ASG trở thành Công ty mẹ của VFC, “hợp nhất” đường hàng không, đường biển, đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc nâng tỷ lệ sở hữu chi phối tại CTCP VINAFCO (mã chứng khoán: VFC ) được xem là một quyết định đầu tư mang tính chiến lược của Tập đoàn ASG (mã chứng khoán: ASG) nhằm phát triển hệ sinh thái dịch vụ logistics.
ASG trở thành Công ty mẹ của VFC, “hợp nhất” đường hàng không, đường biển, đường bộ

Hoàn thiện mảnh ghép

Thông qua ASG Logistics, Tập đoàn ASG đã trở thành Công ty mẹ của Công ty cổ phần Vinafco, nắm giữ hơn 17,4 triệu cổ phiếu VFC tương đương 51,59% theo thông tin công bố về kết quả giao dịch cổ phiếu ngày 27/5/2022.

ASG là tên tuổi hàng đầu trong ngành logistics hàng không, cũng là một trong số các doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực kho hàng không kéo dài, sở hữu kho hàng không kéo dài quy mô lớn (trên 3 ha) chuyên phục vụ Samsung Thái Nguyên Việt Nam (SEVT) tại Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên. Với hơn 15 công ty thành viên, mạng lưới dịch vụ logistics trải dài từ miền Bắc - miền Nam và tập trung tại các khu công nghiệp, cảng hàng không quốc tế lớn, hiện ASG đang sở hữu tập khách hàng “đắt giá” với những tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, DHL, KGL…

Tuy có tên tuổi và lợi thế nổi trội trong lĩnh vực logistics hàng không, nhưng ASG vẫn còn những mảnh khuyết trong lĩnh vực logistics đường biển, chưa thực cạnh tranh trong lĩnh vực đường bộ, phân phối hàng hóa (D.C). Bên cạnh đó, sự hiện diện của ASG ở miền Trung chưa thực sự rõ nét.

Trong khi đó, VFC được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn với hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics, liên tục đứng trong top 10 các công ty logistics uy tín nhất Việt Nam. Đặt mục tiêu sở hữu chi phối VFC, theo lãnh đạo ASG, đây là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành Logistics, có hệ thống kho bãi trải rộng khắp cả nước và hoạt động trong cả lĩnh vực vận tải đường bộ và đường biển. Đặc biệt, Vinafco sở hữu đội tàu vận tải biển và hơn 3.000 vỏ container nên có lợi thế rất lớn trong bối cảnh “đứt gãy chuỗi cung ứng” do hậu quả của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Vinafco sở hữu 8 công ty thành viên, hệ thống kho bãi lớn tại các địa bàn kinh tế trọng điểm trên khắp cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, Từng vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành những hợp đồng lớn trong nước và Quốc tế như Akzo Nobel (Sơn Dulux), Kimberly-Clark (Kotex), Masan, Saigon Co.op, Big C...

Dù có nền tảng vững chắc và thế mạnh trong mảng logistics đường biển, đường bộ và phân phối hàng hóa…, song ở lĩnh vực logistics hàng không, tuy chỉ chiếm phần nhỏ sản lượng hàng hóa, nhưng có giá trị lớn và biên lợi nhuận hấp dẫn, Vinafco chưa đặt được chân vào lĩnh vực này… Chính vì vậy, việc sở hữu VFC giúp ASG hoàn thành mảnh ghép trọn vẹn cho chuỗi dịch vụ logistics tích hợp của Tập đoàn.

Cộng hưởng gia tăng giá trị

Với sự kết hợp giá trị, ASG và VFC có thể mở rộng danh mục khách hàng của mỗi bên thông qua việc tối ưu hóa và cung cấp dịch vụ logistics tích hợp toàn diện (đường hàng không, đường bộ, đường biển). Bên cạnh đó, với việc VFC chính thức trở thành công ty con trong “hệ sinh thái ASG”, sự kết hợp, tương hỗ về mạng lưới kinh doanh, cơ sở vật chất, hệ thống kho bãi, phương tiện vận tải, trung tâm phân phối, công nghệ và tri thức…cũng sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường logistics Việt Nam.

Sở hữu thêm thương hiệu Vinafco sẽ không chỉ “gia tăng sức mạnh” của ASG tại các trung tâm logistics hiện có trong các khu công nghiệp, cảng hàng không quốc tế lớn, mà còn giúp Tập đoàn này phát triển, nâng tầm dịch vụ logistics tại những khu vực tiềm năng, trọng điểm về logistics trong tương lai như Cảng HKQT Long Thành, hệ thống cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng và khu vực miền Trung, Hải Phòng… nâng cao giá trị thương hiệu ASG, VFC, để tăng năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần logistics tại Việt Nam.

“Nắm giữ chi phối cổ phần Công ty Vinafco để kiện toàn hệ sinh thái trụ cột logistics của ASG, qua đó phát triển các giá trị cộng hưởng, gia tăng uy tín, thương hiệu và sự hiện diện thương hiệu về mặt địa lý tại các tỉnh, thành” lãnh đạo ASG chia sẻ.

Ngoài lĩnh vực dịch vụ logistics, Tập đoàn ASG còn có 2 lĩnh vực kinh doanh chiến lược khác là dịch vụ hàng không, đầu tư hạ tầng và phát triển khu công nghiệp. Trong đó, lĩnh vực đầu tư hạ tầng và phát triển khu công nghiệp là tương đối mới mẻ và ít lợi thế hơn nếu so sánh với 2 lĩnh vực còn lại của ASG. Tuy nhiên, với định hướng phát triển và vận hành các khu công nghiệp với tiện ích nổi bật là các trung tâm logistics tích hợp ngay trong khu công nghiệp, việc sở hữu chi phối VFC cũng sẽ giúp ASG có được những năng lực và lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đang rất hấp dẫn hiện nay.

Năm 2021, ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid 19, kết quả kinh doanh hợp nhất của ASG chưa đạt được như kỳ vọng (sụt giảm từ lĩnh vực phục vụ hành khách hàng không) với doanh thu 722 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 35 tỷ đồng.

Mặt khác, năm 2021, VFC ghi nhận doanh thu 1.245,2 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020, lợi nhuận tăng đột biến đạt 47,38 tỷ đồng, tăng gần 400%. Theo BCTC hợp nhất mới công bố, ngay trong quý I/2022, VFC đã đạt lợi nhuận sau thuế 42,4 tỷ đồng, tương đương 89,8% so với kết quả thực hiện cả năm 2021 (47,3 tỷ đồng).

Biểu đồ kết quả kinh doanh 2020, 2021 và quý I/2022 của VFC

Biểu đồ kết quả kinh doanh 2020, 2021 và quý I/2022 của VFC

Nếu nhìn vào kết quả 2021 của ASG và VFC, không khó để biết trước về sự tăng trưởng đột biến về cả doanh thu, lợi nhuận và tổng tài sản trong kết quả kinh doanh 2022 hợp nhất của ASG. Trong năm 2022, ASG được dự báo sẽ có những phát triển bứt phá bởi những lợi thế sẵn có từ nội tại doanh nghiệp và những tín hiệu, điều kiện tích cực của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Biểu đồ dự báo tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản của ASG hợp nhất 2022, so với 2021

Biểu đồ dự báo tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản của ASG hợp nhất 2022, so với 2021

VFC trở thành thành viên trong hệ sinh thái ASG được giới phân tích nhận định là sự kết hợp hoàn hảo khi hai bên có thể bổ trợ cho nhau, hoàn thiện các mảng dịch vụ trong ngành logistics. Sự cộng hưởng này giúp doanh nghiệp gia tăng chuỗi giá trị, tạo thế chân kiềng vững chắc cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong dài hạn.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục