Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo trên tại Báo cáo Điểm lại Tình hình Kinh tế Việt Nam, tháng 3/2023, vừa công bố sáng ngày 13/3. Nguyên do, theo WB, tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.
Cũng trong Báo cáo, tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam được dự kiến là 6,5%, khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi.
Như vậy, so với lần dự báo gần nhất, vào tháng 1/2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo đánh giá của WB không thay đổi.
Trong buổi công bố, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhắc tới bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định và biến động của năm 2022, khiến kinh tế toàn cầu 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro.
“Chỉ vài ngày trước, chúng ta đã chứng kiến việc đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), ngân hàng lớn thứ mười sáu ở Hoa Kỳ. Tác động của sự kiện này sẽ tiếp tục được thấy trong những ngày và tuần tới, có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm sát sao cũng như hành động kịp thời của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, trong đó có Việt Nam”, bà Carolyn Turk nói.
Báo cáo này của WB nhằm để điểm lại tình hình 6 tháng qua và giai đoạn tới.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 – với tốc độ tăng trưởng mạnh ở mức 8%, cao nhất trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng mạnh này một phần do hiệu ứng xuất phát điểm thấp của năm 2021.
Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước phục hồi sau thời kỳ phong tỏa và xuất khẩu đạt kết quả khá vững chắc trong ba quý đầu năm. 3 tháng đầu năm 2023, tình hình vẫn khá tốt, với sự cam kết mạnh mẽ của khu vực FDI...
Tuy nhiên, bà Carolyn Turk nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể còn đạt được kết quả cao hơn nữa nếu việc triển khai thực hiện ngân sách, đặc biệt là đầu tư công, chi tiêu công hiệu quả hơn.
“Vai trò của chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ và thực thi hiệu quả sẽ tiếp tục đóng vai trò cốt yếu đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình toàn cầu có nhiều bất ổn”, Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng phải nói thêm, triển vọng của Việt Nam phản ánh những bất định gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu.
Rủi ro theo hướng suy giảm bao gồm tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro, điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, lạm phát trong nước gia tăng, bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình đang bộc lộ những yếu kém, và khu vực tài chính đang có nguy cơ dễ tổn thương.
Khó khăn ở trong nước và nước ngoài đòi hỏi phải ứng phó chính sách theo hướng thận trọng, và dựa vào bằng chứng, dữ liệu, theo nội dung báo cáo. Trong đó bao gồm quản lý chặt liên hệ giữa trăng trưởng và lạm phát, và giám sát chắc khu vực tài chính.
Thuận lợi bao gồm việc phục hồi tăng trưởng toàn cầu có thể nhanh hơn dự kiến và nâng xuất khẩu, và vì vậy tăng trưởng có thể cao hơn dự tính cơ sở.
“Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định tại buổi công bố Báo cáo.
Với quan điểm này, bà khuyến nghị thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.
“Chúng ta không chỉ nghĩ đến việc phục hồi sau Covid-19 mà quan trọng là hướng tới tăng trưởng trong dài hạn, để xem đâu là các hoạt động đầu tư cần thiết. Vì các hoạt động đầu tư vào thời điểm này sẽ quyết định nền kinh tế sẽ có gì trong 10-20 năm tới”, bà Carolyn Turk khuyến nghị.