Apple chưa mạnh tay chi tiền khi “so găng” với FBI

(ĐTCK) Apple Inc sẽ cần tới sự trợ giúp của tất cả “bạn bè” tại Nghị viện khi chuẩn bị phải điều trần về việc Công ty từ chối mở khóa điện thoại iPhone được một kẻ khủng bố sử dụng.

Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa đầu tư nhiều tiền và thời gian của mình so với các đối thủ khác trong ngành công nghệ như Google hay Microsoft từng làm để mua sự ảnh hưởng, ít nhất là theo cách truyền thống vẫn được thực hiện tại Washington.

Chris Jonex, giám đốc nhân sự tại CapitolVorks, công ty chuyên thực hiện các chiến dịch vận động hành lang cho biết: “Chiến dịch vận động hành lang của Apple dường như đang được cài đặt ở chế độ 'im lặng' hoặc là chế độ 'rung'. Tôi nghĩ đây là cách mà họ thích làm”.

Cố vấn luật pháp Bruce Sewell của Apple và Giám đốc FBI James Comey có lịch trình điều trần vào ngày hôm nay trước Uỷ ban Tư pháp. Công ty công nghệ lớn nhất thế giới này đang trong “cuộc chiến” chống lại lệnh yêu cầu hỗ trợ của điều tra của FBI bằng cách mở khóa chiếc iPhone được sử dụng bởi một kẻ tấn công đã giết 14 người tại San Bernardino, California vào tháng 12 năm ngoái.

"Chiến dịch vận động hành lang của Apple dường như đang được cài đặt ở chế độ “im lặng” hoặc là chế độ “rung "

Năm ngoái, Apple đã dành 4,48 triệu USD cho các hoạt động vận động hành lang tại Washington, đây là mức cao nhất từ trước tới nay của công ty này, tuy nhiên, nó vẫn khá khiêm tốn so với con số của các đại gia công nghệ khác như Google hay Microsoft Corp.

Công ty mẹ của Google, Alphabet Inc đã chi 16,7 triệu USD năm 2015, nằm trong top 12 nhà đóng góp lớn nhất cho các hoạt động vận động hành lang, theo số liệu của Center for Responsive Politics, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo vết các khoản tiền trong các cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, Microsoft cũng chi 8,5 triệu USD.

Lý do mà Sewell, luật sư của Apple đưa ra để phản đối việc mở khóa chiếc iPhone của kẻ khủng bố là bởi yêu cầu của Fbi sẽ làm suy yếu đi tính chất bảo mật và an toàn thông tin đối với sản phẩm của Apple.

“Hacker và các tội phạm công nghệ có thể sử dụng điều này để tàn phá chính sách bảo mật và quyền riêng tư của Công ty phục vụ khách hàng. Điều này có thể đặt ra một tiền lệ nguy hiểm cho sự can thiệp của Chính phủ vào quyền riêng tư và bảo mật của công dân”.

 Microsoft, Google, Twitter, Facebook sẽ gửi các đơn thể hiện sự ủng hộ Apple tới tòa án California
Mặc dù được cho rằng không chi nhiều tiền cho các cuộc vận động hành lang nhằm tạo thêm sức mạnh, Apple vẫn có sự chuẩn bị cần thiết cho buổi điều trần này. Công ty đã có thỏa thuận với những chuyên gia luật pháp hàng đầu, thuê cựu Cố vấn luật pháp cao cấp Mỹ Ted Olson, cũng như Hãng luật Gibson, Dunn & Crutcher.

Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn khác đều ra mặt đồng tình với quyết định của Apple, bao gồm Microsoft, Google, Twitter, Facebook, với việc cho biết sẽ gửi các đơn thể hiện sự ủng hộ tới tòa án California.

Tuy nhiên, Apple có lẽ chỉ nhận được sự ủng hộ tích cực từ những công ty công nghệ, bởi họ lo ngại nếu Apple khuất phục thì sẽ ảnh hưởng tới chính sách bảo mật của chính mình, còn người dân Mỹ thì ngược lại.

Theo một khảo sát của Pew Research Center, 51% người dân Mỹ tham gia khảo sát cho rằng Apple nên mở khóa chiếc iPhone đó, chỉ có 38% cho rằng Apple không nên làm.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục