ASEAN thảo luận và thống nhất nhiều nghị trình hợp tác phát triển năng lượng khu vực

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Để đạt được mục tiêu phát triển ngành năng lượng bền vững cho ASEAN, ngoài nỗ lực từ các Chính phủ của nước ASEAN trong thiết lập các cơ chế, chính sách phù hợp thì sự tham gia của các doanh nghiệp năng lượng cũng vô cùng quan trọng.

ASEAN thảo luận và thống nhất nhiều nghị trình hợp tác phát triển năng lượng khu vực

Do đó, rất cần các doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ các nước ASEAN trong thời gian tới để thúc đẩy, xây dựng ngành năng lượng bền vững, xanh, sạch và kết nối mạnh mẽ trong khu vực ASEAN.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM) lần thứ 38 và Diễn đàn doanh nghiệp năng lượng ASEAN diễn ra ngày 19/11 trong khuôn khổ các sự kiện Hội nghị và Diễn đàn về Năng lượng ASEAN 2020 từ ngày 17-20/11 do Việt Nam chủ trì với vai trò là nước chủ nhà và chủ tịch của Hội nghị AMEM lần thứ 38 và các hội nghị liên quan.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN thường niên được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn năng lượng của 10 nước thành viên, thu hút sự tham gia của hàng loạt tổ chức và các tập đoàn năng lượng lớn trong khu vực ASEAN cũng như các tập đoàn đoàn, Tổng công ty thuộc lĩnh vực năng lượng, dầu khí, than của Việt Nam.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong hợp tác năng lượng ASEAN, việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng giai đoạn 1 (2016 - 2020) đã đạt được các thành tựu đáng kể. Cụ thể, cường độ năng lượng khu vực ASEAN hiện đã giảm 21,4% so với năm 2005, vượt mục tiêu ban đầu là giảm 20% vào năm 2020;

Kết nối đường ống dẫn khí đạt chiều dài gần 4000 km qua 6 quốc gia (Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam) và hình thành 9 trung tâm khí hóa lỏng LNG với tổng công suất là 37,5 triệu tấn/năm; Tăng thêm các dự án kết nối lưới điện giúp tăng công suất trao đổi điện năng lên 10.800 MW vào năm 2020 và sau 2020 tăng lên hơn 16.000MW;

Triển khai Dự án thí điểm liên kết, trao đổi điện đa phương giữa Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore thành công giai đoạn 1 với sự kết nối, thực hiện giao dịch mua bán điện giữa Lào và Malaysia thông qua lưới điện của Thái Lan từ tháng 01 năm 2018;

Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của khu vực ASEAN ngày càng tăng cao, hướng tới đạt được mục tiêu tỷ lệ gia tăng năng lượng tái tạo là 23% trong năm 2025.

Tại Hội nghị lần thứ 38 này, với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN quan tâm thúc đẩy các vấn đề ưu tiên tới đây bao gồm:

Thông qua được Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng giai đoạn 2, 2021 - 2025 (APAEC Giai đoạn 2), trong đó đề xuất mục tiêu và hành động cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tăng cường khả năng phục hồi qua trao đổi, hợp tác sâu hơn, tăng cường kết nối và trao đổi mua bán điện song phương và đa phương.

Thông qua được ấn phẩm “Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6”, cung cấp các nhà hoạch định chính sách các thông tin, hiểu biết về xu hướng, các thách thức của khu vực trong vấn đề năng lượng để tất cả các nước thành viên ASEAN tham gia tích cực vào quá trình này.

Thống nhất thông qua mục tiêu về tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng khu vực ASEAN, là cơ sở để thúc đẩy việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo của khu vực trong giai đoạn tới; đồng thời đưa ra được các sáng kiến về chính sách nhằm tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện ASEAN, hướng tới tương lai ổn định về các nguồn năng lượng cho khu vực.

Đề xuất các biện pháp, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng nhằm đạt được mức giảm cường độ năng lượng tích cực hơn trong các năm tới.

Đề xuất các biện pháp, kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực về quản lý, tài chính và công nghệ năng lượng ở các mức độ khác nhau để hướng tới các chính sách đa dạng hóa phát triển năng lượng trong khu vực ASEAN; nghiên cứu các cơ chế để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và đường dây truyền tải.

Đồng thời đưa ra các định hướng, hướng dẫn để tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ công tác, nhóm làm việc về các nội dung chuyên ngành trong hợp tác năng lượng ASEAN.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An bày tỏ đánh giá cao dấu mốc quan trọng tại Hội nghị lần này, đánh dấu cho sự phát triển liên kết lưới điện và trao đổi điện đa phương trong khu vực ASEAN; Đó là việc ký kết Biên bản ghi nhớ triển khai giai đoạn 2 của Dự án Liên kết lưới điện đa phương giữa bốn nước thành viên Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore (Dự án LTMS-PIP giai đoạn 2).

“Tôi đánh giá cao các kết quả đạt được của giai đoạn 1 Dự án LTMS-PIP với sự liên kết lưới điện giữa ba nước Lào, Thái Lan và Malaysia được triển khai từ năm 2018; và tôi tin tưởng rằng giai đoạn 2 của Dự án LTMS-PIP với sự tham gia của Singapore và công suất cam kết trao đổi giữa các bên tăng lên 300 MW (so với 200 MW trong giai đoạn 1) dự kiến triển khai từ năm 2022 cũng sẽ đem lại các kết quả tích cực.

Với các kết quả đáng khích lệ trong triển khai Dự án liên kết lưới điện LTMS-PIP, tôi hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các dự án liên kết, trao đổi mua bán điện đa phương giữa các nước thành viên ASEAN; qua đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường trao đổi điện đa phương khu vực ASEAN”, Thứ trưởng An nhấn mạnh.

Với chủ đề hợp tác năng lượng năm 2020 là: “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững trong khu vực ASEAN”, trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh Covid-19 còn thường trực, Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn thống nhất thúc đẩy nỗ lực và sáng kiến ứng phó với Covid-19; tăng cường hợp tác để hoàn thành các các chỉ tiêu về năng lượng năm 2020. Trên tinh thần của một cộng đồng ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cùng với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế, Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn tin tưởng các cam kết về phát triển năng lượng ASEAN và quá trình chuyển dịch năng lượng chắc chắn sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hướng tới mục tiêu xây dựng ngành năng lượng ASEAN bền vững và thân thiện với môi trường.

Trước đó, tại Diễn đàn Năng lượng Đông Á lần thứ 3, đại diện phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn. Thứ trưởng khẳng định đóng góp ý nghĩa của công nghệ CCUS mang lại trong việc thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng các công nghệ về CCUS còn đang gặp rất nhiều thử thách, yêu cầu phải qua những bước thử nghiệm, thí điểm ở quy mô lớn.

Một số chính phủ ở các quốc gia phát triển đã và đang tiến hành những nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy và ứng dụng các công nghệ CCUS trong các ngành công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất điện năng. Thứ trưởng cũng chỉ rõ, trước khi công nghệ CCUS được chuyển giao từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, rất cần có sự trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm cũng như kiến thức cần thiết để tránh được những rủi ro đầu tư, đồng thời hỗ trợ công tác hoạch định chính sách một cách hiệu quả, đặc biệt về các cơ chế tài chính liên quan.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đề cập đến những nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam thể hiện qua bản Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) đã trình UNFCCC (Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu) vào tháng 9 năm 2020. Trong đó, Việt Nam cam kết giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính là 9% với đóng góp quốc gia tự thực hiện và 27% với sự hỗ trợ quốc tế so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Để thực hiện những cam kết quốc tế đã ký kết, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều chính sách liên quan đến tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Phát triển CCUS đòi hỏi sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ từ tất cả các quốc gia. Nhận thức rõ ràng được điều này, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của phía Nhật Bản về tổ chức Diễn đàn Năng lượng Đông Á và đặc biệt là chủ đề CCUS của Diễn đàn lần thứ 3 năm nay. Những quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm được trao đổi tại Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy nghiên cứu xây dựng chính sách và áp dụng công nghệ CCUS trong khu vực.

Diễn đàn Năng lượng Đông Á lần thứ 3 là một trong các sự kiện quan trọng của Diễn đàn Năng lượng Châu Á năm 2020 (Asia Energy Business Forum – AEBF) được tổ chức nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN, Hội nghị quan chức cấp cao năng lượng ASEAN lần thứ 38 và các Hội nghị liên quan năm 2020.

Trong khuôn khổ hợp tác năng lượng các nước Đông Á với ASEAN thuộc nhóm các nước hợp tác năng lượng ASEAN và các đối tác thường niên, năm 2017, Nhật Bản đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn Năng lượng Đông Á (the East Asia Energy Forum, viết tắt là EAEF). Diễn đàn nhằm tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách năng lượng các nước ASEAN và Đông Á trao đổi tập trung, chuyên sâu hơn về các chính sách mang tính định hướng cho phát triển năng lượng trong khu vực ASEAN với sự hỗ trợ của các nước Đông Á.

Trong khuôn khổ chuỗi các Hội nghị và Diễn đàn về Năng lượng ASEAN diễn ra các sự kiện chính bao gồm: Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 (AMEM 38); Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN+3 lần thứ 17 (AMEM+3); Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á (EAS EMM) lần thứ 14; Hội nghị tham vấn giữa các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN với IEA, IRENA; Hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á và các Tổ chức Năng lượng quốc tế; Đối thoại Bộ trưởng – CEO, Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2020 (AEBF).

Tại các sự kiện này, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn các nước tham gia đã xem xét báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về năng lượng 2016-2025 (APAEC) giai đoạn 1: 2016-2020; Thông qua các dự thảo cho APAEC giai đoạn 2: 2021-2025; Thông qua ấn phẩm “Tầm nhìn Năng lượng ASEAN số 6”; Tổng kết hoạt động của các mạng lưới ASEAN về năng lượng theo từng chuyên ngành gồm: Than&Công nghệ than sạch, Tiết kiệm và Hiệu quả năng lượng, Năng lượng tái tạo, Kế hoạch và Chính sách Năng lượng khu vực, Năng lượng nguyên tử dân dụng; Xem xét thông qua kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể với các Đối tác đối thoại của ASEAN như: ASEAN+3, các nước Đông Á, IEA, IRENA, ERIA, ACE…

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục