Trong quá trình phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia công nghiệp và hiện đại, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân. Để hoàn thành mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam dự kiến duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm ở mức 7% trong suốt giai đoạn 2021 - 2030 và từ 6,5 - 7,5% trong giai đoạn 2031 - 2050.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải đảm bảo tổng đầu tư toàn xã hội của tất cả các thành phần kinh tế đạt bình quân từ 32 đến 35% GDP trong giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm đầu tư công ở mức bình quân 7,3% GDP mỗi năm để hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Quan điểm này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia tăng trưởng cao có đặc trưng là đầu tư công cao, ở mức từ 7% GDP trở lên.
Đầu tư vào hạ tầng sẽ giúp nền kinh tế phát triển theo hai cách: đem lại cơ sở hạ tầng tốt hơn cho người dân Việt Nam, giúp họ làm việc hiệu quả hơn; đầu tư công nhiều hơn vào hạ tầng quan trọng cũng thu hút nhiều đầu tư trong và ngoài nước hơn, tạo điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu khiến chúng ta phải điều chỉnh đầu tư công theo hướng thích ứng với những thay đổi sắp tới (mưa ngày càng nhiều, lũ lụt, nắng nóng hơn và những thay đổi tương tự khác). Đường bộ, bến cảng, trường học, đường thủy và các hạ tầng công cộng khác cần có khả năng chống chịu tốt hơn trước những thay đổi thời tiết này.
Cần phải có tiền để nâng cấp hạ tầng hiện có cũng như xây dựng những hạ tầng tốt hơn cho tương lai và đầu tư công là nguồn vốn chính cho việc nâng cấp này. Dù có nhu cầu chi nhiều hơn cho đầu tư công, nhưng mấy năm gần đây, tiền chi ra ít hơn và những gì chi ra cũng không được thực hiện thực sự hiệu quả.
Từ năm 2011 đến 2022, tỷ lệ chi đầu tư công so với tổng chi ngân sách nhà nước và so với GDP đã giảm lần lượt từ 27% xuống 20% và từ 8% xuống 6%. Đầu tư công tính trên đầu người và trên mỗi lao động vẫn thấp hơn nhiều so với mức ở các quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao.
Giai đoạn 2017 - 2022, chỉ có 77% kế hoạch ngân sách đầu tư được thực hiện. Từ năm 2011 - 2019, ở Việt Nam, cứ 6 USD chi cho đầu tư công sẽ khiến thu nhập quốc dân tăng 1 USD - thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan.
Chính phủ đã cố gắng quy hoạch và điều phối các dự án hạ tầng, nhưng còn có sự chậm trễ trong việc lập kế hoạch và triển khai dự án, cũng như có nhiều dự án trùng lặp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, gây tốn kém và thiếu hiệu quả. Điều đó có thể tạo ra các khoản đầu tư trùng lặp mà không phải lúc nào cũng được sử dụng hết. Chẳng hạn, Việt Nam có 47 cảng biển lớn nhỏ trải khắp các tỉnh, thành phố, nhưng 95% hàng hóa đi qua 3 cảng do Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư và vận hành. Vậy Việt Nam thực sự cần bao nhiêu cảng?
Để khắc phục những vấn đề trên, bản cập nhật kinh tế mới nhất của Ngân hàng Thế giới có tựa đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng” gợi ý rằng, Việt Nam nên chi nhiều hơn cho đầu tư công và cải thiện việc lập kế hoạch và quản lý các dự án đầu tư công. Việt Nam có thể làm điều này bằng cách đảm bảo rằng, các dự án được tính toán kỹ lưỡng ngay từ đầu và thông qua việc sử dụng các phương pháp tốt hơn để ước tính chi phí.
Các cơ quan chức năng cũng nên xem xét các dự án này có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thế nào. Chính phủ nên nghiên cứu cách phân bổ ngân sách và các quyết định giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, để tránh sự trùng lặp các dự án và đảm bảo ngân sách được chi cho đúng dự án.
Nhìn chung, Việt Nam cần đầu tư vào những dự án phù hợp, quản lý các khoản đầu tư này tốt hơn và xem xét những biện pháp liên quan nhằm ứng đối phó với biến đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành một đất nước thịnh vượng và phát triển hơn.