Ba dự án nhiên liệu sinh học của PVN “đốt” 5.400 tỷ đồng, nhà máy đắp chiếu

Kết quả thanh tra 3 dự án nhiên liệu sinh học (NLSH) có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên cuối cùng cũng đã hoàn tất, sau 2 năm kể từ khi đoàn thanh tra bắt đầu thực hiện công việc. Theo đó, dù đã tiêu tổng cộng hơn 5.400 tỷ đồng, nhưng 3 dự án này hoặc không vận hành thương mại được hoặc đang nằm đắp chiếu dở dang.  

Chỉ định thầu cho doanh nghiệp thành viên

Tại Dự án Nhà máy NLSH phía Bắc ở Phú Thọ, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) vào tháng 3/2009 đã gửi PVN văn bản xin chỉ định thầu thực hiện xây dựng. Chỉ sau 17 ngày đề nghị, PVN đã có chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - đơn vị góp 39,7% vốn điều lệ ở Dự án này, cùng người đại diện phần vốn của PVN tại Tổng công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí (DMC), Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), xem xét năng lực và nhu cầu thực tế để giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án này.

Ba dự án nhiên liệu sinh học của PVN “đốt” 5.400 tỷ đồng, nhà máy đắp chiếu  ảnh 1

  Phân xưởng chính Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất

Phó tổng giám đốc PVN khi đó là ông Vũ Quang Nam khi chủ trì cuộc họp triển khai dự án này vào ngày 25/3/2009 đã có biên bản kết luận, “đồng ý chủ trương chỉ định thầu tổ hợp PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu EPC Dự án NLSH Phú Thọ…”

Ngày 1/4/2009, PVN lại tiếp tục có văn bản gửi PV Oil, trong đó nêu lại việc PVN đã có chỉ đạo chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC và đề nghị PV Oil chỉ đạo người đại diện của mình tại Công ty PVB (chủ đầu tư Dự án) khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt dự toán gói thầu và tiến hành các thủ tục chỉ đạo thầu theo đúng quy định hiện hành.

Dẫu vậy, tại thời điểm được chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC Dự án NLSH Phú Thọ vào tháng 6/2009 với giá trúng thầu trọn gói là 59,17 triệu USD, nhà thầu PVC chưa thực hiện hợp đồng EPC Dự án NLSH hoặc các dự án có tính chất tương tự. Nghĩa là chưa có năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện các dự án NLSH.

Tuy nhiên, PVC lại được giao thực hiện các công việc quan trọng của Dự án như thiết kế, xây dựng, mua sắm, lắp đặt toàn bộ các thiết bị các hạng mục phụ trợ và lắp đặt thiết bị nhà máy sản xuất chính.

Việc chỉ định thầu này cũng được cho là vi phạm quy định tại khoản 2, điều 20, Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11. Cũng chính bởi chọn nhà thầu EPC không có năng lực để phó thác, nên Dự án đã phải dừng thi công từ tháng 11/2011, vi phạm quy định của Hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, và Dự án khó tiếp tục thực hiện được.

Tại Dự án NLSH Dung Quất, Phó tổng giám đốc PVN Vũ Quang Nam cũng có biên bản kết luận cuộc họp do mình chủ trì việc “đồng ý về chủ trương chỉ định nhà thầu Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật và Xây lắp Dầu khí (PTSC) liên danh cùng đối tác nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu EPC Dự án NLSH Dung Quất”.

Dựa trên căn cứ này, các đơn vị thành viên của PVN gồm Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn, PV Oil, và người đại diện phần vốn của PVN tại các đơn vị liên quan đã thống nhất chỉ định thầu cho PTSC và Alfa Laval (Ấn Độ) trúng thầu với giá 59.923.248 USD.

Dẫu vậy như PVC, PTSC cũng chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên doanh thực hiện dự án, trong đó PTSC chịu trách nhiệm thức hiện các công việc quan trọng của dự án như thiết kế xây dựng, thiết kế chi tiết, mua sắm các phân xưởng phụ trợ và các hệ thống của nhà máy (trừ phần thiết bị chính), xây dựng và lắp đặt toàn bộ nhà máy. Việc chỉ định thầu này là không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm khoản 2, điều 20, Luật Đầu thầu số 61/QH11.

Đội vốn lớn, dự án vẫn đắp chiếu

Việc dễ dãi chỉ định thầu cho các đơn vị thành viên không có kinh nghiệm trong thực hiện các dự án NLSH cũng nhanh chóng để lại hậu quả lớn.

Cụ thể, Đoàn thanh tra đã phát hiện hàng loạt vi phạm trong sử dụng vốn đầu tư. Đơn cử Công ty Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đã sử dụng vốn cho Dự án NLSH Phú Thọ vượt tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng. Tại Dự án NLSH Dung Quất cũng vượt tổng mức đầu tư 237 tỷ đồng.

Qua kiểm tra cũng phát hiện ra việc 3 dự án có công suất như nhau, cùng công nghệ sản xuất, thực hiện đầu tư cùng giai đoạn, ký hợp đồng EPC trong thời gian từ tháng 8/2009 đến tháng 4/2010, trong đó dự án Dung Quất và Phú Thọ được thực hiện sớm hơn nhưng chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với dự án Bình Phước.

Dù đã tiêu tổng cộng hơn 5.400 tỷ đồng, nhưng 3 dự án này hoặc không vận hành thương mại được hoặc đang nằm đắp chiếu dở dang.

Các dự án cũng đều “đội vốn” so với phê duyệt ban đầu. Cụ thể, Dự án NLSH Bình Phước có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.492,65 tỷ đồng nhưng vốn đầu tư đã sử dụng đến thời điểm thanh tra là tháng 11/2014 lên tới 1.742,76 tỷ đồng, tăng hơn 250 tỷ đồng.

Dự án NLSH Dung Quất khi phê duyệt tổng mức đầu tư là 1.493 tỷ đồng nhưng vốn đầu tư sử dụng lên tới 2.124 tỷ đồng, tăng 631 tỷ đồng.

Còn tại Dự án NLSH Phú Thọ, tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu PVC đã điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tăng thêm hơn 14,3 triệu USD. Đặc biệt qua thanh tra đã cho thấy, "các nguyên nhân tăng giá gói thầu đã không xuất phát từ nhu cầu dự án và yêu cầu của Chủ đầu tư".

Tại Dự án NLSH Phú Thọ, nhà thầu PVC đã dừng thi công từ tháng 11/2011, vi phạm hợp đồng EPC, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt đã bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa phát huy, tăng chi phí vốn vay và các chi phí khác; việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy cũng bị ngừng trệ.

Tương lai của Dự án này cũng không nhìn thấy khi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, “đến tháng 9/2016, chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp, dự án ngày càng lâm sâu vào tình trạng bế tắc, tiềm ẩn nguy có khó tiếp tục thực hiện".

Cũng tại dự án Phú Thọ, chủ đầu tư PVB còn lập và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.317,5 tỷ đồng lên thành 2.484,9 tỷ đồng không đúng quy định về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Hàng loạt khuyết điểm, vi phạm trong việc chỉ định nhà thầu thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ và Dung Quất; đàm phán hợp đồng, ký kết hợp đồng và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC cũng đã được chỉ rõ. 

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục