Ba chỉ tiêu kinh tế lớn

(ĐTCK) Điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 ở mức 5%, tăng trưởng xuất khẩu khoảng 3% và bội chi ngân sách nhà nước khoảng 7% là những con số chính được các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ nêu lên trong phiên chất vấn ngày 12 và 13/6 vừa qua. Một vấn đề lớn khác được đặt ra tại phiên chất vấn là chúng ta phải làm gì để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn sau giai đoạn khó khăn hiện nay? Bản Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự kiến sẽ đề xuất hướng xử lý cho ít nhất 8 vấn đề liên quan đến mục tiêu trên.
Ba chỉ tiêu kinh tế lớn

Trả lời chất vấn về hiệu quả của gói kích cầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, các chỉ số kinh tế vĩ mô quý I, đặc biệt là 3 tháng gần đây (tháng 3, tháng 4 và tháng 5) có dấu hiệu tăng trưởng rất khả quan, đặc biệt là tốc độ tăng giá trị gia tăng trong ngành xây dựng từ âm 0,4% trong năm 2008 tăng lên 6,8% trong quý I/2009 và có khả năng tăng cao hơn trong những quý sau. Nhờ các biện pháp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, hoạt động của thị trường trong nước khá sôi động, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng 5 tháng đầu năm đạt 21% là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện xuất khẩu đang gặp khó khăn.

Với những xu hướng chuyển biến tích cực như trên và tác động của gói kích cầu trong những tháng tới, dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II có thể cao hơn quý I/2009, đạt khoảng 3,8 - 4,2%, các quý III, quý IV sẽ tăng cao hơn, tương ứng khoảng 5,6 - 6,5% và 6,8 - 7,4%. Trên cơ sở này, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 sẽ khoảng 4,7 - 5,5%”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dự báo. Tuy nhiên, để chủ động trong điều hành, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội thông qua chỉ tiêu điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm nay khoảng 5%.

Mặc dù rất lạc quan về dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, song Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng tỏ ra khá lo lắng về hoạt động xuất khẩu. “Xuất khẩu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, do thương mại toàn cầu có thể giảm tới 11% - mức giảm lớn nhất trong 7 thập kỷ qua. Trong những tháng tới, xuất khẩu của nước ta sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các đối tác lớn và truyền thống của thị trường xuất khẩu nước ta hạn chế ký tiếp các đơn hàng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu”, ông nói. Hiện có một số yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, như việc mở lại thị trường thủy sản lớn là Nga và Brazil; giá một số mặt hàng có kim ngạch lớn và có lợi thế như dầu thô và nông sản, thủy sản đang có xu hướng tăng, nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 có thể chỉ đạt khoảng 3 - 5% so với năm 2008. Chính vì vậy, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội cho điều chỉnh tăng trưởng xuất khẩu xuống khoảng 3%.

Một chỉ tiêu quan trọng khác là bội chi ngân sách nhà nước. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Chính phủ sẽ cố gắng phấn đấu mức bội chi năm nay là 7% GDP. Mức này sẽ được giảm dần trong các năm tiếp theo khi nền kinh tế phục hồi sau hàng loạt gói kích cầu của Chính phủ.

Theo góc nhìn của TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP. HCM thì việc Chính phủ đưa ra gói kích cầu đúng lúc được coi như phương thuốc cấp cứu. Phương thuốc đã chữa đúng bệnh, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, vấn đề quan trọng không kém là sau khi bệnh nhân phục hồi thì cần những phương pháp gì để bệnh nhân không chỉ khoẻ mạnh trở lại mà phải có thể lực, trí lực tốt hơn.

Trong các buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu khác cũng đặc biệt lưu ý, sau giai đoạn ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ cần phải chủ động chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững tiếp theo. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, hiện Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Đề án này dự kiến sẽ xử lý ít nhất 8 vấn đề. Thứ nhất là cấu trúc lại mô hình phát triển hay còn gọi là mô hình kinh tế. Thứ hai là tiếp tục cơ cấu ngành hay còn được gọi là cơ cấu sản nghiệp (cơ cấu sản phẩm và nghề nghiệp). Thứ ba là cơ cấu doanh nghiệp, cần phải xem lại cấu trúc của mô hình như hiện nay hợp lý hay chưa. Thứ tư là cơ cấu thị trường, đánh giá xem thị trường trong nước thế nào, thị trường xuất khẩu ra sao, có nên dựa chủ yếu vào một thị trường hay không? Thứ năm là cơ cấu thể chế kinh tế. Thứ sáu là cơ cấu nguồn nhân lực. Thứ bảy là cơ cấu vùng miền, khu vực kinh tế. Và cuối cùng là cơ cấu đầu tư.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, so với các năm trước, những khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam  vẫn còn khá nan giải, nhưng điểm mà người dân thấy yên lòng hơn lại là ở độ mở của các thông tin kinh tế vĩ mô từ cấp điều hành cao nhất đến người dân. Mặc dù những chỉ tiêu kinh tế lớn của Việt Nam có thể sẽ được điều chỉnh để phù hợp với thực tế, nhưng chính sự điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam bước tiếp một cách vững chắc hơn. TTCK - vốn được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế - vì thế cũng sẽ có những căn cứ xác thực hơn để thể hiện mình.

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục