ATC "thắp" lên tia hy vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù chưa thể lấy lại mốc tham chiếu nhưng pha "quay xe" đầy bất ngờ trong đợt khớp lệnh ATC đã giúp thị trường bảo toàn được mốc 1.100 điểm.
ATC "thắp" lên tia hy vọng

Tâm lý thận trọng sau những biến động không như mong đợi trong 2 phiên cuối tuần trước khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm trong suốt cả phiên sáng và tiếp tục lan sang phiên giao dịch chiều.

Thị trường mở cửa phiên chiều vẫn trong trạng thái lình xình và rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài giao dịch thăm dò, tâm lý mất kiên nhẫn đã khiến nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra khiến thị trường bắt đầu chìm trong sắc đỏ sau thời điểm 14h.

Áp lực bán gia tăng và lan rộng đã khiến VN-Index không giữ nổi mốc 1.100 điểm và lùi về sát mốc 1.090 điểm. Khi thị trường đang dần chuẩn bị tâm lý cho phiên không mấy khả quan khi ngưỡng hỗ trợ MA5 xuyên thủng và VN-Index tiếp tục lui xuống các hỗ trợ thấp hơn tại đường MA10-MA20 là 1.080-1.085 điểm, thì bất ngờ đã xảy ra ngay khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.

Lực cầu gia tăng mạnh tại thời điểm này đã giúp nhiều mã lớn và bé hồi phục. Qua đó, chỉ số VN-Index đã lấy lại thành công mốc 1.100 điểm cùng thanh khoản đạt hơn 16.000 tỷ đồng. Dù dòng tiền có phần kém sôi động hơn so với 3 phiên giao dịch bùng nổ trước đó, nhưng đã vượt mức trung bình của 20 phiên giao dịch gần đây.

Diễn biến trên giúp nhà đầu tư kỳ vọng thị trường đang trong xu hướng tích lũy và sẽ sớm tìm được cân bằng để lấy lại xu hướng hồi phục.

Chốt phiên, sàn HOSE có 188 mã tăng và 321 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 1,61 điểm (-0,15%) xuống 1.100,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 789,44 triệu đơn vị, giá trị 16.040,78 tỷ đồng, giảm 23,36% về khối lượng và giảm 22,76% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 10/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 59,25 triệu đơn vị, giá trị 1.584,68 tỷ đồng.

Góp phần tích cực giúp thị trường bật hồi và bảo toàn mốc 1.100 điểm là cặp đôi HPG và SSI khi đóng cửa đều tăng hơn 2%, lần lượt đóng góp hơn 1 điểm và gần 0,25 điểm cho chỉ số chung.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng góp mặt khá nhiều trong top làm giảm chỉ số chung như VCB và VPB cùng lấy gần 0,7 điểm của chỉ số chung, SSB lấy đi 0,47 điểm…

Xét về nhóm ngành, nhóm bật hồi ấn tượng nhất chính là chứng khoán. Nhiều mã trong nhóm chứng khoán đã đảo chiều tăng hoặc nới rộng biên độ ngay trong đợt khớp lệnh ATC, điển hình là VIX đảo chiều thành công và đóng cửa tăng 1,3% lên mức 15.950 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 45,32 triệu đơn vị.

Đáng chú ý vẫn là cổ phiếu SSI giữ mức tăng 2,11%, đóng cửa tại mốc 31.450 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường với hơn 20,86 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, CTS tăng 2,6%, FTS tăng 1,9%, trong top cổ phiếu lớn có VCI và HCM cũng đóng cửa tăng hơn 1%.

Tuy nhiên, dẫn đầu thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu thép với HPG đóng cửa tăng 2,64%, HSG tăng 4,12%, NKG tăng 4,88%, POM tăng 2,1%, TLH tăng 1,8%, SMC giữ vững đà tăng trần. Đồng thời đây cũng là nhóm hoạt động sôi động với HPG khớp lệnh hơn 44 triệu đơn vị, HSG và NKG khớp lệnh trên dưới 20 triệu đơn vị…

Mặt khác, với diễn biến không mấy khả quan của các mã đầu ngành đã khiến nhóm cổ phiếu bất động sản điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, nhiều mã nóng vẫn đóng cửa trong sắc xanh như DIG, PDR, DXG, HHV, VCG, NLG với mức tăng trên 1-2%.

Điểm nóng trong phiên cuối tuần trước là nhóm cổ phiếu điện có sự phân hóa, trong khi VNE vẫn tăng trần, POW có chút hạ nhiệt khi đóng cửa tăng 1,7%, thì PC1, REE, GEG… giảm nhẹ.

Trên sàn HNX, thị trường cũng bật hồi về cuối phiên nhưng chưa lấy lại được sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 53 mã tăng và 107 mã giảm, HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,24%) xuống 226,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 92,31 triệu đơn vị, giá trị 1.731,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,26 triệu đơn vị, giá trị 97,63 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn có giao dịch vượt trội thị trường với 33,88 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng nhẹ 0,6% lên mức 17.500 đồng/CP. Ngoài ra, các mã khác trong nhóm HNX30 như MBS, PVC, TNG đều tăng trên 1-2% và thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.

Đáng chú ý là cặp PVS và PVC tăng tốt nhất đều đạt hơn 2,5% lên vùng giá cao trong ngày, lần lượt là 37.400 đồng/CP và 15.200 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 5,43 triệu đơn vị và 1,93 triệu đơn vị.

Trong khi đó, áp lực bán gia tăng đã khiến CEO đảo chiều giảm 1,7% xuống mức 23.100 đồng/CP, thanh khoản vẫn đứng thứ 2 trên thị trường với 14,12 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, thị trường phân hóa mạnh và đã khép lại trong nhịp điều chỉnh nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%) xuống 85,98 điểm với 136 mã tăng và 126 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,17 triệu đơn vị, giá trị 384,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,42 triệu đơn vị, giá trị 25,91 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR giao dịch khá tích cực về cuối phiên và đóng cửa đã khởi sắc trở lại khi tăng 1,1% lên mức 19.000 đồng/CP, cùng thanh khoản tăng vọt lên gần 6,1 triệu đơn vị khớp lệnh,

Bên cạnh đó, cặp đôi chứng khoán là SBS và AAS cùng đóng cửa tăng hơn 1%, với khối lượng giao dịch chỉ thua BSR, lần lượt đạt 2,01 triệu đơn vị và 1,77 triệu đơn vị.

Ở nhóm thép, cổ phiếu TVN giữ mức tăng 4,9%, đóng cửa đứng tại 6.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 0,64 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu. Trong đó, VN30F2311 giảm 1,5 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.107 điểm, khớp gần 283.590 đơn vị, khối lượng mở hơn 42.510 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong đó CVPB2308 khớp lệnh lớn nhất với hơn 6,38 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 23,3% xuống 230 đồng/cq.

Tiếp theo là CHPG2323 khớp 4,73 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,6% lên 380 đồng/cq và CHPG2325 khớp hơn 4,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,7% lên 480 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục