Bà chủ thương hiệu EFORA: Tôi đã mải “chồng tầng” mà quên gia cố móng

Lấy hình ảnh xây nhà cao mà quên việc xây móng vững, nữ doanh nhân Lê Diệu Loan luôn coi đó là bài học khi đã quá tập trung vào việc làm thương mại mà quên đi bài toán quản trị.
Doanh nhân Lê Diệu Loan, chủ thương hiệu EFORA. Doanh nhân Lê Diệu Loan, chủ thương hiệu EFORA.

Hành trình đưa đồ da Việt ra thế giới

Tháng 9/2017, EFORA là một trong số ít thương hiệu châu Á được tham gia hội chợ đồ da lớn nhất thế giới tại Milan (Italia). Tại đây, nhiều đối tác đến từ Ba Lan, Latvia, Pháp đã đề nghị được phân phối sản phẩm của thương hiệu này.

“Tôi tự hào khi EFORA là sản phẩm đồ da Việt Nam duy nhất được đưa ra thế giới, là sản phẩm yêu thích của nhiều người mẫu”, nữ Tổng giám đốc CTCP Thương mại Âu - Á Lê Diệu Loan chia sẻ.

Thành quả đó là sự nỗ lực của bà chủ thương hiệu EFORA trong suốt nhiều năm.

Về nước năm 2006 sau 18 năm học tập và làm ăn tại Ba Lan, Lê Diệu Loan thành lập công ty chuyên phân phối các sản phẩm từ châu Âu đến với người tiêu dùng Việt, đặc biệt là đồ da.

Sau một thời gian, cô nhận thấy, mình am hiểu thị trường, có hệ thống phân phối, tại sao không cho ra đời những sản phẩm mang dấu ấn riêng để phục vụ khách hàng Việt.

Nghĩ là làm, cô liền bắt tay vào tuyển nhân sự, xây dựng hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D), tìm nguồn hàng… Với năng khiếu về mỹ thuật và niềm đam mê thời trang, chỉ sau 6 tháng, những sản phẩm đồ da đầu tiên mang thương hiệu EFORA ra đời.

Nhờ đánh trúng nhu cầu thị trường, khắc phục điểm yếu của các sản phẩm nhập khẩu, nên chỉ sau 1 năm, doanh thu của EFORA chiếm tới 70% doanh thu toàn hệ thống. Cuối năm 2016, cô vay vốn ngân hàng để mở rộng hệ thống phân phối từ 6 lên 18 cửa hàng khắp cả nước.

Cú sảy chân của EFORA

Trên đà phát triển, bà chủ của EFORA tiếp tục vay thêm vốn ngân hàng, mở một loạt cửa hàng phân khúc đại chúng với thương hiệu Madineu cho giới trẻ để “ôm” thêm thị trường. Đồng thời, cô cũng nới rộng tín dụng, cho đối tác nước ngoài nợ tiền để chiếm lĩnh thị trường quốc tế và đẩy mạnh các hoạt động marketing, branding...

Trong lúc mọi việc đang tốt đẹp thì sóng gió ập đến với cô, khi cuối năm 2017, công ty của cô bị ngân hàng dừng tín dụng trước hạn, khiến dòng tiền chững lại đột ngột.

Nhớ về quãng thời gian vô cùng khó khăn này, cô kể, hàng loạt dự án còn dang dở, vốn huy động từ nhiều nguồn đã đáo hạn, giờ không lấy được tiền để bồi hoàn. Không có tiền trả lương khiến nhiều nhân sự ra đi. Không có tiền thanh toán, nên các nhà thầu thu cọc và không giao hàng. Hệ thống cửa hàng ở những trung tâm 5 sao đắt đỏ, nhưng không đủ hàng để bày, không đủ nhân viên để bán. Đóng cửa hàng cũng không xong vì sẽ mất tiền cọc và bị phạt hợp đồng.

“Ngôi nhà quá cao của tôi đang nghiêng ngả trong gió lốc. Cú sốc đột ngột này xóa tan mọi giấc mơ”, cô tâm sự.

Doanh nhân Lê Diệu Loan đã làm thế nào để thoát ra khỏi cơn khủng hoảng và đưa EFORA đi tới thành công? Tất cả sẽ được hé lộ trong “Những câu chuyện thật” của CEO - Chìa khóa thành công số 30 với chủ đề “Nhà cao cần móng vững”, được phát sóng lúc 9h45 sáng Chủ nhật (15/9) trên kênh VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam.

Đồng hành với Lê Diệu Loan trong chương trình tuần này còn có 2 vị chuyên gia là ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái và ông Trần Quốc Việt, Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Trung ương Hội các hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục