đang vượt tỷ lệ này thì không được cho vay thêm, phải thu nợ đúng với hợp đồng đã cam kết (không được phép kéo dài kỳ hạn), không nên quy định cứng đến ngày 31/12/2007 như hiện nay.
Thứ ba, để hạn chế các TCTD đổ tiền vào TTCK thì phương án quản lý tốt nhất là quy định tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động này ở tỷ lệ cao hơn so với mức trích lập của nhóm 5 trong hoạt động tín dụng thông thường và trích lập sau thuế. Đây là phương pháp quản lý gián tiếp, hiện NHNN mới chỉ quy định mức độ rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán là 150% để tính tỷ lệ đủ vốn chứ chưa phải là để trích lập dự phòng rủi ro.