
Chạy đua
Mới đây, Ngân hàng Đông Á đã gây bất ngờ với nhiều người bằng việc "thẻ sinh viên có thể rút tiền qua máy ATM" thông qua sự tích hợp công nghệ thẻ ATM của Ngân hàng với công nghệ quản lý sinh viên của các trường đại học.
Ngay lập tức, Incombank lên tiếng cho biết, Ngân hàng đã triển khai dịch vụ này trên thực tế tại hai trường đại học ở Hà Nội và TP. HCM. Thẻ của Incombank cũng có chức năng là thẻ ghi nợ của hệ thống ngân hàng và quản lý sinh viên của các trường đại học. Tại các máy rút tiền ATM, sinh viên có thể rút tiền, gửi tiền, mua thẻ điện thoại, thanh toán cước phí và gửi tiền tiết kiệm. Đồng thời, chiếc thẻ này còn thay thế cho thẻ sinh viên khi ra vào thư viện, phòng máy, thanh toán học phí và nhận học bổng.
Cuộc đua thêm phần thú vị khi VIB Bank vừa cho biết, Ngân hàng đang cùng 12 trường đại học phát hành 80.000 thẻ có chức năng tương tự và xem đây là hướng đi mới để phát triển dịch vụ thẻ của mình.
Không dừng lại ở đối tượng sinh viên và giảng viên các trường đại học, các ngân hàng đều bày tỏ tham vọng tiến vào khu vực hành chính công và các doanh nghiệp có khả năng ứng dụng công nghệ trong quản lý. Thẻ ATM sẽ trở nên gần gũi hơn trong hoạt động hàng ngày của mọi người khi nó không chỉ để rút tiền mà còn để quản lý công việc.
Ngoài việc mở rộng khách hàng bằng cách lựa chọn đối tượng tiềm năng, các ngân hàng còn tìm kiếm các dịch vụ để mở rộng và khẳng định ưu thế của mình. Các loại thanh toán đơn giản như: tiền điện thoại, điện nước, bảo hiểm, thanh toán tại các siêu thị nhà hàng... đều được các ngân hàng ứng dụng vào thẻ. Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà những "đại gia" lớn như BIDV cũng tham gia lĩnh vực này khi phối hợp với Viettel để thu tiền điện thoại.
Incombank hiện đang có những bước đi đầu tiên trong việc phối hợp với Petrolimex để triển khai thanh toán qua thẻ trong việc mua bán xăng dầu không dùng tiền mặt. Incombank và đối tác sẽ cung cấp công nghệ, thiết bị đầu cuối để thí điểm công nghệ này tại 5 điểm bán xăng dầu ở Hà Nội, sau đó sẽ mở rộng ra cả nước hình thức mua bán xăng tự động, không cần tiền mặt. Nếu thành công, công nghệ này cũng có thể áp dụng cho thanh toán phí cầu đường, mua sắm trực tuyến...
Dịch vụ thẻ chưa có lãi, các sản phẩm phát triển trên công nghệ thẻ hiện còn ít người tham gia và chưa phổ biến. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn mạnh dạn đầu tư và coi đây là một nhân tố chủ yếu để phát triển bán lẻ. Vì thế, có thể thấy, thời điểm cho chiếc thẻ ATM lột xác đã bắt đầu. Cuộc cạnh tranh giành khách hàng cho dịch vụ thẻ sẽ rất quyết liệt vì các ngân hàng không ai muốn chậm chân tìm địa dư cho dịch vụ bán lẻ sau này.
Nỗ lực
Cùng với việc phát triển hệ thống phân phối truyền thống, các ngân hàng đang phải chấp nhận đầu tư khá lớn cho các điểm phân phối hiện đại của mình, cụ thể là máy ATM và các điểm chấp nhận thẻ.
Ngân hàng Vietcombank hiện đang dẫn đầu về số lượng máy ATM cho biết, Ngân hàng không thể để mất vị trí này và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh để để hướng tới con số 1.200 máy ATM trong thời gian ngắn sắp tới. Còn BIDV sẽ nâng con số 700 máy ATM hiện nay lên gần 1.000 máy vào đầu năm tới. Trong khi đó, VP Bank đang bắt tay thực hiện việc nhập khẩu và lắp đặt dần 1.000 máy ATM.
Các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh việc kết nối liên thông với nhau. CTCP Chuyển mạch tài chính quốc gia (Banknet) hiện đang chạy bước đầu khá tốt và liên thông được nhiều ngân hàng. Liên minh thẻ của Vietcombank cũng đang thực hiện kế hoạch kết nối của mình. Đại diện Cục Tin học Ngân hàng cho biết, có thể đến cuối năm 2008, mạng lưới ATM của các ngân hàng sẽ được kết nối liên thông. Nếu điều này là sự thực thì các ngân hàng sẽ được lợi rất nhiều khi mạng lưới thanh toán của mình được mở rộng đáng kể. Tuy có chậm nhưng phải nói là các ngân hàng đã nỗ lực rất nhiều để đưa chiếc thẻ ATM trở nên thuận tiện và thông dụng hơn. Số lượng thẻ tăng lên mạnh mẽ qua từng mốc thời gian là một thành công ghi nhận điều này.
Trong khi đó, chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ về trả lương qua tài khoản đối với toàn bộ công chức nhà nước là điều kiện thuận lợi để ngân hàng phát triển dịch vụ thẻ của mình. Để hấp dẫn và giữ được khách hàng trong điều kiện thị trường đã mở cửa, cạnh tranh ngày càng gay gắt thì cách bền vững nhất vẫn là phải làm cho chiếc thẻ ATM trở nên tiện dụng hơn. Điều này bắt buộc các ngân hàng phải bước vào giai đoạn đầu tư mới cả về tiền bạc và chất xám để đưa giá trị sử dụng của chiếc thẻ ATM lên một nấc mới.