Apple trốn 17 triệu USD thuế mỗi ngày

Chỉ trong 2 năm, Apple đã lách được 12,5 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ bằng cách dựng lên các công ty con ở nước ngoài rồi chuyển tiền qua đó. Một ngày trốn thuế của Apple giá trị hơn một năm làm việc của nhiều công ty khác.
Apple trốn 17 triệu USD thuế mỗi ngày

 

 Apple trốn 17 triệu USD thuế mỗi ngày ảnh 1

CEO Tim Cook của Apple trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ về cáo buộc trốn thuế từ Ủy ban thường trực về điều tra. Ảnh: AP

 

CEO Tim Cook của Apple đang có phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm nay. Phần "hay nhất" nằm trong bản báo cáo của Tiểu ban thường trực về điều tra của Thượng viện đã tiết lộ chi tiết về kế sách mà "ông lớn" trong làng công nghệ này sử dụng để lách thuế ngay tại Mỹ, theo cách gọi của báo chí  là "kế hoạch trốn thuế thiên tài".

 

Theo đó, Apple đã sử dụng rất nhiều công ty nằm ở nước ngoài để luân chuyển hàng tỷ USD từ Mỹ sang Ireland và một số quốc gia khác. Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ là 35%, trong khi đó Apple đã thương thuyết được với Ireland để hưởng mức thuế chưa tới 2%.

 

Apple Operations International (AOI), công ty "bình phong" đặt tại Ireland, là cái tên chính trong hệ thống mà Táo khuyết đã dựng lên. Được thành lập và đăng ký kinh doanh từ năm 1980, AOI có nhiệm vụ giữ tiền của Apple ở nước ngoài từ các công ty khác nhau, đồng thời phân phối tài sản đi khi cần. Dưới AOI còn một số tên khác như Apple Operations Europe, Apple Distribution International và Apple Singapore.

 

Apple cũng không có đại diện chính thức nào cho AOI và sự thật là công ty cũng không hề có một nhân viên nào trong suốt 33 năm qua. Trên giấy tờ, AOI có 2 giám đốc và một lãnh đạo khác, trong đó 2 người sống ở California. Có 32 trên tổng 33 cuộc họp ban lãnh đạo của công ty tổ chức tại Cupertino (nơi đặt trụ sở Apple) thay vì Cork (nơi đăng ký công ty). Gây sốc nhất là AOI không hề trả một đồng thuế nào từ khi hoạt động, dù ở đâu. Kết quả điều tra cho thấy công ty đạt lợi nhuận ròng 30 tỷ USD từ năm 2009 đến 2012 nhưng không khai báo thuế. Từ 2009 - 2011, AOI chiếm 30% lợi nhuận Apple trên toàn cầu.

 

Để đi được nước cờ cao này, Apple đã lợi dụng luật của cả hai nước Mỹ và Ireland. Tại Mỹ, công ty bị áp thuế dựa vào nơi thành lập công ty, trong khi đó luật pháp Ireland quy định đánh vào vị trí của người quản lý. Apple đã "lách" cả hai khi lập công ty ở Ireland rồi quản lý từ Mỹ nên nghiễm nhiên không phải nộp thuế ở đâu.

 

Apple Sales International (ASI) cũng đóng góp đáng kể vào hệ thống trốn thuế ưu việt của Apple. ASI mua thiết bị thành phẩm của Apple thông qua các nhà sản xuất hợp tác tại Trung Quốc (ví như Foxconn), rồi bán lại cho các "chân rết" cùng hệ thống tại châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ và khu vực Thái Bình Dương. Dù là công ty ở Ireland và có hoạt động mua bán sản phẩm, thực tế chỉ một lượng nhỏ giọt hàng của Apple từng vào biên giới quốc gia châu Âu này.

 

Tính đến trước năm 2012, ASI không hề có nhân viên nhưng thu nhập vẫn tới 38 tỷ USD trong 3 năm. Tính từ 2009 đến 2012, ước tính Apple đã né thành công 74 tỷ USD lợi nhuận trên toàn cầu ra khỏi kê khai thuế Mỹ. Cũng giống như AOI, ASI không phải chịu một xu thuế nào.

 

Bằng sự sắp đặt và những tính toán tài tình của mình, Apple, theo chi tiết trong cáo buộc của Thượng viện, đã trốn tổng cộng 12,5 tỷ USD tiền thuế trong 2 năm 2011 (3,5 tỷ USD) và 2012 (9 tỷ USD), tương đương 17 triệu USD mỗi ngày. So ra, một ngày lách luật của Apple mang về doanh thu còn lớn hơn cả mạng xã hội Tumblr chật vật làm trong một năm (2012 đạt 13 triệu USD).

 

Đáp lại những thông tin bất lợi cho doanh nghiệp, CEO Tim Cook trong phiên điều trần đã khẳng định: "Chúng tôi trả đủ số thuế theo trách nhiệm, từng đồng một chứ không hề dùng chiêu trò gì để trốn". Ông cho hay các công ty con không có chức năng gì liên quan tới việc giảm thuế của hãng tại Mỹ.

 

Apple cũng cho rằng hệ thống thuế của Mỹ "đã không theo kịp được sự phát triển của thời đại kỹ thuật số và sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu. Trước phiên điều trần, đại diện Apple cam đoan công ty là một trong những đơn vị trả thuế lớn nhất tại Mỹ, với 6 tỷ USD tính riêng 2012.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục