Ông có thể nói gì về sự cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm hiện nay?
Có thể nói, cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm PNT hiện nay rất khốc liệt trên 3 phương diện: tăng chi phí bán hàng, mở rộng điều kiện bảo hiểm và hạ phí bảo hiểm. Về chi phí bán hàng, hiện Bộ Tài chính đã nghiêm cấm các công ty chi cho đại lý ngoài tỷ lệ hoa hồng cho phép. Tuy nhiên, một số DN vẫn sử dụng thêm các khoản chi quản lý để hỗ trợ đại lý. Hiện tại, đây là "chiêu" cạnh tranh gay gắt phổ biến nhất trên thị trường. Thứ hai là cạnh tranh bằng cách hạ phí bảo hiểm. Thứ ba là mở rộng các điều khoản bảo hiểm. Những cách làm này trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ chính của các DN bảo hiểm. Điều này khiến năm 2009 nhiều DN bảo hiểm PNT vẫn lỗ ở mảng kinh doanh nghiệp vụ.
Như ông vừa nói thì có thể hình dung DN bảo hiểm PNT càng làm càng lỗ. Vì sao các DN vẫn tiếp tục đẩy mạnh doanh thu phí?
Thị trường bảo hiểm PNT hiện nay có 28 DN hoạt động. Tổng doanh thu bảo hiểm năm 2009 toàn thị trường đạt 13.643 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2008, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc bình quân toàn thị trường chiếm 38,64% doanh thu. Tỷ lệ bồi thường cao, nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm không có lãi nhưng vẫn đẩy mạnh bán hàng chủ yếu rơi vào các DN khát dịch vụ. Các DN thực hiện giao chỉ tiêu doanh thu mà chưa giao chỉ tiêu hiệu quả, nên các chi nhánh, phòng giao dịch tập trung khai thác mà không tính đến hiệu quả kinh doanh. Có những dịch vụ rất rủi ro, DN này nhả ra thì các DN khác lại sẵn sàng nhận bảo hiểm, ví dụ xe taxi, xe liên tỉnh đường dài, xe container lạnh, xe đầu kéo siêu trường, siêu trọng, những dịch vụ hỏa hoạn rủi ro tương đối cao như nhà máy chế biến giấy, gỗ cao su, các chất hóa dầu, tàu biển…, hiện nay tỷ lệ tổn thất rất lớn.
Qua kinh nghiệm kinh doanh, chúng tôi thấy rằng, lĩnh vực nào có tỷ lệ tổn thất tương đối cao thì phải đánh giá rủi ro thận trọng trước khi quyết định có nên nhận bảo hiểm hay không.
Làm thế nào để đảm bảo DN vẫn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn có lãi trong hoạt động kinh doanh chính, thưa ông?
Đây là điều rất khó. Vừa loại trừ các dịch vụ bảo hiểm rủi ro cao nhưng mặt khác vẫn đảm bảo kinh doanh có lãi là mục tiêu của tất cả các DN bảo hiểm. Trong ngành bảo hiểm, muốn đảm bảo duy trì tỷ lệ tổn thất thấp thì giám định bồi thường là hết sức quan trọng. Phải thắt chặt công tác giám định ngay từ đầu. Ví dụ, đối với việc sửa chữa tại các gara ôtô, cần yêu cầu các đơn vị dự toán giá cho từng hạng mục. Nếu để giá cao hơn so với dự toán của công ty thì phải xem xét lại các hồ sơ bồi thường. Khi đã lên biên bản giám định rồi thì không thể thay đổi được.
Tuy nhiên, giám định bồi thường không phải là tất cả. Tôi cho rằng, kiểm soát đầu vào bảo hiểm mới là quan trọng. Đầu vào kiểm soát tốt thì tỷ lệ bồi thường chắc chắn sẽ giảm. Một số DN bảo hiểm hiện nay quan niệm kiểm soát tốt bồi thường, giám định thì bồi thường giảm, nhưng theo tôi không phải như vậy. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đưa ra cơ chế chính sách tài chính phù hợp. Những dịch vụ nào có tổn thất thấp thì đặt cơ chế tài chính phù hợp để anh em khai thác. Những dịch vụ tài chính nào có tỷ lệ tổn thất cao thì cơ chế tài chính cần bó hẹp.
Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, MIC đặt mục tiêu như thế nào trong năm 2010?
Năm 2010, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu toàn Công ty trên 500 tỷ đồng, phấn đấu chi trả cổ tức từ 13 - 15%/năm. Năm 2009, MIC đạt doanh thu 414,6 tỷ đồng, lợi nhuận 50 tỷ đồng. Các cổ đông của MIC cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng kinh doanh. Như vậy, đến năm 2011, MIC sẽ đạt 500 tỷ đồng vốn điều lệ. Trước mắt, MIC sẽ tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng bằng việc phát hành cho cổ đông hiện hữu, CBNV và đối tác chiến lược. Dự kiến, việc tăng vốn được thực hiện vào quý III và quý IV/2010.Việc tăng vốn nhằm giúp MIC có điều kiện mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh, mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch.