Australia sẽ cung cấp hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong ít nhất 5 năm tới

Dự kiến ngày mai (9/7), đại diện Chính phủ Australia sẽ có họp tham vấn cấp cao với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thảo luận các mục tiêu của Kế hoạch Viện trợ giai đoạn 2015-2020 thay thế Chiến lược chung về Chương trình viện trợ Australia - Việt Nam giai đoạn 2010-2015. Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman đã trao đổi với Báo Đầu tư về nội dung trên.
Đại sứ Australia Hugh Borrowman và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng chủ tọa tọa đàm về Kiểm soát Chất lượng nước diễn ra tại Hà Nội, tháng 3/2015 Đại sứ Australia Hugh Borrowman và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng chủ tọa tọa đàm về Kiểm soát Chất lượng nước diễn ra tại Hà Nội, tháng 3/2015

Ông Hugh Borrowman nói: "Ở Việt Nam, việc gắn kết chương trình viện trợ của chúng tôi với đường hướng phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam cũng có nghĩa rằng chương trình viện trợ của chúng tôi đang được lên kế hoạch để chuyển đổi từ viện trợ truyền thống sang hình thức hỗ trợ mang tính phản hồi và tập trung cao hơn.

Australia vẫn tiếp tục cam kết thực hiện một chương trình viện trợ tập trung và có chất lượng cao nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành một đất nước công nghiệp hóa vào năm 2020".

Việt Nam đã trở thành đất nước có thu nhập trung bình ở cấp độ thấp, nhưng vẫn cần rất nhiều nguồn lực và hỗ trợ để phát triển kinh tế. Liệu Việt Nam có thể trông đợi tiếp tục nhận được viện trợ của Australia trong thời gian bao lâu?

Australia đã truyền thống nhiều năm cung cấp hỗ trợ phát triển cho Việt Nam và chương trình viện trợ của chúng tôi đã thu được không ít thành tựu, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng hai cây cầu quan trọng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là cầu Mỹ Thuận mà chúng ta đang kỷ niệm 15 năm khánh thành trong năm nay và cầu Cao Lãnh đang trong quá trình thi công. Chúng tôi cũng rất tự vào vì đã cung cấp được hơn 5.700 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Australia.

Chúng tôi hoan nghênh những bước phát triển kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam và việc Việt Nam sẽ không còn nằm trong danh sách nhận viện trợ phát triển, về lâu dài, cũng là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, Australia cũng ghi nhận rằng, Việt Nam vẫn cần có những hỗ trợ trong giai đoạn phát triển này và vì vậy, chúng tôi cam kết cung cấp hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong ít nhất 5 năm tới.

Được biết, Australia và Việt Nam sẽ thảo luận về khuôn khổ chương trình viện trợ của Australia cho Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020. Liệu có sự thay đổi về các lĩnh vực trọng tâm của chương trình hỗ trợ này cho Việt Nam?

Ông Hugh Borrowman 

Đúng vậy. Vào ngày mai (9/7), chúng tôi sẽ có cuộc họp tham vấn cấp cao được tổ chức định kỳ hai năm một lần với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong cuộc họp này, chúng tôi sẽ thảo luận các mục tiêu của Kế hoạch Viện trợ (Aid Investment Plan -AIP) cho giai đoạn 2015-2020. Kế hoạch 5 năm này sẽ thay thế Chiến lược chung về Chương trình Viện trợ Australia - Việt Nam giai đoạn 2010-2015.

Trọng tâm của Chương trình viện trợ mới của Australia sẽ gắn với các ưu tiên đã được nêu trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam, đồng thời phù hợp với Kế hoạch Hành động song phương giai đoạn 2015-2017 đang được hai nước thảo luận.

Với sự phát triển kinh tế hiện tại của Việt Nam, chương trình viện trợ của chúng tôi sẽ chuyển hướng từ việc hỗ trợ cho các dịch vụ thiết yếu sang thiết lập quan hệ đối tác kinh tế.

Theo đó, chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong cải cách kinh tế của Australia và tìm kiếm những cách làm mới, sáng tạo để tận dụng tối đa các nguồn lực công và thúc đẩy đầu tư nhiều hơn của khu vực tư nhân.

Các quan hệ đối tác về kinh tế thể hiện sự tăng cường trong quan hệ hợp tác phát triển hiện có giữa hai nước và ghi nhận mục tiêu hướng đến công nghiệp hóa vào năm 2020 của Việt Nam.

Bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân dường như là những lĩnh vực ưu tiên mới trong chương trình viện trợ quốc tế của Australia. Liệu Australia sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực này trong những năm tới đây?

Chắc chắn rồi. Trong vòng 5 năm tới, sẽ có một bước chuyển về trọng tâm của Australia trong lĩnh vực cải cách kinh tế, phát triển khu vực tư nhân và hỗ trợ một loạt các dự án cơ sở hạ tầng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác với các đối tác như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Cục Quản lý Cạnh tranh và Ngân hàng Thế giới.

Chúng tôi sẽ dựa trên kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực như chính sách cạnh tranh để tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân. Chúng tôi sẽ mở rộng công việc này thông qua cách tiếp cận sáng tạo giúp cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho DN bằng việc cắt giảm chi phí tín dụng và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực bình đẳng giới, đây không chỉ là trọng tâm của chương trình viện trợ phát triển quốc tế của Australia, mà còn là trọng tâm của chính sách ngoại giao của chúng tôi. Ở Việt Nam, chúng tôi đang hướng tới mục tiêu 100% các dự án hỗ trợ phát triển của mình đều có đóng góp cho mục tiêu bình đẳng giới.

Bình Châu
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục